Từ thị xã Gia Nghĩa ngược về phía Tây Nam khoảng 100km và cách thị trấn Ea T’ling, huyện Chư Jút chừng 1km về hướng Đông Nam, du khách sẽ đến với khu di sản địa chất thác Trinh Nữ…
Không hùng vĩ, dữ dội như những con thác khác ở Đắk Nông, thác Trinh Nữ luôn êm đềm, dịu dàng như những nàng thiếu nữ đang vào độ tuổi xuân thì. Theo những con đường bằng đá uốn lượn quanh ngọn thác, du khách có thể nghỉ chân trong những chiếc chòi mái lá xinh xắn nghe kể câu chuyện về người con gái đã gửi thân mình vào dòng nước bạc khi chuyện tình yêu gặp nhiều trắc trở. Đặc biệt, nơi đây còn có những tảng đá bazan lớn có kết cấu như than đá mang những hình thù kỳ dị. Đó chính là khu di sản địa chất thác Trinh Nữ. Khu di sản gây ấn tượng cho du khách bằng dáng vẻ độc đáo của những khối đá bazan dạng cột to lớn đặc, ít khi là bazan lỗ rỗng hoặc hạnh nhân, có màu xám – xám đen, có tuổi khoảng 1,6 triệu năm. Đá có dạng cột hình lăng trụ với số cạnh thay đổi từ 4 đến 6 cạnh, trong đó loại lăng trụ 6 cạnh chiếm phần chủ yếu. Ngoài ra còn bị vô số khe nứt nhỏ khống chế, phương nứt nẻ không có quy luật, dài ngắn khác nhau. Đường kính lớn nhất của cột đá khoảng 30-40cm, dài 3-6m. Đặc điểm nứt nẻ đã tạo nên cho đá bazan ở đây những “vân đá” có hình thù kỳ lạ và đều đặn như được thiết kế sẵn bởi bàn tay của tạo hóa, hiếm nơi nào có được. Nhiều khối đá có kích thước dài tới vài mét, nằm chồng chất chìm nổi bên lòng sông. Mùa nước về, nước chảy xiết gặp ghềnh đá tung bọt trắng xóa, tạo nên một quang cảng kì vĩ, đẹp mắt. Dọc 2 bờ thác ngổn ngang các khối đá, có nhiều cây lớn, cành mọc uốn lượn, cheo leo theo vách đá, cùng với các cột đá tạo nên vẻ nguyên thủy hoang sơ, hấp dẫn như thể đá và cây cùng đua nhau mọc. Nhiều chỗ những cột đá bazan nằm sát cạnh nhau như những khúc gỗ, có nhiều chỗ khối đá bị đổ nghiêng hoặc nằm ngang trông rất ngoạn mục, làm cho du khách có cảm giác như đang lạc vào một rừng đá với những ấn tượng lạ lùng, khó quên.
Có thể nói, đến thác Trinh Nữ, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp riêng với nhiều gộc đá độc đáo chồng chất ven bờ và lòng thác. Khuất sau những vách đá khá kín đáo còn có cả một bãi tắm nước trong vắt và khu rừng nguyên sinh là những địa điểm rất thích hợp với những khách tham quan có nhu cầu thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên bằng cách đi bộ dã ngoại. Đến với khu bảo tồn địa chất thác Trinh Nữ, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản Tây Nguyên như cơm lam, thịt nướng, canh cá lăng với lá giang… do Trung tâm du lịch thác Trinh Nữ phục vụ; bàn ghế được làm từ gỗ với những hình dáng tự nhiên cũng tạo nên một cảm giác khá hấp dẫn. Ngoài ra khách có thể cưỡi voi, leo dây vách núi, uống rượu cần giao lưu với đồng bào bản địa Ê đê… Nhà nghỉ cũng như toàn bộ các công trình được quy hoạch, thiết kế, xây dựng và trang trí theo kiểu nhà dài truyền thống của người Ê đê và M’nông ở Tây Nguyên. Chính sự độc đáo ấy mà khu di sản địa chất thác Trinh Nữ đang được Bảo tàng địa chất (Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam) nghiên cứu xây dựng thành công viên địa chất. Cùng với di tích lịch sử cấp quốc gia thác Đray Sáp và thác Gia Long, khu di sản địa chất thác Trinh Nữ đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Đắk Nông./.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn