
Địa đạo Phú Thọ Hòa ở quận Tân Phú là một trong những di tích lịch sử mang dấu ấn hào hùng của dân tộc.
Ít ai biết rằng, đây là hệ thống địa đạo đầu tiên được xây dựng tại TPHCM, trước cả Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM), từng là căn cứ vững chắc của lực lượng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Khám phá địa đạo giữa lòng TPHCM, có tuổi đời lâu hơn cả Địa đạo Củ Chi (Video: Cẩm Tiên).
Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng từ năm 1947. Hệ thống đường hầm dưới lòng đất chằng chịt với nhiều nhánh, có tổng chiều dài hơn 10km. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá và quá trình đô thị hóa, phần lớn công trình đã bị mai một. Hiện nay, chỉ còn lại khoảng 100m địa đạo được khôi phục trong khuôn viên rộng hơn 4.200m2, theo chỉ đạo của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào năm 1984.
Điểm đặc biệt của Địa đạo Phú Thọ Hòa là nằm ngay trong khu dân cư đông đúc. Thời chiến, vị trí địa lý của địa đạo này giúp bộ đội ta dễ dàng ẩn mình giữa nhân dân, đánh lạc hướng của kẻ thù cũng như tránh các thiết bị dò tìm và chó nghiệp vụ của địch.
Trong khuôn viên địa đạo vẫn còn tồn tại nhiều ngôi mộ cổ. Theo anh Hồ Hoàng Hải, thuyết minh viên của Trung tâm Văn hóa quận Tân Phú, những ngôi mộ đó là của người dân, đã được di dời hài cốt. Phần mộ vẫn được giữ lại để phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống.
“Địa đạo Phú Thọ Hòa được đào xuyên qua những ngôi mộ. Khi đường hầm bị phát hiện, các chiến sĩ phải nấp mình ngay trong những ngôi mộ để lẩn trốn. Trong khuôn viên của Địa đạo Phú Thọ Hòa còn có mô hình địch dùng chó nghiệp vụ để đánh hơi chiến sĩ dưới địa đạo”, anh Hải cho hay.
Ông Nghiêm Vĩnh Phú – Tổ trưởng tổ Thư viện Nhà truyền thống Địa đạo Phú Thọ Hòa – cho biết, địa đạo này được chia làm 2 đoạn, một đoạn 30m và một đoạn 70m. Khác với Địa đạo Củ Chi có nhiều lối thoát hiểm cách nhau 5m, 10m… Địa đạo Phú Thọ Hòa chỉ có 3 cửa.
Trong địa đạo chỉ có một số lỗ nhỏ để lấy không khí từ mặt đất xuống. Nếu bước xuống địa đạo này từ cửa ở giữa, chui hai hướng, thì một hướng phải chui 30m mới có đường ra, hướng còn lại phải chui 70m mới đến nơi.
“Trên mặt đất, 30m hay 70m không dài, nhưng ở không gian chật hẹp, thiếu oxy như địa đạo thì đi hết quãng đường đó cũng là cả vấn đề. Cũng chính vì thế mà hiện tại địa đạo chưa đảm bảo được an toàn để người dân tham quan”, ông Phú nói.
Địa đạo Phú Thọ Hòa mở cửa trong giờ hành chính (7h-11h và 13h30-17h) và hoàn toàn không thu phí vào cổng. Vào dịp cao điểm như Tháng thanh niên hay kỷ niệm 30/4, nơi đây đón tiếp hàng ngàn lượt khách, phần lớn là học sinh, sinh viên và các đoàn thể.
Tuy hiện tại không thể chui sâu vào lòng địa đạo, du khách vẫn có thể bước xuống một phần lối vào để chụp ảnh và cảm nhận không gian lịch sử này.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, cửa vào và lối đi trong địa đạo khá rộng rãi, có thể thuận tiện xoay trở cơ thể. Song, không gian trong địa đạo nóng, ngột ngạt, có thể gây khó thở. Trên các cửa địa đạo cũng đã được bố trí các bảng thông báo, nhắc nhở người có bệnh về hô hấp, tim mạch nên hạn chế xuống dưới hầm.
Ngoài đường hầm trong lòng đất, Địa đạo Phú Thọ Hòa còn có nhà truyền thống trưng bày những hiện vật mang tính lịch sử. Trong khuôn viên địa đạo còn có mô hình các chiến sĩ ẩn nấp dưới hào giao thông cùng bức phù điêu lớn gợi nhớ lại những ký ức thời chiến tranh loạn lạc.
“Ở một góc trong khuôn viên, mô hình tổ đào địa đạo cũng được dựng lại. Nhìn từ xa chỉ thấy mô hình 2 người, khi tiến lại gần sẽ thấy thêm một người ngồi bên dưới. Trong 3 người này, một người đào, một người kéo đất lên và một người đem đi đổ”, ông Phú thông tin thêm.
Không chỉ là nơi lưu giữ dấu ấn kháng chiến, Địa đạo Phú Thọ Hòa còn là minh chứng sống động cho tinh thần sáng tạo và sự bền bỉ của quân dân ta trong những năm tháng gian khó. Đây là điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu thích lịch sử, muốn tìm hiểu thêm về những trang vàng bất khuất của TPHCM.
Nguồn: Dantri