Dù là ở nước nào, Việt Nam với những gánh bún, gánh xôi hay nước Mỹ với những xe xúc xích dạo thì những hình thức bán hàng rong vẫn rất được nhiều người yêu thích.
Những tưởng hàng rong “trôi nổi” là khái niệm chỉ nhiều nước châu Á mới có, nhưng đến cả một vài nước phương Tây hiện đại vậy mà cũng có người gánh hàng đi bán đấy. Hãy cùng chúng mình dạo một vòng xem phiên bản hàng rong các nước sau đây nhé:
Việt Nam
Chỉ với một gánh nhỏ, ta có cả “căn bếp” đa năng.
Việt Nam có lẽ là một trong số những đất nước với văn hoá street food phát triển bậc nhất và đi kèm đó là những xe hàng rong vô cùng quen thuộc với mỗi con người nơi đây. Từ xa xưa, ta đã có các gánh bún, gánh bánh, gánh xôi được những người phụ nữ gánh đi bán nơi đầu làng, xếp thêm vài cái ghế con con cho người ta dừng chân nghỉ mệt, ăn miếng bánh uống miếng nước. Thời nay, ta có từ những món ăn du nhập trên khắp thế giới cho đến những món ăn truyền thống vẫn luôn tồn tại biết bao nhiêu năm. Ta có những xe kem que, kem ký kêu leng keng, có phiên bản hủ tiếu gõ lốc cốc, có những gánh chè, gánh xôi… vẫn luôn được nhiều người ủng hộ và chẳng có vẻ gì là sẽ mai một trong thời gian gần, cho dù hàng quán hiện đại cứ thay phiên nhau mọc lên thì vẫn không thay đổi được những thi thú khi ăn hàng rong của người Việt.
Hàng rong ở Việt Nam xen lẫn giữa hiện đại và truyền thống. Ta có thể có những chiếc xe đẩy, xe kéo với máy móc, nhưng cũng vẫn còn nhiều chỗ dùng các chiếc làn, chiếc gánh thân thương.
Mỹ
Xe xúc xích dạo ở Mỹ.
Đừng tưởng nước Mỹ nổi tiếng với các chuỗi cửa hàng fast food máy lạnh mà không có cái gọi là “street food” nhé. Trái lại, nước Mỹ cũng có những “hàng rong” chuyên rong ruổi trên khắp phố phường vô cùng phổ biến. Thậm chí, ở những thành phố nổi tiếng toàn nhà chọc trời như New York cũng không hiếm các hàng rong này đâu. Đó là những xe bánh mì hot dog rất nhỏ, gần giống như những xe đẩy bánh mì của nước ta vậy. Hot dog là món ăn nhanh khoái khẩu và rất rẻ của người Mỹ, bao gồm bánh mì kẹp xúc xích hotdog ăn cùng mù tạt và tương ớt. Đôi khi, những xe này còn bán kèm các món ăn vặt khác như khoai chiên, sữa lắc…
Xe kem dạo.
Ngoài ra, nếu như Việt Nam có những xe kem que, kem ký “thần thánh” mà đứa trẻ nào cũng quen thuộc thì Mỹ cũng có xe kem, nhưng là xe… tải. Những xe tải đầy màu sắc có bán các loại kem cũng là một phần tuổi thơ của mỗi người Mỹ.
Đức
Nếu ai nghĩ rằng các nước châu Âu nào cũng sẽ có những xe bán hàng hiện đại từ cỡ xe tải trở lên thì bạn nhầm rồi. “Hàng rong” đẳng cấp Đức còn chẳng có đến… chiếc xe! Ngay tại Berlin, bạn có thể tìm mua những chiếc bratwurst – biểu tượng ẩm thực Đức – từ những người đàn ông bán hàng rong.
Tương tự với hình ảnh các bà, các cô ôm theo những chiếc làn, chiếc gánh, phiên bản bratwurst đường phố ở Đức là như sau: Những người đàn ông khoẻ mạnh “đeo” luôn quầy hàng vào người, phía trên có thêm chiếc ô để tránh nắng và cứ thế mang xúc xích bratwurst đi khắp nơi mời chào thực khách.
Hàn Quốc
Nhắc đến Hàn Quốc, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến những xe bán thức ăn vặt như tteokpokki, các món lẩu hay các món gimbap, đồ chiên… Thông thường đây là dạng hàng quán dựng trên những chiếc xe, song đây chẳng phải loại hình hàng rong duy nhất. Trên nhiều con phố hiện đại, tấp nập của Hàn Quốc thi thoảng vẫn sẽ có một vài hàng khoai lang nước hay hàng bánh hotteok hấp dẫn được người Hàn yêu thích vô cùng.
Hầu hết các món street food Hàn Quốc tuy đều có khả năng “di động”, nhưng hầu hết người bán đều chọn cố định một chỗ cho đến khi bán hết rồi đi về nhà.
Nhật Bản
Nhật Bản thậm chí còn có một từ để gọi văn hoá tương tự như “hàng rong” là yatai. Yatai có nghĩa là “cửa tiệm đứng”, thường là các xe đẩy bằng gỗ, có bánh xe gỗ được người Nhật đẩy đi khắp mọi nơi. Thời xưa còn thịnh hành cách ăn mì soba đứng trong các cửa hàng yatai.
Hiện nay, yatai cũng được xem như các cửa tiệm đường phố, có thể di động hoặc không. Yatai có thể bán từ sushi, các món ăn Nhật Bản truyền thống chứ không riêng gì thức ăn nhẹ. Nhiều công chức văn phòng thường ghé các quán yatai để ăn tối trước khi về nhà hay thậm chí rủ đồng nghiệp, bạn bè ghé một quán yatai để cùng ăn uống và trò chuyện như đi nhà hàng vậy. Thông thường, yatai sẽ được mở sau khi mặt trời lặn và dẹp đi khi mặt trời mọc.
Nguồn: KENH14.VN