Không thích nói nhiều về mình nhưng khi nhắc đến du lịch bền vững, người đàn ông gầy gò ấy lại nói say sưa về độ ẩm như thế nào, địa hình ra sao, các kinh nghiệm săn mây để được ngắm biển mây đẹp…
Đánh thức vùng đất ngủ yên
Hai năm trước, ít người biết đến thiên đường mây Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La), thậm chí ngay người dân trong huyện (cách đó 15 km) cũng không ít người chưa từng một lần đặt chân đến địa danh này. Thế nhưng, từ nơi “khỉ ho cò gáy”, dưới con mắt của người từng có không ít năm tu nghiệp ở nước ngoài, Trần Việt Dũng (Ngong Hankang) đã nhận ra mảnh đất ấy đẹp nao lòng, nhìn ra được những tiềm năng du lịch để quảng bá, phát triển ngành công nghiệp xanh cho mảnh đất này.
Tà Xùa thuộc địa phận huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Đỉnh cao nhất ở đây là 2.865 m, xếp thứ 10 trong số những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Xã Tà Xùa, như người dân nơi đây gọi là cổng trời, nơi trời đất giao hoà, quanh năm mây mù bao phủ. Điểm hấp dẫn đối với những người ưa chinh phục tại Tà Xùa đó là mây. Đến xã Tà Xùa, nếu may mắn bạn sẽ được chiêm ngắm biển mây bồng bềnh, cảm giác như đang đi lạc vào chốn thần tiên, diệu vợi bị bỏ quên nơi trần thế.
Anh Dũng kể, Tà Xùa không phải là điểm đầu tiên anh làm du lịch. Trước đó, vào năm 2009, khi còn ở nước ngoài về nghỉ phép, sau một chuyến đi làm từ thiện ở Lý Sơn, anh như “phải lòng” mảnh đất ấy. Từ đó, mỗi năm anh dành 6-7 tháng ở đây, bắt đầu từ những bộ ảnh, những bài viết chia sẻ, giới thiệu về những địa danh hay chỉ đơn giản là giúp đỡ khách cũng như người dân nơi đây kinh nghiệm làm du lịch…“Những chuyến hàng từ thiện chỉ giúp bà con tức thời, cái cần là mang cần câu cơm đến cho bà con, giúp bà con tự biết cách kiếm tiền. Với chút ảnh hưởng của mình trong “cộng đồng làm du lịch”, tôi đã cùng ăn, cùng ở với bà con nơi này”, anh Dũng nói.
Giúp người dân làm du lịch
Tà Xùa nhìn từ trên cao đẹp như một bức tranh.
Trở lại câu chuyện làm du lịch sinh thái ở Tà Xùa, anh Dũng cho biết, lần đầu tiên anh đặt chân đến mảnh đất này vào năm 2003- 2004 theo một chương trình tình nguyện. Đến năm 2012, sau khi có phóng sự về những vất vả của trẻ em ở Tà Xùa, anh đã trở lại cùng các bạn làm điểm trường cho các em. Trong những lần ngược xuôi từ Hà Nội – Bắc Yên – Tà Xùa, anh nhận ra nơi đây có tiềm năng du lịch với rất nhiều điểm hấp dẫn, trong đó phải kể đến đặc sản “mây”. “Người dân ở đây còn nghèo lắm, đời sống còn quá nhiều khó khăn, vì thế tôi muốn kéo khách lên đây giúp bà con kiếm tiền. Vậy là cuối năm 2013, đầu năm 2014, tôi bắt đầu quảng bá Tà Xùa qua bộ ảnh đầu tiên “Phiêu bồng trên biển mây Tà Xùa”. Sau đó, tôi khuyên bà con làm nhà trọ, dọn dẹp sạch sẽ để đón khách là những người bạn của tôi không có chỗ nghỉ chân. Người dân tộc lạ lắm, nói mãi, thuyết phục hoài họ vẫn không tin. Vậy là, cuối năm 2015, tôi đành dốc tiền làm Tà Xùa homestay”, anh Dũng kể lại.
Song song với đó, anh cũng vận động bà con trong vùng dọn nhà, làm thêm công trình phụ, phục vụ ăn uống cho khách du lịch. Anh Dũng cho biết thêm, theo thống kê trong năm qua, đã có khoảng 28.000 lượt khách đến với Tà Xùa, riêng Tà Xùa homestay của anh đón từ 4.800 – 5.000 lượt khách.
Rất thật thà, anh kể, khách đến với Tà Xùa homestay chỉ tập trung vào ngày nghỉ. Ngoài số tiền 60.000 đồng/người/ngày đêm, gần như họ phải chi rất ít cho những khoản tiền ăn uống hay những dịch vụ khác. Tuy nhiên, anh Dũng lại không mong khách đến nhiều bởi nơi đây chưa có nhiều dịch vụ. Chưa kể nếu du khách kéo lên quá đông (phát triển du lịch nóng) mà không có quy hoạch ngay từ ban đầu sẽ gây nhiều bất cập, tiêu cực. “Khách đến với Tà Xùa có đủ thành phần, nhưng lượng khách trở đi, trở lại nơi này nhiều nhất là những người đam mê chụp ảnh, tiếp đó là các bạn trẻ. Tuy nhiên, cũng có không ít khách còn chưa có ý thức đã xả rác, lấy củi của người dân để ven đường để đốt lửa trại ban đêm”, anh Dũng nói.
Sau rất nhiều lần lên xã làm việc, thuyết phục, đến thời điểm này, chính quyền địa phương nơi đây cũng đã bắt đầu nhận ra một “kênh” thu được lợi nhuận, cải thiện đời sống của bà con, nên đã cùng anh xây dựng đề án quy hoạch và định hướng các mô hình du lịch cũng như phát triển kinh tế địa phương, lấy du lịch làm tâm điểm. “Chẳng ai trả tiền để mình leo rừng, luồn núi nghiên cứu địa hình, địa thế nơi này. Sau khi đi thực địa, tôi lại vận dụng tối đa các mối quan hệ sẵn có để lên được quy hoạch tổng thể chi tiết, những mong biến nơi này thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Ở đó, tất cả bà con được tham gia làm du lịch. Nhà này có thể làm lưu trú, nhà khác có thể phục vụ những dịch vụ phụ trợ, hay trồng rau sạch… Tôi cũng đã nghĩ tới việc liên hệ với một vài tổ chức phi chính phủ triển khai đào tạo cho bà con những kiến thức cơ bản để làm du lịch bền vững mà vẫn giữ được nét văn hoá đặc trưng”, anh Dũng nói.
Người đàn ông nặng lòng với địa danh này mong muốn tới đây, địa phương sẽ thành lập ban quản lý khu du lịch mà ở đó chính quyền phải đặt ra những quy định cụ thể cũng như những chế tài, chẳng hạn như xử phạt khi vứt rác không đúng quy định, lấy đồ của người dân hay gây tiếng ồn… Bởi theo anh, chỉ khi chính quyền vào cuộc thì mới dần khắc phục được những tồn tại ở “thiên đường mây Tà Xùa”.
Nguồn: 24H.COM.VN