Nếu ai đã từng đọc những bộ tiểu thuyết hay xem những bộ phim kiếm hiệp chắp bút bởi nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Kim Dung – người mới qua đời vào cuối tháng 10 vừa qua, chắc hẳn không thể quên đại bản doanh lừng lẫy của Hoa Sơn phái – núi Hoa Sơn…
Nằm ở ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Hoa Sơn được biết đến với 5 ngọn núi chính, trong đó ngọn Nam Phong (tên gọi khác là Lạc Nhạn) là đỉnh cao nhất, với 2.154,9 m. Hoa Sơn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1990.
Ngọn núi bao bọc bởi toàn đá hoa cương, từ xa vọng về, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là Hoa Sơn, đỉnh chính cao 2.083m, gọi là Thái Hoa Sơn (hay Tây Nhạc). Hoa Sơn nổi danh là nơi hiểm nguy, thử thách tài nghệ của những dũng sĩ leo núi.
Hoa Sơn là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong tiểu thuyết của Kim Dung, và thường được đề cập đến với cụm từ “Hoa Sơn luận kiếm”. Chính bởi sự uy phong, lừng lẫy của ngọn núi, mà Kim Dung đã chọn nơi này là địa điểm “quyền lực” trong giới võ lâm Trung Nguyên. Đây cũng chính là ngọn núi để các các vị anh hùng, cao thủ võ lâm đến so tài cao thấp, giành ngôi vị “Võ lâm chí tôn”.
Nếu là tín đồ của phim, truyện kiếm hiệp Kim Dung, nhắc đến Hoa Sơn, chắc chắn bạn sẽ không thể quên được những lần luận kiếm của Đông tà Hoàng Dược Sư, Tây độc Âu Dương Phong, hay Bắc cái Hồng Thất Công, trong Anh Hùng Xạ Điêu. Hoa Sơn không chỉ là địa điểm luận kiếm của các vị anh hùng, nơi đây còn là địa điểm để kết giao tình bằng hữu, giữa Âu Dương Phong với Hồng Thất Công trong bộ Thần Điêu Hiệp Lữ.
Chính bởi địa hình khúc khuỷu, hiểm trở của những ngọn núi, mà Kim Dung đã chọn nơi đây để tìm ra Đệ nhất võ lâm Trung Nguyên. Chỉ có những vị anh hùng sở hữu võ nghệ cao thâm, mới có thể vượt qua những dãy núi hiểm trở này, để lên đến đỉnh núi.
Không chỉ có phong cảnh hữu tình tuyệt đẹp với những thung lũng phủ đầy mây, mà nơi đây còn được xem là tuyến đường lên núi nguy hiểm nhất thế giới, thu hút sự khám phá của khách du lịch.
Điều đặc biệt dành cho những ai đến ngọn núi này, là sẽ được tận mắt chứng kiến dòng chữ “Hoa Sơn luận kiếm” do chính tay tác giả Kim Dung chấp bút.
Nguồn: 24H.COM.VN