Nhiều nhân viên bán hàng tại Hà Nội cho biết so với các dịp Black Friday năm trước, năm nay khan hiếm hóa đơn vài chục triệu đồng. Số tiền trung bình năm nay khoảng vài triệu đồng.
-
Đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) ùn tắc cục bộ
Từ 18h ngày 26/11, khá đông người dân ở TP.HCM đổ về đường Lý Tự Trọng, quận 1 để mua sắm. Giao thông trước đoạn đường có cổng lớn của Vincom Center Đồng Khởi và cửa hiệu Uniqlo ùn tắc cục bộ, đông đúc dần.
Bên trong Vincom Center Đồng Khởi khá đông đúc người mua sắm. Các gian hàng phục vụ giới trẻ chật kín người. Hầu hết sản phẩm đồng loạt giảm giá khoảng 30-50%.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Lượng khách mua sắm ban ngày ở Hà Nội chỉ tương đương cuối tuần
Dù tung ra ưu đãi lên đến 70-80%, nhưng nhiều cửa hàng quần áo tại Hà Nội vẫn vắng khách. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến khách hàng thờ ơ với việc mua sắm tại cửa hàng.
Trong ngày 26/11, ghi nhận của Zing tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Aeon Mall Hà Đông, lượng khách chỉ tập trung ở một vài cửa hàng quần áo. Một số mặt hàng như mỹ phẩm, trang sức, giày dép…, mặc dù giảm tới 50-70% nhưng vẫn trong tình trạng vắng vẻ, hầu như không có khách.
Tại cửa hàng Uniqlo trong các trung tâm thương mại, nhộn nhịp khách ra vào mua sắm, nhân viên tại đây cho biết hôm nay lượng khách đông gấp đôi so với ngày thường. Càng về chiều lượng khách đến càng đông nhưng đa số không mặn mà chuyện mua hàng giảm giá.
Ảnh: Thanh Thương.
-
Dân công sở ở Hà Nội tranh thủ mua sắm sau giờ tan tầm
Phố thời trang Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) ngày càng tấp nập người mau sắm. Đa phần khách hàng là dân công sở tranh thủ giờ tan làm tạt qua mua sắm quần áo, giày dép trong ngày Black Friday. Con phố Chùa Bộc cũng đông đúc dần các phương tiện giao thông. Xe máy của khách được để thành 2 hàng trên vỉa hè khiến lối đi của người đi bộ bị thu hẹp lại.
Ảnh: Việt Linh.
-
Nhiều cửa hàng đóng cửa, “đứng ngoài” Black Friday
Tại Hà Nội, trong khi nhiều cửa hàng đồng loạt tung ưu đãi giảm giá 70-80% để thu hút khách hàng thì một số lại không triển khai chương trình khuyến mãi nào trong dịp Black Friday.
Thậm chí nhiều cửa hiệu trong tình trạng đóng cửa chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Nhân viên một cửa hàng quần áo trên phố Yên Thế (quận Đống Đa) cho biết quán ít có chương trình khuyến mãi kể cả những ngày như Black Friday. “Cửa hàng không ồ ạt giảm giá như những nơi khác, tuy nhiên chúng tôi vẫn có lượng khách ổn định”.Ảnh: Thanh Thương.
-
Xếp hàng khai báo y tế, trình “thẻ xanh Covid-19” để được vào mua sắm
18h30, lượng khách đổ về Vincom Center Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) mỗi lúc đông hơn. Khu vực cổng chính ra vào có nhiều người xếp hàng khai báo y tế và xuất trình “thẻ xanh Covid-19” cùng lúc. Đây là điều kiện cần để mọi người được phép vào trong mua sắm.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Ngồi chờ thanh toán vì quá đông
Tại Vincom Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội), lượng người tới mua sắm bắt đầu đông dần, phần lớn là giới trẻ, dân văn phòng và các gia đình. Người mua xếp hàng dài chờ thanh toán tại Uniqlo – cửa hành thu hút nhiều khách tới mua sắm nhất. Các bảng giá được làm mới là giá của các sản phẩm sau khi đã giảm. Vì quá đông người thanh toán, nhiều khách chọn ngồi chờ tại khu vực nghỉ.
Chị Ngọc Khánh (áo xanh) chia sẻ: “Tôi mua cả quần áo cho bố mẹ nên khá nhiều, lại thấy đông người thanh toán quá nên quyết định ngồi nghỉ, chờ vãn vãn rồi ra”.
Ảnh: Thạch Thảo.
-
Bảo vệ liên tục yêu cầu giữ khoảng cách, tránh tập trung quá đông
Tại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), bảo vệ của một cửa hàng thời trang liên tục thường xuyên nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tập trung đông đúc. Theo một nhân viên bán hàng tại đây, dịp Black Friday những năm trước, khung giờ nhộn nhịp mua sắm nhất trong khoảng 19h-20h.
Bên ngoài, giao thông khu vực đường Lý Tự Trọng tiếp tục ùn ứ khi lượng người đến mua sắm ngày một đông. Hàng chờ để khai báo y tế và xuất trình thẻ xanh Covid-19 ngày càng dài.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Thời trang giá rẻ hút khách
Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đông người đến mua sắm. Nhiều khu vực bán thời trang giá rẻ, đồng giá với mức khuyến mại lớn được bày ngay ở sảnh trung tâm, thu hút nhiều khách hàng. Trong khi đó, các gian hàng khác cũng thu hút nhiều khách mua sắm với mức khuyến mại hấp dẫn.
Chị Phương Anh (21 tuổi) chia sẻ: “Mình cảm thấy hàng đồng giá như thế này dễ mua hơn, chỉ việc lựa mẫu thôi, cũng không cần nhân viên phải tư vấn nhiều”.
Ảnh: Nhật Sinh.
-
Phố thời trang Nguyễn Trãi ở TP.HCM vắng khách hơn mọi năm
Tại khu vực đường Nguyễn Trãi (TP.HCM), nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, cũng bắt đầu đông khách đến mua sắm. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá số lượng khách không quá đông như mọi năm.
Khách hàng phải khai báo y tế đầy đủ, xuất trình “thẻ xanh Covid-19” để vào mua sắm tại các cửa hàng trên phố Nguyễn Trãi.
Ảnh: Duy Anh.
-
Vincom Đồng Khởi ngày một đông đúc
Số lượng khách đến Vincom Đồng Khởi (TP.HCM) mua sắm mỗi lúc một đông. Khu vực lối đi chính dẫn vào các quầy hàng chen chúc người. Theo nhiều người, họ tranh thủ săn sale trong tối nay, vì có thể ngày đầu giảm giá sẽ nhận được nhiều ưu đãi. “Hàng phần lớn được giảm giá khoảng 30%, giúp tôi tiết kiệm khá nhiều. Tôi cũng đánh giá chất lượng hàng hoá ổn”, chị Hoài (quận 1) nói.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Người Hà Nội đi mua sắm muộn
Gần 20h, lượng khách đến tại Vincom Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tăng đột biến. Tuy nhiên, một số nhân viên bán hàng đánh giá khung cảnh mua sắm dịp Black Friday lúc này không có nhiều khác biệt so với những ngày cuối tuần.
Phần lớn người dân tìm đến những gian hàng thời trang tầm trung, phổ biến như Zara, Nike, Adidas, Aldo. Chia sẻ với Zing, Mỹ Linh, nhân viên của Nike, cho biết cửa hàng mới bắt đầu đông khoảng 30 phút gần đây. “Tôi nghĩ các gia đình sẽ ăn tối xong bắt đầu đi mua sắm”, cô nói.
Ảnh: Minh Khánh.
-
Chồng trông con để vợ vào mua túi xách
Trước một cửa hàng nhỏ bán túi xách tại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội), anh Bình (24 tuổi, quận Nam Từ Liêm) đẩy xe trông con và đã đợi vợ mình mua sắm được khoảng 1 tiếng. Anh cho biết gia đình đến đây từ 18h nhưng chưa mua được nhiều đồ. “Sau khi đợi vợ chọn xong túi xách, chúng tôi dự định lên tầng mua đồ cho cháu”, anh Bình nói.
Ảnh: Văn Hưng.
-
Tranh thủ giao đồ ăn rồi mua sắm
Vẫn mang trên mình bộ đồng phục shipper, anh Trần Văn Tuyên (41 tuổi) tranh thủ ghé vào một cửa hàng quần áo tại Aoen Mall Hà Đông để xem vài mẫu quần phù hợp cho công việc. Anh chia sẻ: “Tôi cũng không biết hôm nay có dịp gì mà mọi người lại đi mua hàng đông như vậy, nhìn xung quanh thì thấy đâu cũng có biển giảm giá nên cũng tò mò ghé vào xem”. Được biết, tối nay anh có đơn hàng đồ ăn tại đây.
Ảnh: Nhật Sinh.
-
Khách hàng ùn ùn đến Zara Hà Nội
Nhiều người phải xếp hàng để được vào Zara, gian hàng này hiện quá tải do có quá đông khách hàng kéo đến. Zara hiện là thương hiệu thời trang có mặt bằng lớn nhất ở Vincom Bà Triệu.
Tuy nhiên, do không kiểm soát được lượng khách, Zara phải mở cửa cho toàn bộ khách sau 15 phút yêu cầu xếp hàng.
Ảnh: Minh Khánh.
-
Bỏ 7 triệu đồng để mua sắm dịp Black Friday
Hà Linh (trái) cùng em gái đi mua sắm tại Vincom Metropolis (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội). Hai cô gái trẻ bỏ ra số tiền hơn 7 triệu đồng cho buổi mua sắm tối nay.
“Đợt dịch nghỉ dài nên cũng ít đi mua sắm. Nhân dịp các cửa hàng thười trang giảm giá nên chúng mình tranh thủ mua và đi chơi trong tối nay luôn”, Linh chia sẻ.
Trong hóa đơn mua sắm của Hà Linh và nhiều khách hàng khách có những sản phẩm có giá thành tương đối cao và không áp dụng giảm giá.
Ảnh: Thạch Thảo.
-
Một số trung tâm thương mại ở Hà Nội vắng vẻ
Hơn 20h, tại Vincom Nguyễn Chí Thanh lượng khách rất thưa thớt. Nhân viên một cửa hàng thời trang cho biết lượng khách trong tối hôm nay còn không bằng thời điểm cuối tuần. Tại cửa hàng Lock&Lock, trái ngược với khung cảnh tranh giành, chen chúc mua sắm nhiều năm trước, năm nay không khí mua sắm khá ảm đạm mặc dù chương trình khuyến mãi của thương hiệu này vẫn giống năm ngoái.
Ảnh: Quỳnh Thương.
-
Một số trung tâm thương mại ở Hà Nội vắng vẻ
“Tôi mua khá nhiều đồ gia dụng trong tối nay ở Vincom Đồng Khởi, với nhiều món đồ gồm nồi chiên không dầu, tủ chén, nồi từ… giá tổng cộng khoảng 5 triệu đồng, tiết kiệm hơn 5 triệu đồng so với ngày thường. Các mặt hàng này đồng loạt giảm giá 50%”, bạn Toàn, ngụ quận 7, cho biết.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Tranh thủ mua đồ vì sợ hết size
Chị Tuyết Anh (ở Tân Bình) chia sẻ: “Theo tôi được biết thì các cửa hàng không chỉ sale trong ngày hôm nay mà sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới. Tôi cùng bạn cũng tranh thủ mua ít đồ vì sợ sẽ hết size thôi chứ cũng không săn gì nhiều trong ngày này”.
Ảnh: Duy Anh.
-
Hiếm đơn hàng vài chục triệu đồng
Nhân viên cửa hàng này cho biết chị khá bất ngờ với tình cảnh vắng vẻ năm nay. “Năm nào chúng tôi cũng trong tình trạng quá tải nhưng năm nay hoàn toàn trái ngược. Một phần vì người dân thắt chặt chi tiêu, một phần vì ngại tập trung đông người”, nhân viên này nói.
Theo chị, nếu như các năm trước, hoá đơn hàng lên đến vài chục triệu đồng là bình thường thì năm nay chỉ dao động từ tiền trăm đến vài triệu đồng, rất ít đơn trên chục triệu đồng.
Ảnh: Quỳnh Thương.
-
Đợi bạn gái 1,5 giờ mua sắm
Chờ bạn gái đã 1,5 giờ mua sắm ngày Black Friday nhưng vẫn chưa mua được gì, Anh Bùi Văn Cương (25 tuổi) cho biết năm nay anh đèo bạn gái đi mua sắm tại các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm trên phố Cầu Giấy.
“Chúng tôi bắt đầu đi từ lúc 19h đến giờ là gần 21h nhưng vẫn chưa mua được gì”, anh nói và cho biết dù phải đứng ngoài đường chờ đợi 1,5 giờ đồng hồ nhưng không cảm thấy phiền gì và đã quen với việc này.
Ảnh: Việt Linh.
-
Đợi bạn gái 1,5 giờ mua sắm
Tại các sảnh của trung tâm thương mại Aoen Mall được trang bị các máy tiện ích để thuận tiện cho khách hàng theo dõi các khuyến mãi nhân dịp Black Friday. Tuy nhiên, có khá ít người để ý đến tiện ích này.
Anh Trần Việt Tiến (26 tuổi) đến Aoen Mall Hà Đông để tìm mua một chiếc áo khoác, anh sử dụng tiện ích này để tìm các voucher giảm giá. Ảnh chia sẻ: “Không muốn bỏ lỡ dịp lễ này nhưng cũng để bảo vệ bản thân, tôi sử dụng tiện ích này vì đi săn hàng trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện tại khá nguy hiểm vì gian hàng nào cũng tập trung đông đúc. Tôi chỉ muốn mua nhanh rồi đi về”.
Ảnh: Nhật Sinh.
-
Thất vọng vì mức khuyến mại thấp
Vì đi mua sắm muộn, chị Tâm Anh (29 tuổi, Hà Nội) không chọn được món đồ nào ưng ý. Chia sẻ với Zing, chị tỏ ra khá thất vọng với ngày hội mua sắm này.
“Ví dụ như giày, những mẫu mới, đẹp, lạ mắt thì sale rất nhẹ, khoảng 10-15%. Món nào sale trên 40% thì thường kén size hoặc kiểu dáng cũ. Tôi cảm giác Black Friday ở Việt Nam không có gì đặc sắc, nó cũng chỉ giống những đợt sale thường niên của hãng. Có lẽ do ảnh hưởng dịch bệnh nên tâm lý mua sắm cũng khắt khe hơn”, chị nói.
Ảnh: Minh Khánh.
-
Nghỉ ngơi lấy sức sau khi mua hết 4 triệu tiền quần áo
Gia đình bác Phạm Quang Tuyên (57 tuổi, huyện Thanh Trì) đến Aeon Mall Hà Đông, Hà Nội mua sắm từ lúc 19h. Sau khi đã chi được khoảng 4 triệu đồng cho quần áo, túi xách, bác ngồi nghỉ ngơi để chuẩn bị đi tiếp. “Vợ và con vẫn đang chọn đồ trong kia, tôi thì cần ngồi một lúc”, bác Tuyên cười nói.
Ảnh: Văn Hưng.
-
Nhiều người không mặn mà với Black Friday
Gần thời gian đóng cửa, kệ hàng ở một thương hiệu giày dép, túi xách dần trống trơn. Nhân viên cửa hàng cho biết hôm nay lượng khách đông hơn ngày thường nhưng vẫn ít hơn so với năm ngoái. Chị Thuỳ Linh (quận Đống Đa) cho biết Black Friday năm nay khá ảm đạm, các sản phẩm sale chủ yếu là hàng tồn kho, hết size.
“Chương trình sale cũng kéo dài nhiều ngày nên người mua cũng không mặn mà đi đúng Black Friday”, chị nói.
Ảnh: Thanh Thương.
Nguồn: News.zing.vn