Đối mặt với nhiều áp lực, sự soi mói của công chúng về đời tư, chuyện kết hôn, Công chúa Mako vẫn truyền cảm hứng cho nhiều người qua những quyết định của mình.
Mùa thu năm 2017, Công chúa Mako tuyên bố đính hôn với Kei Komuro, người đàn ông hoàn toàn không cùng tầng lớp với mình. Cô miêu tả nụ cười của anh “ấm áp như ánh Mặt Trời”. Còn đối với Komuro, Công chúa Mako là Mặt Trăng, với sự hiện diện lặng lẽ, cẩn trọng.
Dù kết hôn với một thường dân đồng nghĩa với việc Công chúa Mako sẽ mất đi tước vị hoàng gia, phần lớn công chúng khi đó vẫn vui mừng trước thông báo và chia sẻ niềm vui với nàng công chúa tìm thấy tình yêu của đời mình, theo VICE.
Nhưng ngay sau đó, vụ lùm xùm xoay quanh việc mẹ của Komuro nợ bạn trai cũ 4 triệu yen (35.959 USD) để trang trải học phí đại học cho con trai khiến kế hoạch của cặp đôi trật nhịp. Hai người phải hoãn đám cưới trước sự soi mói của công chúng về Komuro, từ mái tóc đến ý định thực sự của anh với công chúa.
Tháng 8/2018, Komuro sang Mỹ để hoàn thành việc học ở trường luật và quay trở lại Nhật Bản vào cuối tháng 9 vừa qua. Sau nhiều trắc trở, cặp đôi ấn định hôn lễ vào ngày 26/10 tới.
Đám cưới cũng sẽ đánh dấu sự kết thúc của gần 4 năm xoay quanh chỉ trích, soi mói của cặp đôi và giải thoát Công chúa Mako khỏi chiếc còng tay của Hoàng gia Nhật Bản.
Kei Komuro trở lại Nhật Bản hồi cuối tháng 9 để lo liệu việc kết hôn với Công chúa Mako. Ảnh: AFP. |
Áp lực của công chúa
Kae Sunagawa, người quen biết Công chúa Mako từ thời đại học, cho biết cô rất đồng cảm với những khó khăn của công chúa. Ngay từ khi còn nhỏ, Sunagawa đã được học rằng để trở thành một phụ nữ tốt là phải biết nấu ăn, làm việc nhà, những giá trị mà cô rất phản đối. Lớn lên trong một gia đình giàu có, Sunagawa cũng được kỳ vọng sẽ có một cuộc hôn nhân tốt.
“Khi tôi giới thiệu với bố mẹ một người bạn trai cũ chỉ tốt nghiệp cấp 3, họ không chào đón lắm. Bố mẹ lạnh lùng và điều đó khiến tôi thất vọng về họ”.
Sunagawa cũng đồng cảm với Công chúa Mako kết hôn ở tuổi 30, cô mô tả đây là thời điểm “rất căng thẳng”. Ở Nhật Bản, cụm từ “bánh Giáng sinh” thường được dùng để ám chỉ người phụ nữ trên 25 tuổi chưa kết hôn, đã qua thời kỳ thanh xuân tươi trẻ.
“Ở tuổi cô ấy, cộng với việc không thể tự do hẹn hò, tạo thêm rất nhiều áp lực. Tôi cũng từng trải qua điều tương tự”.
Công chúa Mako đối mặt nhiều áp lực dưới tư cách một phụ nữ Nhật Bản và cả thành viên hoàng gia. Ảnh: Reuters. |
Không phải đến khi đính hôn với một thường dân, Công chúa Mako mới làm những việc được xem là bất thường đối với một người thuộc hoàng gia. Cô theo học tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo thay vì đăng ký vào Đại học Gakushuin, nơi tất cả người thân của cô theo học.
Công chúa Mako được xem là có nhiều điểm giống với Meghan, Nữ công tước xứ Sussex. Cô cùng chồng là Hoàng tử Harry, rời khỏi Hoàng gia Anh.
“Sự thách thức tương đồng của hai người phụ nữ đã chứng minh rằng có rất nhiều hạn chế vẫn còn áp đặt lên hoàng gia”, Akira Yamada, giáo sư tại Đại học Meiji, người nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, nói.
Các chế độ quân chủ ở khắp nơi đang phải vật lộn để thích ứng với những kỳ vọng chính trị và xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Một số đã chấp nhận thay đổi, ví dụ như Anh cho phép thành viên hoàng gia cưới người đã ly hôn. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chủ yếu áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt.
Giáo sư Yamada cho biết thêm vị trí đặc biệt trong xã hội Nhật Bản của gia đình hoàng gia đồng nghĩa với việc các thành viên không có các quyền giống như những người dân Nhật Bản khác được hưởng.
Đối với các thành viên nữ của hoàng gia, tình hình thậm chí còn phân biệt đối xử hơn, họ sẽ phải rời khỏi hoàng gia nếu kết hôn với thường dân.
“Đây là lối suy nghĩ cực kỳ cũ, tập trung vào các tiêu chuẩn gia trưởng và không còn phù hợp với các giá trị xã hội hiện đại của chúng ta về bình đẳng giới”, ông Yamada nói. Ngay cả khi họ ở lại, vẫn chỉ có nam giới được kế vị, còn phù nữ có rất ít quyền lực và trách nhiệm.
Tự do
Khi quyết định kết hôn với Komuro, Công chúa Mako cũng cho biết sẽ không nhận khoản tiền hồi môn khoảng 1,35 triệu USD.
“Cô ấy muốn sống một cuộc sống bình thường, có thể tự đưa ra quyết định với tư cách là một người phụ nữ và kết hôn vì tình yêu”, ông Yamada nhận định.
Sunagawa đồng cảm với những khó khăn tinh thần mà Công chúa Mako đã phải trải qua.
“Nếu đang sống như một phụ nữ ở Nhật Bản, bạn hẳn đã bị xã hội hoặc gia đình đẩy vào những chuẩn mực giới tính này. Đối với Công chúa Mako, cô ấy đối mặt những áp lực ấy từ cả giới truyền thông”.
Công chúa và hôn phu sẽ kết hôn vào ngày 26/10. Ảnh: Japan Times. |
Cách thời điểm diễn ra đám cưới của công chúa vài tuần, một số người thậm chí đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc hôn nhân. Bà Kay, mẹ của Komuro, cũng không tránh khỏi việc bị kéo vào lùm xùm. Đầu tháng 10, bà bị đâm đơn kiện, cáo buộc gian dối để nhận tiền trợ cấp của chính phủ từ năm 2018.
Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa là hôn lễ sẽ diễn ra, tương lai của Công chúa Mako đã được ấn định.
Cặp đôi đều bước vào tuổi 30 dự định tới New York (Mỹ) sinh sống, nơi Komuro hành nghề luật sư. Với 5 năm làm nghiên cứu viên tại Bảo tàng Đại học Tokyo, Công chúa Mako được cho sẽ làm công việc tương tự tại một cơ quan nghệ thuật ở New York.
“Có rất nhiều người ở Nhật Bản cảm thấy day dứt bởi thực tế là họ không thể nói chuyện một cách tự do, hay kết hôn với người mà họ muốn. Họ cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, hành động của Công chúa Mako đã tạo ra thông điệp rất mạnh mẽ, rằng mỗi người có thể sống cho chính mình”, giáo sư Yamada nhận xét.
Nguồn: News.zing.vn