Khảo sát, quy hoạch phát triển du lịch Hoài Nhơn (Bình Định): Đưa làng nghề thành điểm đến, sản vật thành sản phẩm

0
120

Sở Du lịch (DL) và Hiệp hội DL tỉnh Bình Định vừa tổ chức khảo sát tài nguyên DL huyện Hoài Nhơn, nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, phát triển DL ở địa phương. PV Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với ông Nguyễn Phạm Kiên Trung – Giám đốc Công ty TNHH DL Miền Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DL Bình Ðịnh – một số vấn đề về phát triển DL Hoài Nhơn.

Đoàn khảo sát chụp hình lưu niệm trên đỉnh La Vuông

* Tài nguyên DL ở Hoài Nhơn khá dồi dào, lại trải rộng khắp cả huyện, từ đồng bằng đến miền núi, miền biển; vừa có thể khai thác DL văn hóa – lịch sử, lại có thể khai thác DL sinh thái biển, rừng… Xin ông cho biết mục đích và những điểm đến cụ thể của đợt khảo sát DL này?

– Thực hiện chủ trương của tỉnh về quy hoạch, phát triển DL 4 huyện phía Bắc tỉnh, trong đó có Hoài Nhơn, nhằm khai thác tài nguyên DL ở khu vực này để làm phong phú và đa dạng hóa sản phẩm DL Bình Định, Sở DL cùng Hiệp hội DL tỉnh đã tổ chức một số đợt khảo sát. Riêng chuyến khảo sát lần này nhằm mục đích tăng cường quảng bá và phát triển sản phẩm DL nghỉ dưỡng, làng nghề, quà lưu niệm, cũng như phát triển các tour, tuyến DL mới tại đây; đưa các làng nghề Hoài Nhơn trở thành điểm đến; đưa sản vật Hoài Nhơn trở thành sản phẩm phục vụ DL.

Qua 2 ngày làm việc, đoàn đã khảo sát khu DL La Vuông (xã Hoài Sơn); làng nghề chiếu cói Hoài Châu Bắc; cơ sở sản xuất bánh hồng Bà Điền (thị trấn Tam Quan); Đền thờ Đào Duy Từ (xã Hoài Thanh Tây); cơ sở sản xuất dầu dừa tinh khiết (HTXNN Ngọc An – xã Hoài Thanh Tây); làng nghề sản xuất bánh tráng, bánh tráng nước dừa, thảm xơ dừa, bún số 8 (xã Tam Quan Nam); các làng nghề chế biến nước mắm tại Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ), Diêu Quang; gành Diêu Quang (xã Hoài Hải).

Tại các điểm khảo sát, đoàn đã gặp gỡ, trao đổi bước đầu với người dân làng nghề, khuyến khích bà con tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã đẹp và phù hợp để đưa sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, tạo thêm đầu ra cho sản phẩm.

* Qua khảo sát, ông có những ý kiến gì về các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ DL ở Hoài Nhơn?

– Thời gian qua, các tuyến, điểm DL phía Nam tỉnh đã tương đối hoàn thiện và ổn định, được du khách đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng phải có sự chuẩn bị cho tương lai, nhất là để có tour, tuyến mới phục vụ số khách DL quay trở lại Bình Định, cũng như làm phong phú thêm các chương trình, sản phẩm DL của tỉnh. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng tiềm năng, tài nguyên DL Hoài Nhơn khá dồi dào, nhưng chưa được khai thác. Đó là những bãi biển đẹp và hoang sơ ở Hoài Mỹ, Hoài Hải; những làng nghề ở vùng Tam Quan; đặc biệt là điểm DL sinh thái rừng núi La Vuông.

Sản vật Hoài Nhơn cũng rất phong phú, từ lâu đã góp phần phát triển DL Bình Định, nhất là những đặc sản từ dừa, như: bánh tráng nước dừa, bánh hồng, dầu dừa tinh khiết. Một số sản vật chỉ cần nâng cấp về chất lượng, đầu tư bao bì, mẫu mã đẹp là có thể đưa vào phục vụ DL. Cũng có một số điều cần bàn thêm. Chẳng hạn, cần tăng cường các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm từ cây dừa, thân dừa, quả dừa, vỏ dừa vốn là thế mạnh của Hoài Nhơn. Cây cói ngoài làm chiếu, có thể chế biến thành sản phẩm mỹ nghệ như túi xách, mũ, dép… Các làng nghề ở gần nhau, có cảnh quan đẹp và những nghề sản xuất thủ công tạo cho khách DL những trải nghiệm thú vị, lại gần biển, nên có thể tổ chức DL sinh thái cộng đồng ở đây.  

Tuy không thể “ngày một, ngày hai” mà đưa vào khai thác, hoạt động DL ngay được, cần phải có quy hoạch phù hợp, đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, lưu trú, điểm đến, dịch vụ…, song theo tôi, DL Hoài Nhơn rất có triển vọng. Tôi là một người con Hoài Nhơn, nên cũng rất muốn làm được cái gì đó cho quê hương bằng nghề nghiệp chuyên môn của mình.

* Ông vừa nhắc đến khu DL La Vuông; vậy ông đánh giá như thế nào sau khi khảo sát điểm DL này?

– Các đợt khảo sát trước, chúng tôi tập trung vào làng nghề và biển. Lần này, bên cạnh việc khảo sát lại các làng nghề, đoàn khảo sát dành gần một ngày để lên khảo sát La Vuông. Trước hết, có thể thấy rằng, La Vuông có lợi thế độ cao (từ 600 m đến gần 700 m) nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Trên đỉnh La Vuông rất rộng, không gian thảo nguyên thích hợp cho các loại hình DL trải nghiệm, cắm trại, đi bộ xuyên rừng, tổ chức teambuilding (hoạt động tập thể, phối hợp đội, nhóm; thông qua các trò chơi vận động để giúp mọi người giao tiếp, hiểu nhau hơn và hòa mình vào tập thể); tiệc barbycue (tiệc thịt nướng) ngoài trời, nhâm nhi với rượu sim được chế biến tại chỗ…

Cảnh quan hùng vĩ, những đồi sim, hồ nước, khu nông nghiệp sạch trồng rau, hoa ôn đới; khu chăn nuôi bò, cừu… phù hợp với những chương trình DL sinh thái, nghỉ dưỡng. La Vuông cũng rất gần Trường Lũy, một thành lũy xây bằng đá chạy dài từ tỉnh Quảng Ngãi đến Hoài Nhơn, là một điểm di tích rất đặc biệt.  

Tuy nhiên, cái thiếu lớn nhất của La Vuông là thiếu một con đường. La Vuông cách quốc lộ 1 A khoảng 12 km, trong đó có 8 km đường nhựa, đường bê tông rất thuận lợi, song 4 km đường lên núi chỉ có xe chuyên dùng mới vượt qua được. Chỉ có giao thông thuận lợi mới đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng và mới có thể đưa khách đến. Với cơ sở hạ tầng như hiện nay thì tài nguyên này rất khó khai thác phục vụ DL.

Mong rằng tỉnh, huyện và các ngành chức năng tạo điều kiện để doanh nghiệp đang đầu tư ở đây hoàn chỉnh các thủ tục, yên tâm đầu tư để sớm đưa vào khai thác có hiệu quả tiềm năng DL La Vuông.  

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn