
VTV.vn – Những làng nghề như Cà Ná hay Long Thủy là minh chứng cho một lối sống bền bỉ, đậm đà bản sắc, nơi mỗi hạt muối, con cá đều chứa đựng cả một truyền thống cần được giữ gìn.
Mỗi vùng biển có một màu nước, một đường chân trời và một vị mặn riêng. Không chỉ mặn của muối, của sóng, mà là vị mặn của mồ hôi, của đời sống, của truyền thống bám biển suốt bao thế hệ. Dọc dải đất miền Trung, có những làng nghề mặn mòi mà lặng lẽ, làm nên bản sắc rất riêng, như làng muối Cà Ná ở Ninh Thuận và làng cá Long Thủy của Phú Yên.
Cà Ná – hạt muối trắng của nắng và mồ hôi
Nhắc đến muối Việt Nam, không thể không nhắc đến Cà Ná – vùng đất được thiên nhiên ưu ái bằng nắng chan hòa, gió mặn mòi và cát biển trải dài. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã gắn cuộc sống mình với những ruộng muối trắng xóa, lấp lánh dưới Mặt trời.
Dẫn tôi đi trên bờ ruộng muối mới kết tinh, một diêm dân gạo cội ở Cà Ná chia sẻ: “Làm muối ở đây cực lắm cô ơi. Nắng mà không đủ gắt thì muối không trắng. Mưa đột ngột thì cả ruộng coi như mất.” Bàn tay ông sần sùi, rám nắng, nhưng khi nhấc lên những hạt muối đầu mùa, động tác vẫn nhẹ nhàng như nâng niu một báu vật.
Những diêm dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. (Ảnh: Duy Tường)
Công việc làm muối đòi hỏi thể lực và sức khỏe tốt. (Ảnh: Duy Tường)
Muối Cà Ná nổi tiếng vì độ trắng tinh, hạt to đều và vị mặn đậm đà. Nhưng để có được những mẻ muối đẹp như vậy, người làm nghề phải chịu đựng tháng ngày phơi lưng giữa cái nắng khoảng 40 độ C, còng lưng gánh từng gánh muối nặng, kiên nhẫn chờ từng con nước rút. Với họ, mỗi hạt muối là một giọt mồ hôi đã thấm vào đất cát và nắng gió của quê nhà.
Những hạt muối có vị mặn đậm đà mà lại thanh không bị mặn chát, đã làm nên tên tuổi của thương hiệu nước mắm Cà Ná như ngày nay. (Ảnh: Duy Tường)
Long Thủy – mặn từ cá đến nhịp sống của làng
Rời Ninh Thuận, theo con đường ven biển về Phú Yên, làng Long Thủy hiện ra với bãi cát vàng trải dài và những giàn phơi cá nghiêng nghiêng trong nắng. Ở đây, biển không chỉ là nơi đánh bắt, mà là không gian sống, là xưởng chế biến, là “nhà máy mặn” của cả làng.
Làng chài Long Thủy nhộn nhịp khi mặt trời còn chưa thức giấc. (Ảnh: Ngọc Tuyến)
Mỗi buổi sáng, khi thuyền về, phụ nữ, trẻ nhỏ, người già lại tất bật làm cá, muối cá, trải cá lên phên phơi. Mùi cá phơi chan với gió biển, nồng nhưng không tanh, quen thuộc như nhịp sống.
Một người dân địa phương chia sẻ khi tay vẫn thoăn thoắt xếp cá: “Làm cá khô cực lắm, nhất là mùa nắng gắt. Nhưng khách tới đây, ai cũng mê cá Long Thủy. Vì cá ở đây mặn vừa, phơi đúng nắng, không dùng hóa chất. Làm hết bằng tay”.
Đưa cá vào bờ. (Ảnh: Ngọc Tuyến)
Các tiểu thương và người dân tranh thủ chọn mua những mẻ cá tươi nhất. (Ảnh: Ngọc Tuyến)
Thành quả sau một đêm vất vả. (Ảnh: Ngọc Tuyến)
Ở Long Thủy, vị mặn không chỉ ở món cá khô hay mắm nêm. Nó nằm trong từng câu chuyện làng, trong cách người dân tin vào con nước, dựa vào mùa gió, sống giản dị và bền bỉ với biển cả. Có gia đình ba đời làm cá khô, có đứa trẻ học cách gỡ cá từ năm lên bảy, và có những cụ già vẫn phơi nắng mỗi sáng như một thói quen không dứt.
Khung cảnh bình yên đặc trưng ở các làng chài ven biển. (Ảnh: Ngọc Tuyến)
Khi vị mặn làm nên thương hiệu
Cả Cà Ná và Long Thủy đều chưa được gọi là “điểm đến nổi tiếng” trên bản đồ du lịch, nhưng lại có một sức hút rất riêng đối với du khách ưa trải nghiệm thực tế và yêu văn hóa địa phương. Những thửa ruộng muối trắng tinh, những giàn cá khô thẳng tắp dưới nắng đều là chất liệu tuyệt vời cho nhiếp ảnh, cho du lịch cộng đồng, cho hành trình sống chậm.
Anh Nguyễn Ngọc Tuyến, một người trẻ vừa có hành trình xuyên Việt bằng xe máy đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp ở mỗi vùng miền của Việt Nam, chia sẻ: “Những ngày ở biển, tôi thường dậy thật sớm, theo chân người dân ra chợ cá ven bờ. Chợ cá buổi sáng có thứ âm thanh ồn ào mà thân thương, mùi mặn của biển, những mẻ cá tươi rói vừa cập bến. Mỗi buổi sáng thật đẹp bắt đầu bằng sự hối hả rất đỗi bình dị như thế”.
Cá cơm được đưa vào hấp, phơi khô và bán ra thị trường hoặc đưa vào chế biến nước mắm. (Ảnh: Duy Tường)
Những người dân cần mẫn lao động và tự hào về vị mặn của quê hương. (Ảnh: Duy Tường)
Những phên cá đã đưa thương hiệu Cà Ná đi khắp nơi. (Ảnh: Duy Tường)
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn e dè với khái niệm “làm du lịch”, vì sợ mất đi nhịp sống tự nhiên. Cái hay là chính vị mặn ấy – sự thật thà, cần mẫn, không màu mè, lại là thứ đáng quý nhất mà du khách tìm kiếm.
Trong một thế giới ngày càng công nghiệp hóa, những làng nghề như Cà Ná hay Long Thủy là minh chứng cho một lối sống bền bỉ, đậm đà bản sắc, nơi mỗi hạt muối, mỗi con cá khô đều chứa đựng cả một truyền thống gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và nếu có một điều gì gọi là “bản sắc miền biển”, thì có lẽ, nó bắt đầu từ vị mặn ấy.
Nguồn: Vtv