Cuộc sống một mình đòi hỏi sự độc lập, đây là điều khó với nhiều thanh niên châu Á do thiếu hụt các kỹ năng dọn dẹp, nấu nướng và đã quen được cha mẹ giúp đỡ.
“Con gái 18 tuổi của tôi nói rằng muốn thuê riêng một người để chuyên làm việc nhà. Có rất nhiều trường hợp tương tự trong trường con bé”.
Tháng 1/2020, bài đăng tuyển giúp việc của một nữ doanh nhân tên Liu (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) biến thành chủ đề cho cộng đồng mạng nước này bàn tán.
Theo người mẹ này, cô con gái của bà đã bước vào năm nhất đại học, “chưa từng phải nấu ăn hay giặt giũ bao giờ”. Cô gái đang ở riêng tại một căn hộ khác trong cùng thành phố, còn cha mẹ bận rộn nên không thể tới dọn dẹp giúp mỗi ngày.
Từ bé đến lớn chưa phải động chân vào việc gì là điều không hiếm gặp ở nhiều người trẻ châu Á. Ảnh: SCMP. |
Nhiều người chỉ trích bà Liu đã quá chiều chuộng và làm hư con cái. Số khác cho rằng thuê người là quyền lựa chọn của mỗi nhà, tạo ra việc làm cho người khác.
Giữa các ý kiến trái chiều, câu chuyện vẫn phản ánh một khía cạnh thường gặp ở người trẻ châu Á. Đến tuổi trưởng thành, nhiều người vẫn không biết cách tự chăm sóc bản thân, chật vật xoay xở cuộc sống một mình.
Cha mẹ bao bọc quá mức
Một phần lý do của việc con trẻ khó sống độc lập và thiếu các kỹ năng cần thiết đến từ việc chúng đã quen với việc có cha mẹ làm hộ, dẫn đến thói ỷ lại.
Tại Đài Loan, cụm từ “thế hệ dâu tây” ra đời để ví von những người trẻ sinh trong môi trường tốt, được chăm bón cẩn thận. Lớp trẻ này có vẻ ngoài đẹp đẽ, đắt giá nhưng đồng thời dễ bị bầm dập, gục ngã trước thử thách.
“Thế hệ dâu tây” là kết quả từ việc nuôi dạy của những bậc cha mẹ từng trải qua khó khăn trong cuộc sống. Họ hình thành suy nghĩ bù đắp cho con, không muốn đứa trẻ thiệt thòi, chỉ yêu cầu chăm chỉ học và không cần làm việc nhà.
Năm 2009, câu chuyện về chàng trai tên Yang Suo qua đời ở tuổi 23 do không biết chăm lo cho chính mình gây xôn xao tại Trung Quốc.
Yang sinh ra trong một gia đình nông thôn ở tỉnh Hà Nam. Là con một, chàng trai sinh năm 1986 được cha mẹ cưng chiều từ nhỏ. Năm 8 tuổi, Yang vẫn được cha mẹ khiêng trong một chiếc giỏ tre vì sợ con vấp ngã.
Bi kịch ập đến vào năm cậu bé 13 tuổi. Cha Yang qua đời vì bệnh gan, gánh nặng gia đình dồn lên vai người mẹ.
Yang Suo qua đời ở tuổi 23 do không biết cách sưởi ấm hay tự nấu nướng cho bản thân. Ảnh: Zhihu. |
Làm việc quá sức để nuôi cả nhà, sức khỏe của người mẹ càng giảm sút. Lúc này, bà đặt hy vọng vào con trai sắp đến tuổi trưởng thành sẽ thay mẹ cáng đáng, san sẻ trách nhiệm cùng.
Song, vốn quen chăm bẵm từ bé, Yang từ lâu đã thiếu đi khả năng tự chăm sóc, càng không biết phụ giúp việc nhà. Các động tác đơn giản hàng ngày như mặc quần áo, xúc cơm ăn, cậu vẫn phụ thuộc hết vào mẹ.
Năm Yang tròn 18 tuổi, mẹ cậu cũng ra đi. Còn lại một mình, cuộc sống của chàng trai càng khó khăn hơn.
Được giới thiệu đi làm vài công việc chân tay, Yang đều sớm bỏ cuộc sau vài ngày vì không chịu nổi vất vả. Từ ấy, chàng trai chuyển qua đi ăn xin, sống dựa vào lòng tốt của người thân và dân làng.
Ngay cả được cho đồ ăn, cậu cũng không chịu học cách nấu. Nếu đói quá, Yang đi hái quả dại ven đường cầm cự qua ngày.
Đến mùa đông năm 2009, Yang không thể ra ngoài xin ăn vì tuyết rơi dày đặc. Gần dịp năm mới, người anh họ mang ít đồ ăn và quần áo ấm sang thì thấy Yang đã chết vì đói và lạnh.
Hậu quả kéo dài
Theo The Wall Street Journal, các nhà tâm lý học, chuyên gia giáo dục nhận định việc bảo bọc con cái là yếu tố làm tăng số lượng trẻ em và thanh niên mắc hội chứng rối loạn lo âu.
Theo đó, hành động “cấp quyền tự chủ” của phụ huynh tác động mạnh nhất đến tính cách đứa trẻ sau này. Càng tự chủ bao nhiêu, đứa trẻ càng ít lo lắng bấy nhiêu. Tự chủ ở đây bao gồm để tự đưa ra lựa chọn, quyết định và tôn trọng quan điểm của con.
Trong nghiên cứu Grant Study của trường Y Harvard, các nhà khoa học kết luận nếu trẻ muốn thành công khi lớn lên, các em phải làm việc nhà từ sớm.
Việc chăm bẵm cho con cái xuất phát từ tình thương song cũng trở thành con dao 2 lưỡi gây hại cho đứa trẻ. Ảnh: Korea Times. |
Làm việc nhà giúp đứa trẻ nhận thức chúng là một một phần của gia đình, cần bỏ công sức tương xứng với những điều được hưởng. Thông qua đó, trẻ sẽ biết cách thay đổi bản thân để phù hợp với môi trường sống.
Theo một khảo sát của The Beijing News công bố vào đầu năm 2020, 32% trong số 7.600 người Trung Quốc được hỏi thể hiện quan điểm người trưởng thành nên tự biết chăm sóc bản thân cũng như có ý thức vệ sinh nhà cửa.
Tháng 9 năm ngoái, một trường đại học ở Tây An (Thiểm Tây) thành lập giải thưởng khuyến khích sinh viên tự đến trường nhập học mà không cần bố mẹ.
Theo trang web chính thức của trường, khoảng 2.000 người nhận được giải thưởng trong số 10.000 tân sinh viên nhập học. Sinh viên đạt giải thưởng lớn nhất là người một mình bay từ quê nhà Chiết Giang, cách đó hơn 1.500 km.
Dù hành động trao thưởng không được ủng hộ hoàn toàn, một bộ phận người dân vẫn bày tỏ sự thích thú trước cách làm của trường.
Việc thiếu các kỹ năng dọn dẹp, chăm sóc bản thân cần thiết khiến một bộ phận thanh niên e ngại chuyện ra ở riêng hay gặp nhiều rắc rối khi sống một mình. Ảnh: Freepik. |
Đã quen sống với cả nhà
Việc chật vật sống một mình còn đến từ văn hóa gia đình tại châu Á. Truyền thống sống quây quần nhiều thế hệ dưới một mái nhà khiến lớp người trẻ châu Á ở với cha mẹ, ông bà từ nhỏ đến lớn, theo ABC News.
Nhiều năm sống chung với người thân, nhiều thanh niên không thích ra ở riêng, nhất là khi họ phải tự quản lý, kiểm soát mọi chi tiêu trong sinh hoạt.
Tại Hàn Quốc, những người đã trưởng thành vẫn ăn bám cha mẹ được gọi dưới cái tên “thế hệ kangaroo”.
“Tôi đã quá quen với việc sống với cả gia đình. Tôi không nghĩ mình có thể sống một mình. Nếu chuyển ra ngoài, tôi cũng không thể trả tiền thuê nhà và các chi phí khác”, Kim Ju Yeon, một nhân viên văn phòng 36 tuổi ở thành phố Hanam, tỉnh Gyeonggi, cho hay.
Cộng với các vấn đề xã hội như chi phí đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp cao, lương thấp, số lượng người trẻ xứ kim chi đủ khả năng ra ở riêng, không dựa dẫm vào phụ huynh càng ngày càng thấp.
Theo khảo sát của Cục Thống kê Hàn Quốc, khoảng 62% số người độc thân trong độ tuổi 20-44 của Hàn Quốc vẫn phải sống cùng cha mẹ và 42% trong số đó là thất nghiệp. Khoản tài chính trung bình mà các bậc phụ huynh phải hỗ trợ cho mỗi người con trưởng thành của mình lên tới 740.000 won (650 USD)/tháng.
Nguồn: News.zing.vn