Nhấn mạnh chủ trương giãn cách xã hội là đúng đắn, Phó thủ tướng cho rằng nếu không thực hiện giãn cách toàn vùng, chỉ trong thời gian rất ngắn, tất cả địa phương sẽ bị nhiễm nặng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận định tình hình dịch bệnh đã và đang diễn biến rất phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía nam.
Theo số liệu của Bộ Y tế, đã có hơn 4.000 người tử vong do Covid-19, riêng TP.HCM hơn 3.000 người. Dù thành phố đã rất nỗ lực, vẫn còn hiện tượng quá tải các tầng điều trị và còn tiếp tục có ca tử vong. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định bệnh nhân mắc Covid-19 đợt này chuyển triệu chứng, diễn biến và tử vong rất nhanh.
Giãn cách nghiêm, dịch sẽ giảm hẳn
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 hôm 11/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhiều đề nghị nhằm phòng, chống dịch hiệu quả.
Thứ nhất, tất cả địa phương tiếp tục phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện ngay những người từ nơi khác đến, không được để dịch bệnh âm thầm lan ra khắp cả nước, rất nguy hiểm.
Thứ hai, các địa phương cần có biện pháp ứng phó với tinh thần “cao hơn, sớm hơn”, đặc biệt thực hiện giãn cách thực chất và nghiêm túc, “ai ở đâu ở đó”.
“Nếu thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ sau 2 đến 3 tuần, dịch sẽ giảm hẳn. Nhưng dịch chưa giảm, có nghĩa là đâu đó bên dưới vẫn thực hiện chưa nghiêm”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu giãn cách xã hội nghiêm, chỉ sau 2-3 tuần dịch sẽ giảm hẳn. Ảnh: VGP. |
Thứ ba, việc kiểm soát lưu thông hàng hoá phải rất an toàn, nhất là những nơi có dịch, đi qua vùng dịch. Theo ông Đam, quy định kết quả xét nghiệm của lái xe có hiệu lực trong 3 ngày do Bộ Y tế, Bộ GTVT thống nhất ban hành chỉ mang ý nghĩa tương đối. Thực tế, ngay tại TPHCM, đã có những trường hợp lái xe xét nghiệm âm tính vào buổi sáng nhưng đến chiều, kết quả lại dương tính.
“Chúng ta cố gắng đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, nhưng lúc này, ở những nơi gần các vùng dịch phải đặt an toàn lên trên hết”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Vấn đề thứ tư, theo Phó thủ tướng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách ly F0, F1 tại nhà, nhưng ông đề nghị chỉ áp dụng giải pháp này nếu nhà có đầy đủ điều kiện cần thiết, không chỉ về chỗ ở mà còn nhiều yếu tố khác.
Với những nơi còn ít người bị mắc, các địa phương chủ động lựa chọn hình thức cách ly phù hợp, nhưng phải đảm bảo nếu cách ly tại nhà không được phép lây ra ngoài, cách ly tập trung đảm bảo không lây chéo.
Thứ năm, các địa phương khi chuẩn bị hệ thống điều trị phải tách riêng F0 không triệu chứng, không được coi là bệnh nhân, chăm lo đầy đủ cả về thể chất và tinh thần để những người này tăng sức đề kháng, không bị chuyển biến thành có triệu chứng, tức là bệnh nhân.
Hiện nay, trung bình 100 ca F0 có khoảng 20 người chuyển thành bệnh nhân, nhưng nếu làm tốt, tỷ lệ này chỉ còn 10 người, thậm chí có những nơi đã triển khai chỉ còn 5 người, trong khi đó những nơi làm chưa tốt, tỷ lệ này có thể lên đến 30 người.
Trong các bệnh viện, cơ sở điều trị, Phó thủ tướng yêu cầu chỉ thống kê số giường có đủ thiết bị, thuốc, oxy y tế (đặc biệt hệ thống oxy tập trung), nhân lực… Lãnh đạo địa phương phải nắm sát số giường này chứ không phải cứ thấy kê nhiều giường bệnh là yên tâm.
Khống chế dịch ở nhiều địa phương khi kết thúc Chỉ thị 16
Đối với 19 tỉnh, thành phố tỉnh phía nam, vừa qua Phó thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã kiểm tra, làm việc tại nhiều địa phương.
Theo Phó thủ tướng, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở khu vực phía nam là rất đúng đắn. “Nếu không thực hiện giãn cách toàn vùng thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, khoảng 1 đến 2 tuần, tất cả địa phương sẽ bị nhiễm nặng”, ông nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cho rằng có thể chia 19 tỉnh, thành phố phía nam thành 3 nhóm.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra một điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: VGP. |
Nhóm thứ nhất gồm 6 tỉnh vùng Nam Sông Hậu và tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Phước, sẽ cố gắng cơ bản khống chế dịch bệnh khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16; cùng với các tỉnh Bình Thuận, một phần tỉnh Lâm Đồng để hình thành vành đai an toàn vững chắc. Nhóm thứ hai là các địa phương còn lại (trừ TP.HCM) để siết dần lại. Cuối cùng là TP.HCM, sau một thời gian nữa.
Theo ông, nếu TP.HCM được tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19 hết cho người dân trong độ tuổi, thì sau khoảng một tháng sẽ bắt đầu có miễn dịch cộng đồng.
Lúc đó, bên trong thành phố sẽ bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng, TP.HCM phải tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch, tập trung điều trị, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân.
Phó thủ tướng cho biết đã ký mua được lượng vaccine đủ để tiêm đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, mặc dù vậy từ nay đến giữa tháng 9/2021, lượng vaccine về rất ít. Dự kiến, tháng 8/2021 có thêm khoảng 3,1 triệu liều vaccine chuyển về Việt Nam.
Nguồn: News.zing.vn