Không tìm được tiếng nói chung, COP26 có thể đàm phán xuyên đêm

0
Không tìm được tiếng nói chung, COP26 có thể đàm phán xuyên đêm

Cuộc thảo luận tại COP26 dự kiến kéo dài đến chiều 13/11 (giờ địa phương) sau khi các bên không đạt được một thỏa thuận chung do những bất đồng về quan điểm chưa được giải quyết.

Bản dự thảo thứ hai về một thỏa thuận COP26 đã được công bố vào sáng 12/11, tuy nhiên sau đó vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia về từ ngữ sử dụng liên quan đến lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất tăng, CNN đưa tin.

Vấn đề cũng nằm ở câu hỏi liệu các quốc gia phát triển có phải chịu trách nhiệm bởi những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu và quy tắc của thị trường carbon lên các nước đang phát triển hay không.

Các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra xuyên đêm ngày 12/11. Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết bản dự thảo mới sẽ được công bố vào sáng sớm 13/11 (giờ địa phương) để tiếp tục tranh luận. Ông Sharma hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ kết thúc vào chiều cùng ngày.

COP26 keo dai thoi gian thao luan anh 1

Bên ngoài địa điểm tổ chức Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow. Ảnh: Reuters.

Theo Guardian, bản dự thảo bao gồm nghị quyết để các nước bắt đầu loại bỏ dần khoản trợ cấp điện than và nhiên liệu hóa thạch, đồng thời yêu cầu các nước quay lại bàn đàm phán vào năm tới để củng cố kế hoạch quốc gia về cắt giảm khí thải nhà kính.

Liệu các bên sẽ sửa đổi kế hoạch quốc gia đó như thế nào – hay còn gọi là “đóng góp có chủ đích do các nước quyết định” (NDC) – hiện là trọng tâm của cuộc đàm phán. Nghiên cứu hồi đầu tuần của Tổ chức phân tích hành động khí hậu cho thấy NDC hiện tại của các quốc gia ở Glasgow sẽ khiến nhiệt độ tăng ít nhất 2,4 độ C – một mức báo động.

Một số quốc gia cố gắng lập luận việc sửa đổi NDC vào năm tới là trái với thỏa thuận Paris, vốn chỉ yêu cầu sửa đổi 5 năm một lần. Tuy nhiên, hiệp định cho phép các bên quay trở lại đàm phán sớm hơn để có sửa đổi phù hợp với mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C.

“Có những từ ngữ (trong dự thảo) vẫn còn vướng mắc và Vương quốc Anh cần đấu tranh mạnh mẽ để giữ được những yếu tố tham vọng nhất trong thỏa thuận”, Jennifer Morgan – Giám đốc điều hành Greenpeace International – cho biết.

Có bất đồng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển xung quanh việc thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại”. Các nước đang phát triển tin rằng những quốc gia giàu có chính là bên chịu trách nhiệm về những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ở đất nước họ.

Các nhà lãnh đạo đã tham gia đàm phán về khí hậu kéo dài 12 ngày. Nhiều người hy vọng đây sẽ là lúc cả thế giới kêu gọi hợp tác vì lợi ích của những người đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng khí hậu.

“Nếu chúng ta thất bại, (cháu trai một tuổi của tôi) sẽ phải tranh giành thức ăn và nước uống với người khác. Đây là một thực tế tàn khốc mà chúng ta phải đối mặt”, Phó chủ tịch Liên minh châu Âu Frans Timmermans nói.

Nguồn: News.zing.vn