
Chợ Hàng Da xuất hiện từ thế kỷ 15, khi những người thợ thủ công từ làng nghề Ngoại Bưởi (nay thuộc quận Tây Hồ) đến đây lập nghiệp. Trải qua nhiều thế hệ, khu chợ này từng là điểm giao thương tấp nập, đặc biệt nổi danh với các mặt hàng quần áo hàng thùng, giày dép…
Năm 2010, chợ được cải tạo thành trung tâm thương mại hiện đại với 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng diện tích 3.700m2.
Khu chợ dân sinh nay được dời xuống tầng hầm, lối xuống nằm ngay cạnh đường xe vào bãi đỗ. Mái che bằng kính giúp không gian thoáng đãng, có ánh sáng tự nhiên.
Biển hiệu “Chợ Hàng Da” đặt phía trên nhưng không quá nổi bật, dễ khiến người mới đến bối rối. Dù vậy, khu vực này vẫn thu hút nhiều khách Tây, nhất là những ai thích khám phá chợ địa phương.
Dù cả tòa nhà khá vắng vẻ, nhưng tầng hầm chợ Hàng Da lại nhộn nhịp hơn hẳn. Đây là khu vực hiếm hoi vẫn giữ được nét chợ truyền thống, bày bán đủ loại mặt hàng từ quần áo, giày dép đến thực phẩm tươi sống, rau củ, thịt cá, đồ khô và hàng ăn uống.
Chợ mở cửa từ 5h đến 20h mỗi ngày. Khi bước xuống tầng hầm, khu bán quần áo là nơi đầu tiên hiện ra, với nhiều gian hàng san sát nhau, tạo nên không khí buôn bán đặc trưng của chợ xưa.
Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, rất thích thú khi bước xuống chợ.
Daniel và người bạn đến từ Na Uy chia sẻ rằng, họ được một người bạn từng du lịch Việt Nam giới thiệu về chợ Hàng Da. “Cô ấy kể với chúng tôi rằng, ở đây có rất nhiều giày dép, quần áo với đủ loại mẫu mã. Tuy nhiên, cô ấy cũng dặn chúng tôi nên biết cách trả giá một chút để có được món đồ tốt với giá hợp lý”, anh nói.
Không ít du khách phương Tây ghé qua đây để khám phá đời sống thường ngày của người dân bản địa. Marie, du khách người Pháp, biết đến chợ Hàng Da qua mạng xã hội.
Cô nhận xét: “Quần áo ở đây khá rẻ và đẹp, nhưng lối vào thật sự khó tìm. Tôi phải đi vòng quanh tòa nhà 2 lần mới thấy được”.
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết, dù lượng khách có đông hơn, nhưng doanh số bán hàng không tăng lên đáng kể do khách Tây thường chỉ vào tham quan, khám phá là chính.
Ông Hà, người kinh doanh quần áo tại chợ Hàng Da, chia sẻ: “Mặc dù có nhiều du khách nước ngoài đến đây, nhưng phần lớn vì tò mò chứ ít người mua hàng. Họ chỉ đến xem, hỏi giá rồi lại cảm ơn và rời đi”.
Ông Thắng, một chủ cửa hàng quần áo đã bán ở chợ hơn 30 năm, cũng đồng tình rằng, khách nước ngoài đến chủ yếu vì muốn khám phá là chính, rất ít người tới mua hàng.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ: “Dù các tầng trên của chợ đang bị bỏ hoang hoặc hoạt động cầm chừng, nhưng tầng hầm vẫn là một điểm sáng du lịch. Nếu được quảng bá tốt hơn, chợ có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn như các chợ truyền thống ở nhiều nước”.
Khác với khu quần áo, khu đồ gốm sứ tại chợ Hàng Da lại thu hút được du khách thực sự mua hàng. Nhiều người cho biết, họ ấn tượng với vẻ đẹp của gốm sứ Việt Nam, không chỉ bởi mẫu mã đa dạng mà còn vì chất lượng của sản phẩm, khiến họ quyết định mua về làm quà lưu niệm.
Isabell (bên trái), một du khách đến từ Anh, chia sẻ: “Các sản phẩm gốm ở đây không chỉ đẹp về hình thức mà còn mang đậm giá trị văn hóa, rất phù hợp để chúng tôi mang về tặng gia đình và mua về làm kỷ niệm”.
Yamaguchi, một người Nhật hiện làm việc gần khu vực, thường xuyên xuống chợ Hàng Da để thưởng thức ẩm thực và mua sắm đồ đạc. “Đồ sứ ở đây rất đẹp, còn tào phớ thì giống món tofu của Nhật Bản, khiến tôi nhớ về quê hương”, ông chia sẻ.
Trái ngược với các khu bày bán vật phẩm, khu đồ ăn tại chợ Hàng Da chủ yếu thu hút dân văn phòng và những người làm việc gần đây. Với các món ăn đặc trưng như tào phớ, chè, cơm, miến, phở, khu vực này trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho những ai tìm kiếm bữa ăn nhanh và ngon trong giờ nghỉ trưa.
Tuy nhiên, vào cuối tuần, khu đồ ăn này vắng vẻ hơn so với ngày thường.
Các món ăn tại chợ Hàng Da có giá dao động từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng mỗi suất. Một phần cơm có giá 40.000 đồng, được nhiều người đánh giá là mức giá hợp lý nhờ sự sạch sẽ và khẩu phần đầy đặn.
Anh Sam (25 tuổi), làm việc tại phòng tập ở khu trung tâm thương mại Hàng Da, thường xuyên xuống đây ăn vào buổi trưa. Anh bộc bạch: “Tôi thấy đồ ăn ở đây không chỉ ngon mà còn khá đầy đặn, đủ năng lượng để làm việc và đặc biệt là giá rẻ hơn so với nhiều hàng ăn trên phố cổ”.
Bà Chiên, người bán chè tại khu đồ ăn chợ Hàng Da, cho biết, do lượng khách chỉ đông vào buổi trưa, nên ngoài bán trong chợ, bà còn mang hàng ra bên ngoài bán thêm. Nếu có khách gọi đặt giao hàng, dù chỉ một suất bà cũng sẵn sàng đi giao.
Các món chè của bà có giá khoảng 20.000 đồng/bát.
Một số du khách tỏ ra tò mò trước những quầy hàng bán đồ khô và đủ loại gia vị tại chợ Hàng Da.
Tuy nhiên, dù có khách ghé thăm, số người vào chợ Hàng Da với mục đích mua hàng thực sự lại không nhiều. Phần lớn chỉ đến tham quan, ngắm nhìn các gian hàng lưu niệm, nhiều ki-ốt buộc phải đóng cửa do tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài.
Nguồn: Dantri