Những ánh đèn vàng và đỏ rực rỡ ở khu hẻm 15 đường Lê Thánh Tôn (quận 1) nay không còn sáng. Khu phố Nhật Bản chưa khi nào “buồn” hơn trong khoảng 20 năm nay.
Vài ngày đầu khi TP.HCM cho phép hàng quán phục vụ khách tại chỗ, Hoàng Nam (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) ghé ngay vào khu phố Nhật ở quận 1 để thưởng thức tô mì udon anh thèm bấy lâu.
“Nhiều điều ở con phố này đã khác so với trước thời điểm giãn cách, không còn giống nơi ăn chơi tôi từng quen thuộc khoảng chục năm nay”, Nam nhận xét.
Từ năm 2000, xung quanh đường Lê Thánh Tôn (quận 1) là nơi sinh sống của một bộ phận nhỏ người Nhật Bản. Theo thời gian, loạt hàng quán, dịch vụ được mở ra ngày càng nhiều để phục vụ cộng đồng này, dần hình thành một khu phố Nhật giữa lòng thành phố.
Hiện quy mô phố Nhật gồm 300 m hẻm và mặt đường Lê Thánh Tôn, tiếp nối với đường Thái Văn Lung, Thi Sách, Ngô Văn Năm.
Từng sáng đèn thâu đêm
Khu phố Nhật có hàng trăm cơ sở dịch vụ nằm san sát nhau từ mặt đường lớn cho đến trong hẻm nhỏ. Số hàng quán, quán bar, tiệm massage tính riêng hẻm số 15 Lê Thánh Tôn có tới gần một trăm cơ sở hoạt động trước dịch.
“Đặc sản” khu phố Nhật quận 1 ngoài hàng quán ẩm thực Nhật Bản còn là những cơ sở massage, spa được cư dân Nhật ở đây ưa chuộng (ảnh chụp vào tháng 7/2020). Ảnh: Chí Hùng. |
Thời gian trước, khu phố bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 17h. Các hàng quán ăn uống thường phục vụ đến 22-23h, quán bar có thể mở đến 1-2h sáng.
Ở phố Nhật không có cảnh chen chúc, xập xình giữa đường như phố Tây. Mọi hoạt động ăn uống, vui chơi đều nằm sau những cánh cửa kính che rèm.
“Trong đây còn có nhà dân nên phải hạn chế tiếng ồn. Và phong cách người Nhật vui chơi thường kín đáo hơn. Do đó, vấn đề trật tự nơi này trước dịch không có gì đáng nói, thời dịch nay càng yên ắng”, một cán bộ bảo vệ khu phố cho biết.
Dịch vụ nơi đây phần lớn là ẩm thực, quán rượu, quán cà phê, tiệm massage, spa, khách sạn. Các biển hiệu đều được viết bằng tiếng Nhật, trang trí đèn lồng đỏ, cửa gỗ, rèm vải… Những tiếng “Irasshaimase” (dịch từ tiếng Nhật nghĩa là “kính chào quý khách”) liên tục vang lên. Khung cảnh này khiến ai bước vào đây đều có thể cảm nhận được không khí xứ sở hoa anh đào.
Hoàng Nam biết và thường đến chơi khu phố Nhật từ những năm 2010. Anh thích ăn đồ Nhật. Hơn nữa, anh thích cảm giác đi dạo ở đây để giải lao sau giờ học, giờ làm.
“Tôi thích nơi này vì có thể gửi xe rồi đi bộ nhìn ngắm xung quanh, thay vì chỉ chạy xe đến một nhà hàng Nhật nào đó trong thành phố rồi vào ăn. Khi đi dạo ở đây, không gian và thời gian như chậm lại so với nhịp sống ở TP.HCM. Đồng thời, phong cách trang trí ở đây cho tôi cảm giác ấm cúng”, Nam nói.
Một cửa hàng bán mì udon Nhật ở hẻm 15A Lê Thánh Tôn còn hoạt động vào tháng 3/2020, hiện đã đóng cửa phủ bụi lâu ngày. Ảnh: Ý Linh. |
Vắng vẻ sau giãn cách
Dù hàng quán đã mở, khu phố vẫn không còn rực rỡ ánh đèn như trước. Nhiều nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ở mặt tiền và trong hẻm đã đóng cửa, khiến khu phố tối đi một phần. Lượng khách đến quán ăn, đi dạo thưa hẳn. Nhân viên phục vụ không ùa ra chào mời khách. Đó là mô tả của Hoàng Nam sau vài lần ghé ăn ở khu phố sau giãn cách.
“Điều dễ nhận biết nhất là các tiệm massage và quán bar ở đây chưa được hoạt động, nhiều cơ sở đóng cửa im lìm, một số mở cửa lén lút. Trước đây cánh đàn ông đi qua sẽ được đon đả chào mời từ ngoài đường. Nay nhân viên của ít tiệm còn mở chỉ ngồi ở trong nhìn ra”, anh kể.
Theo ghi nhận của phóng viên Zing, đa số hàng quán ở khu phố này đều do người Nhật làm chủ. Họ có thể đang định cư ở TP.HCM, hoặc một số sống tại Nhật và giao cho người Việt quản lý.
Từ khi Covid-19 xuất hiện, khách nước ngoài và người Nhật chưa thể tới Việt Nam, đồng thời số lượng cư dân ngoại quốc này rời TP.HCM không ít trong thời gian qua. Chính vì thế, hoạt động của nhiều cơ sở kinh doanh ở đây bị ảnh hưởng.
Hiện khách đến phố Nhật sẽ thấy cảnh nhiều mặt bằng bỏ trống, đóng bụi lâu ngày, biển thông báo cho thuê, sang nhượng dán đè nhau trước cửa.
Hẻm 8A đường Thái Văn Lung trong phố Nhật lung linh vào tháng 3/2020 (ảnh trái) và khung cảnh tối tăm hơn vào ngày 30/11/2021. Ảnh: Ý Linh. |
Theo chia sẻ của một nhân viên quán mì Nhật trong hẻm 8A Thái Văn Lung, lượng khách đến đây chỉ bằng khoảng 1/3 so với thời điểm trước giãn cách, chứ chưa so với hồi trước dịch. “Vẫn là người Nhật vào nhiều, họ là những người sống quanh đây và chưa về nước. Còn lại khách vãng lai không đáng kể”, nhân viên này cho hay.
Đa số hàng quán, dịch vụ mở cửa tập trung ở phía ngoài hẻm 15A, B, C Lê Thánh Tôn và 8A Thái Văn Lung, còn sâu bên trong phần lớn tối đèn. Người dân trong hẻm nói rằng nhiều hộ kinh doanh không cầm cự được sau đợt dịch kéo dài vì chi phí thuê mặt bằng và nhân viên, đã “bỏ cuộc”.
“Trước đây sinh hoạt của khu phố này hầu như không ảnh hưởng đến người dân chúng tôi. Phía chúng tôi thì mong sớm hết dịch để họ có thể làm ăn bình thường trở lại, không chỉ người Nhật, mà còn có nhiều người Việt làm đầu bếp, nhân viên”, một nữ cư dân bày tỏ.
Nguồn: News.zing.vn