Khủng hoảng chip toàn cầu sau đại dịch gây khó cho Kpop

0
Khủng hoảng chip toàn cầu sau đại dịch gây khó cho Kpop

Việc thiếu hụt nguồn cung ứng chip bán dẫn khiến nhiều công ty giải trí Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc sản xuất đèn cổ vũ (lightstick).

Lightstick – loại đèn cổ vũ có thể phát sáng – thường được coi như một trong những phụ kiện quan trọng nhất đối với người hâm mộ Kpop. Lightstick được thiết kế riêng cho từng nhóm nhạc dựa trên nét đặc trưng của họ. Mỗi loại lightstick đều có tên, màu sắc và hình dáng khác nhau.

Hình ảnh người hâm mộ sử dụng đèn cổ vũ, bao phủ khán đài bằng màu sắc biểu tượng của thần tượng để thể hiện sự ủng hộ đã trở thành khung cảnh quen thuộc tại nền giải trí Hàn Quốc. Gần như người hâm mộ Kpop nào cũng mong muốn sở hữu một cây lightstick.

tinh trang thieu hut lightstick o kpop anh 1

Người hâm mộ bao phủ khán đài bằng màu sắc biểu tượng của thần tượng nhằm thể hiện sự ủng hộ. Ảnh: Naver.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến công đoạn sản xuất lightstick gặp nhiều gián đoạn. Người hâm mộ Kpop gặp khó khăn trong việc sở hữu đèn cổ vũ của thần tượng. Các chuyên gia khẳng định hiện tượng thiếu hụt nguồn cung ứng chip bán dẫn trên toàn cầu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Lightstick trở nên hiếm có và đắt đỏ

Sau thời gian dài trì hoãn hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thần tượng Kpop dần có cơ hội quay trở lại sân khấu.

Hàng loạt nhóm nhạc như SEVENTEEN, BTS, TWICE… thông báo kế hoạch tổ chức concert dưới hình thức offline. Nhu cầu sở hữu lightstick của người hâm mộ Kpop tăng cao trở lại.

Một bộ phận quan trọng trong cấu tạo của lightstick là bộ vi điều khiển. Vi điều khiển quản lý năng lượng sử dụng cho đèn cổ vũ và giúp lightstick kết nối với điện thoại để thay đổi màu sắc. Tuy nhiên, khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn trên quy mô toàn cầu khiến việc sản xuất bộ phận thiết yếu này gặp nhiều khó khăn.

Kết quả, đèn cổ vũ được bán ra với số lượng ít hơn và có giá thành cao hơn.

Từ ngày 1/10, giá của một cây lightstick “ARMY bomb” – tên gọi loại đèn cổ vũ được sử dụng bởi ARMY, cộng đồng người hâm mộ nhóm nhạc BTS, bị nâng mức giá bán lên 59 USD, tăng 2 USD so với giá cũ.

Weverse Shop – đơn vị phụ trách phân phối phụ kiện Kpop của công ty giải trí HYBE – cho biết sự thay đổi trong giá cả là do ảnh hưởng của “tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn diễn ra dai dẳng trên toàn cầu”.

Pervushina Elizaveta – fan BTS tại Espetona, Tây Ban Nha kiêm nhân viên của một công ty giải trí – chia sẻ với SCMP: “Tôi hy vọng giá bán không trở nên quá cao trong tương lai, vì rất nhiều ARMY và người hâm mộ khác không thể chi trả cho mức giá đắt đỏ như vậy”.

Hiện, người hâm mộ của nhóm nhạc nam SEVENTEEN phải bỏ ra thêm 3 USD để mua lightstick, trong khi cộng đồng fan của các thần tượng như EXO, SHINee, SNSD và BlackPink hoàn toàn không có cơ hội sở hữu cây đèn cổ vũ.

Theo cửa hàng phân phối phụ kiện Kpop toàn cầu trực thuộc SM Entertainment, họ đã bán hết toàn bộ lightstick của EXO, SHINee và SNSD, còn đèn cổ vũ của BlackPink hiển thị trạng thái hết hàng trên trang web chính thức của nhóm nhạc.

Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc lên kế hoạch tổ chức concert trực tuyến.

Dù không có cơ hội gặp mặt trực tiếp thần tượng, người hâm mộ Kpop vẫn bày tỏ mong muốn tận hưởng tối đa buổi concert bằng cách sử dụng lightstick trong khi theo dõi buổi biểu diễn, cổ vũ thần tượng đằng sau màn hình và chia sẻ cảm xúc với những người hâm mộ khác trong khung trò chuyện.

“Đó là cách thú vị để kết nối với các fan khác trên toàn thế giới. Ngay cả khi bạn thưởng thức buổi hòa nhạc tại nhà, bằng cách nào đó, bạn vẫn cảm thấy như mình đã trở thành một phần của điều gì đó thật tuyệt vời”, Starla Stafford – người hâm mộ Kpop tại Chattanooga, Tennessee – chia sẻ cùng SCMP.

Có thể nói, lightstick luôn nằm trong danh sách những phụ kiện Kpop bán chạy nhất, bất kể thời điểm. Tuy nhiên, việc sản xuất đèn cổ vũ ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo Jim Handy, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường thiết bị bán dẫn Objective Analysis, thiết bị bán dẫn sử dụng trong đèn cổ vũ thường được sản xuất bằng công nghệ cũ và loại chip cấp thấp họ sử dụng là mặt hàng rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất giữa cuộc khủng hoảng khan hiếm chip hiện nay.

Bên cạnh đó, một số đơn vị sản xuất chia sẻ rằng thời gian họ chờ đợi để được cung cấp thiết bị bán dẫn kéo dài tới 6 tháng. Thông thường, công đoạn này chỉ tiêu tốn khoảng 2 tháng.

“Tôi đã đặt hàng trước một số lượng lớn chip bán dẫn. Hy vọng các sự kiện biểu diễn trực tiếp sẽ được tổ chức vào năm sau, vì thời gian giao hàng kéo dài rất lâu”, theo Ashton Jungmin Choi, người đồng sáng lập công ty FANLIGHT – đơn vị chuyên sản xuất lightstick cho các nhóm nhạc như BTS, EXO và SuperM.

Ngoài ra, Ashton cho biết hiện phí vận chuyển đã tăng gấp ba và giá thành của chip bán dẫn đắt hơn 30% so với một năm trước.

Cuộc khủng hoảng khan hiếm chip bán dẫn khiến các công ty giải trí Hàn Quốc khó có thể bổ sung nguồn cung ứng lightstick, dù cho mặt hàng này luôn ở trong tình trạng có nhu cầu cao.

Mette Kidal, chủ sở hữu cửa hàng bán lẻ phụ kiện thần tượng All In Kpop tại Đan Mạch, tiết lộ với SCMP: “Rất khó để sở hữu được một chiếc đèn cổ vũ. Khách hàng luôn có nhu cầu cao với mặt hàng này, và chúng tôi không thể tìm được lightstick của BTS”.

Lightstick đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa thần tượng của nền âm nhạc Hàn Quốc. Nhiều người hâm mộ Kpop bày tỏ hy vọng tình trạng khan hiếm chip bán dẫn sẽ sớm được khắc phục, để họ sở hữu chiếc đèn cổ vũ của nhóm nhạc mình yêu thích với mức giá hợp lý.

Nguồn: News.zing.vn