Các doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao và tiêu dùng lao dốc. Lợi nhuận trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất điện đang giảm mạnh.
Theo Bloomberg, giá nguyên liệu thô tăng cao và tiêu dùng lao dốc đã khiến quý III trở thành một thời kỳ “tàn khốc” đối với các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc. Lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp và năng lượng có thể chứng kiến lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất.
Khoảng 25% trong số hơn 4.000 công ty niêm yết tại Trung Quốc đã công bố kết quả kinh doanh hoặc dự báo sơ bộ. Giới quan sát tin rằng mức tăng trưởng hàng năm có thể rất đáng thất vọng.
Triển vọng của các doanh nghiệp cũng trở nên u ám bởi tình trạng thiếu chip kéo dài và những quy định giới hạn năng lượng sản xuất. Cùng với đó là cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh lên lĩnh vực công nghệ và cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng của các tập đoàn bất động sản nợ nần.
Triển vọng của các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên u ám bởi tình trạng thiếu chip kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Reuters. |
Lĩnh vực năng lượng
Goldman Sachs đã hạ mức tăng trưởng thu nhập năm 2021 của các công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục từ 27% xuống 20%. Còn CICC dự báo số lĩnh vực có kết quả đáng thất vọng sẽ nhiều hơn kỳ vọng.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn có một số điểm sáng. Khi đất nước 1,4 tỷ dân đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng và chuỗi cung ứng gián đoạn, các nhà sản xuất “thượng nguồn”, cung cấp những nguyên vật liệu như thép và silica, đã chứng kiến lợi nhuận gia tăng.
Theo công ty môi giới Industrial Securities, các nhà sản xuất nguyên liệu thô trong những lĩnh vực như khai thác mỏ và hóa chất đang chứng kiến lợi nhuận tăng gấp đôi trong quý III. Nguyên nhân là giá vọt lên và nhu cầu tăng cao.
Nhà sản xuất sợi thủy tinh China Jushi Co. dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 220%. Trong khi đó, Wanhua Chemical Group báo cáo lợi nhuận tăng vọt 139%.
Các công ty sản xuất điện đã có một quý III khó khăn vì cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, CITIC Securities nhận định thời kỳ gặt hái của những tên tuổi trên có thể sắp kết thúc. Theo các nhà phân tích của Huatai Securities, giá cả tăng cao nhưng khối lượng bán ra không tăng với tốc độ tương đương. Điều này thể hiện tính thiếu bền vững của đợt gia tăng hiện tại.
Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất điện đã có một quý thứ ba đầy khó khăn. Các nhà sản xuất điện than không thể mua đủ nhiên liệu. Giới hạn về giá điện của chính quyền Trung Quốc cũng ngăn họ tăng giá.
Huatai nhận thấy khoảng 2/3 doanh nghiệp đã báo cáo thu nhập sụt giảm. Guangdong Electric Power Development Co. dự kiến thua lỗ lần đầu tiên trong năm nay vào quý III.
Tuy nhiên, đầu tháng này, Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép giá điện tăng cao để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Sản xuất và bất động sản
Còn trong lĩnh vực sản xuất, các công ty nắm quyền định giá đang chứng kiến lợi nhuận tăng vọt. Nhà cung cấp chất bán dẫn Yangzhou Yangjie Electronic Technology Co. báo cáo thu nhập tăng 87%. Còn nhà sản xuất bảng điều khiển màn hình BOE Technology Group Co. dự báo lợi nhuận tăng gấp 4 lần.
Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất linh kiện động cơ Jiangsu Pacific Precision Forging Co. báo cáo thu nhập giảm 34%.
Các công ty thực phẩm, đồ uống, may mặc và thiết bị sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm kéo dài trong tốc độ tăng trưởng tiêu dùng. Nguyên nhân là những đợt bùng phát Covid-19 liên tiếp và các chính sách thắt chặt tiền tệ.
CITIC Securities dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại khoảng 85% trong quý thứ ba.
Theo Huatai, các công ty nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất là do giá thịt lợn giảm mạnh. Muyuan Foods Co. lỗ ròng 822 triệu NDT (128,4 triệu USD) trong giai đoạn này, trong khi Wellhope Foods Co. dự kiến giảm thu nhập ít nhất 94%.
Giới quan sát cho rằng quý IV có thể lạc quan hơn đối với những công ty tiêu dùng. Doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng vào tháng 9. Các nhà chức trách khẳng định giá thịt lợn sẽ ổn định trong những tháng tới.
Hố nợ khổng lồ đang phủ bóng lên lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Guosen Securities cho biết cuộc khủng hoảng thanh khoản đang phủ bóng lên các công ty bất động sản của Trung Quốc. Lĩnh vực đã ghi nhận lợi nhuận giảm sút mạnh nhất trong quý thứ ba.
Hơn 50% công ty bất động sản đưa ra dự báo sơ bộ dự kiến thua lỗ trong quý này, theo Guosen.
Gemdale Corp. báo cáo thu nhập quý III giảm 26%, trong khi Financial Street Holdings Co. dự báo mức sụt giảm lên tới 30%.
Lĩnh vực bất động sản bị giáng đòn mạnh bởi cuộc khủng hoảng thanh khoản của China Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc. Việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đã khiến khách mua nhà ngần ngại.
Doanh số bán nhà mới từ ngày 1/10 đến ngày 17/10 đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, theo Nomura International.
Doanh số bán nhà hiện có giảm 81,6% trong cùng kỳ. Nhiều người mua nhà không muốn ký hợp đồng với các nhà phát triển bất động sản có nguy cơ vỡ nợ. Giá nhà lao dốc cũng khiến nhà đầu tư ngần ngại bỏ tiền vào lĩnh vực bất động sản.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn