Du lịch là một trong 3 lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích và ưu tiên hàng đầu trong hoạt động khởi nghiệp (KN) đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn dự án KN mới chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, trong khi số dự án, sản phẩm KN du lịch còn rất ít và chưa được cộng đồng KN quan tâm.
Du lịch Quảng Nam cần nhiều hơn các dự án khởi nghiệp nhằm đa dạng sản phẩm và tạo
ấn tượng mạnh trong lòng du khách. Ảnh: Vinh Anh
Chưa đa dạng và đồng đều
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, Quảng Nam vốn được nhiều người biết đến với 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong khi đó, nghệ thuật bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Cù Lao Chàm – Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới… Cùng với đó, tỉnh có 125km bờ biển cát trắng, nắng vàng; có núi rừng Trường Sơn đại ngàn và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng. Nhận thức được tiềm năng, lợi thế vượt trội đó, tỉnh đã ban hành các chính sách nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Gần đây nhất, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08 ngày 27.12.2016 về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. HĐND, UBND tỉnh cũng cụ thể hóa bằng những quyết sách về hỗ trợ phát triển du lịch.
Bên cạnh kết quả đạt được trong phát triển du lịch thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, sản phẩm du lịch tại Quảng Nam chưa đa dạng và tạo ấn tượng cho du khách. Du lịch chưa đồng đều giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung tại khu phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn và các điểm du lịch lân cận. Tiềm năng và giá trị gia tăng du lịch miền núi và phía nam còn rất lớn nhưng chưa được khai thác tương xứng để tạo bước đột phá mới. Khả năng cạnh tranh và liên kết hợp tác du lịch của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch thông minh chưa kịp thời…
Tại hội thảo về KN du lịch thuộc khuôn khổ Ngày hội KN đổi mới sáng tạo Quảng Nam vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đặt vấn đề: “Sau gần 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025, hầu hết sản phẩm KN của tỉnh đều tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, trong khi số dự án, sản phẩm KN du lịch rất ít, thậm chí chưa được cộng đồng KN quan tâm. Phải chăng chúng ta chưa chú trọng khuyến khích, tư vấn, hỗ trợ KN trong lĩnh vực này; hoặc cộng đồng KN của tỉnh còn thiếu tự tin để KN du lịch, hay là thiếu sự kết nối, mời gọi các chuyên gia KN để tư vấn, hướng dẫn đầu tư dự án KN du lịch?”.
Khởi nghiệp du lịch thông minh
Trả lời cho câu hỏi, vì sao các start-up chưa mặn mà KN du lịch, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, tâm lý sợ thất bại, thiếu tự tin của người có ý định KN là rào cản khiến hoạt động KN nói chung và KN du lịch trong tỉnh chưa mạnh mẽ. Trong khi đó, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, KN du lịch trong tỉnh mới dừng lại ở KN cơ bản chứ chưa phải là KN đổi mới sáng tạo. Hiện nay, các thành viên của Hiệp hội Du lịch tỉnh chứa một nguồn dữ liệu lớn về du lịch, nhưng chưa có start-up nào thực sự đam mê, dấn thân và tìm đến. Với những người có ý định KN về du lịch, ông Thanh chia sẻ: “Các start-up du lịch đừng mặc định và đồng nhất giữa vốn với tài chính. Vốn là tiền thôi là chưa đủ. Vốn ở đây là công nghệ, là kinh nghiệm, là thị trường khách có sẵn”.
Việc xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để giúp các doanh nghiệp, công ty KN và du khách gặp nhiều thuận lợi từ việc kết nối, quản lý, chia sẻ giữa đơn vị quản lý với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với du khách… là yêu cầu bức thiết trong phát triển du lịch hiện nay. Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo KN Sông Hàn đặt vấn đề, vì sao thời gian gần đây có rất nhiều dự án KN ra đời nhưng lại dang dở? Đó là vì hàm lượng tri thức trong những dự án này chưa cao. Các dự án KN chưa có sự hợp tác lẫn nhau mà phần lớn dựa vào nguồn vốn vay mượn từ phía Nhà nước, ngân hàng. Vì vậy, sứ mệnh của các đơn vị ươm tạo chính là đưa càng nhiều hàm lượng tri thức vào các dự án càng nhiều càng tốt.
Ông Quân nói: “Để làm được tất cả điều đó, tiền không phải là điều kiện tiên quyết mà tri thức và công nghệ mới là quan trọng”. Cho rằng việc xây dựng doanh nghiệp truyền thống khác rất nhiều so với doanh nghiệp KN thông minh, ông Quân nói, chính quyền địa phương cần phải có những cơ chế, chính sách thu hút nhiều nhân tài, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống chuyên gia hỗ trợ tập trung khai thác nguồn tài nguyên bản địa là con người. Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc chia sẻ dữ liệu du lịch là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch thông minh, đó là cách phát triển du lịch chéo mà các bên khai thác được lợi thế của mình và cùng có lợi. Các doanh nghiệp du lịch một khi có sản phẩm gì mới thì nên liên kết, chia sẻ cho nhau. Không chỉ doanh nghiệp trong tỉnh mà cả ngoại tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, đi đôi với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, phát huy tối đa các thành tựu của khoa học công nghệ và phát triển du lịch. “Chúng tôi cam kết sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành và địa phương tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để các dự án KN được tiến hành một cách thuận lợi nhất. Tinh thần nhất quán là luôn thấu cảm, tận tâm, tận lực giải quyết nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp KN nói chung và KN du lịch nói riêng” – ông Trần Văn Tân nói.
Anh Đông
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn