Dù nhiều nước Tây Âu và Mỹ có chương trình tiêm chủng tốt, khả năng các quốc gia này phải tái phong tỏa vào cuối năm 2021 là không thể xem nhẹ, tờ Financial Times nhận định.
Diễn biến dịch Covid-19 trong 18 tháng kể từ khi bùng phát được đánh giá là khó lường và gần như không thể tiên liệu chắc chắn, tờ Financial Times nhận định.
Trong quý II/2021, các nước phương Tây, chủ yếu là Mỹ và Tây Âu, đang hướng đến trạng thái bình thường hậu đại dịch, phần lớn nhờ vào chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Dẫu vậy, điều này vẫn chưa được đảm bảo, bởi giới chuyên gia lo ngại những kịch bản bất ngờ trong quá khứ sẽ lặp lại, với hàng loạt các ổ dịch bùng phát trong thời gian ngắn.
Khoảng cách trong tỷ lệ tiêm chủng
Cụ thể, bộ phận những người phản đối phương pháp tiêm vaccine có thể làm tỷ lệ tiêm chủng giảm, khiến mục tiêu miễn dịch cộng đồng trở nên khó thực hiện hơn.
Tuy nhiên, mối bận tâm lớn hơn đối với giới chức các nước phương Tây nằm ở sự lây lan nhanh chóng của các biến chủng mới. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng tốc độ lây nhiễm của các biến thể này sẽ đánh bại chương trình tiêm chủng của nhiều nước phương Tây.
Những khó khăn trên đã ngăn Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn thành mục tiêu giúp 70% dân số xứ cờ hoa tiêm chủng trước ngày 4/7. Đây là mục tiêu đầu tiên mà Tổng thống Biden tự đặt ra cho bản thân song không thể hoàn thành.
Tổng thống Joe Biden đã thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số nước Mỹ trước ngày 4/7. Ảnh: Reuters. |
Nhà Trắng và chính quyền các bang của Mỹ được cho là đã e ngại trong việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, bởi họ lo ngại sẽ vô tình làm bùng phát mâu thuẫn về văn hóa giữa những người ủng hộ và phản đối việc tiêm vaccine.
Thách thức tương tự cũng đang đón chờ các nhà chức trách châu Âu, tờ Financial Times nhận định.
Giới quan sát cho rằng nguy cơ các nước phương Tây buộc phải tái phong tỏa vào mùa đông là không thể xem nhẹ. Chính phủ của nhiều quốc gia đã phải đối mặt với hai thách thức lớn.
Khó khăn đầu tiên là mâu thuẫn muôn thuở giữa quyền dân chủ và sự an toàn. Hầu hết quốc gia phương Tây, không chỉ các nước nói tiếng Anh, đều chọn phương pháp thuyết phục thay vì cưỡng chế người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch.
Tuy nhiên, thành công ban đầu của chương trình tiêm chủng được cho là đang khiến những người phản đối việc tiêm vaccine trở nên chùn bước, đặc biệt là giới trẻ và các nhóm hoạt động tôn giáo.
Tại Mỹ, khi các quy định về giãn cách xã hội được dỡ bỏ, động lực thúc đẩy người dân tham gia tiêm chủng cũng mất dần. Khác với nhiều nơi trên thế giới, nhiều người Mỹ tin rằng đại dịch đã kết thúc.
Các nhà thi đấu thể thao dần được lấp đầy trở lại. Việc đeo khẩu trang đã không còn được xem là nguyên tắc cần thiết trong việc bảo vệ bảo thân khỏi virus corona. Điều này xuất phát từ tuyên bố của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) vào tháng 5, khi cơ quan này cho rằng chỉ những người chưa tiêm vaccine mới cần đeo khẩu trang.
Sự phân cực trong xã hội Mỹ khiến nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh tăng cao, đặc biệt là khi các chứng chỉ tiêm vaccine không quá khó để làm giả, theo Financial Times.
Tỷ lệ tử vong giảm từ khi chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh càng khiến người Mỹ mất cảnh giác về nguy cơ bùng dịch trở lại.
Các sân vận động ở Mỹ hướng tới việc tái phục vụ 100% công suất cho khán giả theo dõi các sự kiện thể thao. Ảnh: Pioneer Press. |
Bài toán mang tên biến thể Delta
Biến thể Delta của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến chủng được phát hiện trước đó. Nước Anh đang chật vật đối phó với biến chủng Delta nhưng số ca tử vong vì Covid-19 không tăng đáng kể.
Dù đây là tín hiệu tốt, giới quan sát chỉ ra rằng giai đoạn hiện tại có thể chỉ là một phần trong quá trình ủ dịch trước khi một đợt bùng phát mới diễn ra.
Mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số được đánh giá là khả thi đối với hầu hết quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, kế hoạch tiêm vaccine cho 85% dân số của Mỹ được cho là khó hoàn thành trong tương lai gần.
Trái với tình hình khả quan ở những nước phát triển, các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vẫn đang loay hoay chống chọi với đại dịch vì thiếu vaccine.
Đầu tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 được tán dương vì cam kết cung cấp 870 triệu liều vaccine cho những nước đang phát triển.
Tuy nhiên, quá trình phân phối lượng vaccine khổng lồ này được dự đoán sẽ mất nhiều thời gian. Trong nửa đầu năm 2021, Mỹ mới chỉ triển khai 1/2 trong khoản cam kết 500 triệu USD hỗ trợ vaccine toàn cầu.
Lãnh đạo G7 đã cam kết cung cấp gần 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới. Ảnh: AP. |
Các nước phương Tây được cho là đang bỏ lỡ một cơ hội hiếm có trong việc ghi dấu ấn địa chính trị nhờ vào các khoản hỗ trợ vaccine.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc tiêm chủng cho phần lớn dân số thế giới vào giữa năm 2022 tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD.
Dẫu vậy, vào tháng 2, khi Tổng thống Biden ký một khoản viện trợ trị giá 1.900 tỷ USD hỗ trợ việc phân phối vaccine, nhiều nhà kinh tế đã chỉ trích người đứng đầu Nhà Trắng. Họ cho rằng số tiền này là quá lớn và không cần thiết.
Mặt khác, lãnh đạo các nước phương Tây có lý do để chi các khoản viện trợ có giá trị lớn. Họ lo ngại sự công kích từ phía những người theo chủ nghĩa dân túy.
Nhưng sự đề phòng này vô tình kéo theo rủi ro về một đợt bùng dịch mới. Biến thể Delta đã chiếm một phần ba số ca nhiễm mới ở Mỹ và đang hoành hành ở châu Âu. Điều này nhiều khả năng sẽ một lần nữa khiến một số nước phải tái phong tỏa vào mùa đông, theo Financial Times.
Nguồn: News.zing.vn