Sau nhiều tháng ngừng hoạt động vì dịch bệnh, các đơn vị xuất bản, phát hành sách tại TP.HCM đang mong ngày được mở cửa trở lại.
Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết nhà xuất bản, doanh nghiệp sách tại TP.HCM và khu vực phía Nam gần như “đóng băng”. Khi thành phố lên phương án mở cửa lại từng phần, ngành xuất bản cũng mong sớm được hoạt động trở lại.
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – cho biết: “Các đơn vị trong ngành đang thực hiện rà soát nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ các bộ tiêu chí phòng, chống dịch theo quy định của thành phố để chuẩn bị cho thời gian mở cửa sắp tới”.
Sự cấp thiết của việc mở cửa trở lại
Ngày 24/9, Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty FAHASA, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, đề xuất cho phép các nhà xuất bản, cửa hàng sách được mở cửa hoạt động trở lại trên quy tắc đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, trong quá trình chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, TP.HCM đã cho phép mở cửa lại các cửa hàng thiết bị dụng cụ học tập từ ngày 16/9.
Song, nhu cầu về các thiết bị, dụng cụ học tập cùng sách tham khảo, sách bổ trợ… để phục vụ cho việc học tập, nhất là học online của học sinh, đang rất lớn. Trước tình hình cấp thiết này, việc cho phép các nhà xuất bản, cửa hàng sách được hoạt động trở lại cần được ưu tiên.
Các nhà sách phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch cho ngày đón khách trở lại. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Trao đổi với Zing, ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty FAHASA, cho biết: “Năm học mới đã bắt đầu, ngoài sách giáo khoa, học sinh và cha mẹ cần rất nhiều dụng cụ cũng như sách tham khảo. Khi học online, việc đọc thêm tài liệu hay có đồ dùng trực quan sẽ giúp ích cho học sinh rất nhiều. Các cửa hàng sách được mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện để học sinh dễ dàng tiếp cận đồ dùng phục vụ học tập”.
Ông Thuận chia sẻ thêm sách là sản phẩm cần thiết cho người dân trong lúc dịch bệnh, là “món ăn” tinh thần quan trọng để mọi người phần nào vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Sách không chỉ giữ vai trò giải trí mà còn mang tính công cụ trong công việc, là sự đầu tư tri thức và nhu cầu thiết yếu về mặt tinh thần của nhiều người”, ông Phạm Minh Thuận nói.
Chưa kể, việc thành phố giãn cách kéo dài khiến các đơn vị, doanh nghiệp ngành xuất bản gặp trở ngại khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Việc có thể sớm mở cửa trở lại, dù chỉ hoạt động 50% công suất, cũng phần nào giúp tháo gỡ khó khăn hiện tại cho ngành.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, chia sẻ sự đóng băng của việc kinh doanh, phát hành trong 4 tháng qua đã quá sức “gồng gánh” của đơn vị này, trong điều kiện phải tự đảm bảo toàn bộ chi phí thường xuyên (ngân sách không hỗ trợ tiền lương). Nếu không được hoạt động xuất bản, phát hành trở lại, không đơn vị xuất bản nào trụ vững.
Bà Thanh Thủy cũng thông tin thêm rằng hầu hết biên tập viên có thể làm việc online, nhưng sách xuất xưởng bị chậm. Đồng thời, sản phẩm xuất bản không thể vận chuyển phát hành đến các cửa hàng sách, kênh bán hàng online cũng tê liệt, trong khi nhu cầu của thị trường vẫn có, thậm chí rất cần. Thế nên, các nhà xuất bản đang cần tái khởi động để có thể sản xuất và trở lại phục vụ khách hàng.
Gấp rút chuẩn bị cho ngày hoạt động trở lại
Để chuẩn bị cho việc được phép hoạt động lại trong điều kiện bình thường mới, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành đang ráo riết rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, cũng như tình trạng tiêm chủng của nhân viên, nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ các bộ tiêu chí phòng, chống dịch theo quy định của thành phố.
Theo ông Phạm Minh Thuận, FAHASA đã lên kế hoạch và dự trù nhiều phương án phù hợp điều kiện và yêu cầu khi được phép mở cửa lại.
Trong đó, hầu hết nhà sách của FAHASA tại TP.HCM đều có diện tích khá lớn, có thể thực hiện được việc phân luồng khách hàng theo từng khu vực mua đồ, nhằm đảm bảo giãn cách và hạn chế tiếp xúc.
“Chúng tôi đã xây dựng một quy trình để khách hàng có thể thoải mái mua sắm nhưng vẫn đảm bảo mọi yêu cầu phòng dịch. Bên cạnh việc luôn tuân thủ theo nguyên tắc 5K, các cửa hàng của FAHASA dự định triển khai việc đóng gói, thanh toán và giao nhận không tiếp xúc”, ông Thuận chia sẻ.
Chúng tôi đã lên nhiều phương án phòng dịch để đáp ứng được mọi yêu cầu cho ngày hoạt động trở lại.
Ông Phạm Minh Thuận
Hiện tại, nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách đang thực hiện báo cáo tự đánh giá mức độ an toàn theo bộ tiêu chí do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành kèm theo Quyết định 3328/QĐ-BCĐ.
Đồng thời, các bên cũng rà soát danh sách nhân viên đủ tiêu chuẩn và tính toán nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo số lượng được phép là 50% tổng số lao động.
Theo thông tin từ bà Đinh Thị Thanh Thủy, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đang rà soát và sẽ đăng ký danh sách nhân viên đủ điều kiện hoạt động lại với các cơ quan có liên quan (cơ quan chủ quản, Sở Nội vụ, Công an TP, UBND phường nơi đơn vị trú đóng).
Sau khi được cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo công văn 3720/CATP của Công an TP.HCM), viên chức, người lao động của nhà xuất bản mới có thể trở lại làm việc trên nguyên tắc một cung đường 2 điểm đến.
“Theo quy trình này, có lẽ sớm nhất cũng phải vào khoảng ngày 10/10 chúng tôi mới mở cửa giao dịch. Con đường còn khá nhiêu khê nhưng dù sao cánh cửa cũng đã hé mở”, bà Thủy nhận định.
Nguồn: News.zing.vn