Kim tự tháp của các Pharaoh đen

0
187

Sudan – quốc gia lớn nhất, từng là nền văn minh tiến bộ nhất châu Phi trước khi bị những quốc gia láng giềng phía Bắc vùi dập – còn có nhiều kim tự tháp hơn Ai Cập. Những phát hiện mới nhất củng cố một nhận định táo bạo: văn hóa Ai Cập cổ còn đi sau Sudan tới nửa thế kỷ.

Nằm giữa Assuan (Ai Cập hiện tại) và thủ đô Khartum của Sudan là đế chế Nubia, nơi 4.000 năm ròng các pharaoh da đen từng cai trị một đế chế với cấu trúc nhà nước và nền thương mại rực rỡ theo bờ sông Nil. Người Nubia chủ yếu sống bằng nghề nông, tận dụng phù sa màu mỡ sau những mùa lũ lụt hằng năm tràn bờ. Thay cho sa mạc cát bỏng hôm nay, thời đó người Nubia vẫn còn nhiều đồng cỏ, nơi họ dễ dàng sống bằng săn bắn cũng như mua bán lông, da thú.

Pharaoh

Kim tự tháp của các Pharaoh đen.

Những công trình đền thờ tinh xảo là nhân chứng cho một nền văn minh rực rỡ. Các pharaoh da đen thời ấy kiểm tra toàn bộ dòng mậu dịch hàng hóa từ phía Nam lên Bắc Phi, đó không chỉ là nguồn lợi kinh tế dồi dào mà còn đem theo nhiều ảnh hưởng văn hóa Ai Cập mà hôm nay dễ dàng nhận ra trong các công trình xây dựng, tượng và chữ viết. Người Nubia đã kiến tạo những thành phố đầu tiên dọc bờ nước trước các nước láng giềng ít nhất 500 năm. Tuy nhiên, kim tự tháp do các vua Nubia xây dựng là theo mẫu từ văn minh Ai Cập, song họ đã để lại cho hậu thế những 223 kim tự tháp, nhiều gấp đôi Ai Cập.

Đế chế Nubia trong một thời gian dài hoàn toàn sánh vai ngang hàng với khắc tinh sau này của mình, thậm chí khoảng 7 thế kỷ trước công nguyên họ còn chiếm đóng Ai Cập, thời kỳ được ghi lại trong sử sách là kỷ nguyên “Pharaoh đen”. Lợi dụng một thời kỳ khủng hoảng trong xã hội Ai Cập, vua Piye mở cuộc chiến và giành thắng lợi trước nước láng giềng phương Bắc với sức mạnh quân sự và mưu mẹo. Năm 728 trước Công lịch, lần đầu tiên trên ngai vàng Ai Cập có một Pharaoh da đen. Ngót 100 năm, người Nubia thống trị Ai Cập và đưa quốc gia lớn nhất bên dòng sông Nil này lên một tầng văn minh tiến bộ mới. Kỳ lạ thay, xã hội Ai Cập sẵn sàng chấp nhận “Triều đại thứ 25” trong tay người da đen. Đối với họ, ngọn núi Barkal tuy đứng cách Cairo hàng nghìn dặm nhưng vẫn được coi sản phẩm của bàn tay Thượng đế. Khối đá khổng lồ mang hình dáng rắn độc Cobra ngẩng cao đầu, khởi nguồn của mọi sự sống trên địa cầu, là nơi thần Amun tối cao trị vì trong tâm trí của người châu Phi.

Chiến tranh, bài học mà nhân loại cho đến hôm nay chưa chịu học thuộc, rốt cuộc không chỉ đem lại tiền của mà còn cả sự diệt vong cho nền văn minh Nubia. Quân đội Ai Cập hùng mạnh cuối cùng đã tiêu diệt kẻ ngoại xâm, và trong cơn say chiến thắng, họ muốn xóa sạch những nét văn hóa Nubia. Tên tuổi các Pharaoh da đen bị đục khỏi các bảng đá, tượng đài bị hất xuống các hố chôn sâu. Người Nubia lùi về phía Nam, lập ra thủ đô mới mang tên Meroe, trung tâm thời kỳ phát triển mới.

Ngày nay, hiếm khi có vài du khách lạc bước tới thành phố nhỏ Karima, dưới chân núi Barkal để chiêm ngưỡng đống đổ nát còn lại từ 16 đền thờ, trong đó có công trình của Pharaoh Ai Cập Ramses đệ nhị. Cát sa mạc lấn lên gạch đá, núi lở ngăn mọi ngả đường dẫn đến các hầm mộ, nơi các Pharaoh da đen chọn làm nơi yên nghỉ tại cố hương. Ở đây Pharaoh Piye khởi đầu làm sống lại một tập tục cũ mà chính người Ai Cập cũng đã bỏ bễ: ông sai chất đá lên một thân phụ thành một ngọn tháp đá, hai thiên niên kỷ sau khi các Pharaoh Ai Cập ngừng xây dựng kim tự tháp, một Pharaoh da đen đã đem lại sự phục hưng cho công trình xây dựng hầm mộ hoành tráng và độc đáo này. Sau Piye, hơn 40 vị vua da đen khác cũng sai xây kim tự tháp ở Meroe. Người Nubia còn tiếp thu các ảnh hưởng văn hóa phong phú đến từ Hy Lạp, La Mã và các láng giềng khác quanh sa mạc Sahara, dần chiếm ưu thế vượt lên những nét Ai Cập cổ. Họ thờ các vị thần mới, phát minh ra loại chữ viết khác hẳn, đến nay chưa thể giải mã, một phát kiến mà lâu nay bị các thành kiến nặng nề tính kỳ thị chủng tộc làm lu mờ.

sd

Phù điêu trong một kim tự tháp ở Sudan theo mô-tuýp Ai Cập.

Kim tự tháp Nubia cuối cùng được hoàn tất cách đây 1600 năm. Nội chiến triền miên làm tan rã đế chế hùng mạnh ngày nào. Nghề nông vắt kiệt đất đai, ngành luyện kim phá hết rừng, và khi khí hậu toàn cầu thay đổi, thổi những đồi cát sa mạc lấn chiếm đất Nubia thì nền văn minh ấy chìm dần trong bóng tối của lịch sử.

Hai giờ ôtô từ Khartum lên phía Bắc, có thể nhìn thấy dãy Kim tự tháp Nubia trải dài như một dãy đồi cát vàng đến tận chân trời. Các ngọn tháp này nhọn hơn, thấp hơn và đứng sát nhau hơn như hình mẫu Ai Cập. Chúng chỉ có vỏ ngoài bằng đá khối, bên trong là đá vụn và trực tiếp đứng trên nền cát không cần móng. Chính phủ Sudan từ 44 năm trở lại đây phải nhờ một văn phòng kiến trúc Đức trùng tu các ngọn tháp từng được xây bằng kỹ thuật dàn cần cẩu gỗ.

Cuộc nội chiến vẫn còn tiếp diễn ở các tỉnh miền Tây Sudan với hàng chục nghìn người chết, ngăn cản những nỗ lực lớn hơn và cố nhiên ngành du lịch không thể phát triển. 12 nhóm khảo cổ quốc tế cố gắng vớt vát những di tích còn có thể cứu được. Song dòng sông Nil sẽ phải chảy tiếp, châu Phi nghèo đói và khát nước cần thủy điện, và đế chế Nubia sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ khỏi bộ sử nhân loại khi cuối năm 2008 đập ngăn nước khổng lồ phía núi Barkal hoàn thành.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn