Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh vai trò quan trọng của tầng điều trị thứ 2 ở cơ sở y tế tuyến quận, huyện. Đây là tuyến quyết định có thể giảm nhẹ ca mắc, không để bệnh nhân chuyển nặng.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 13/8 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo) đã bàn về công tác phòng, chống dịch sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều tỉnh, thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết tình hình dịch tại TP.HCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16 và sẽ có xu hướng giảm trong một vài tuần tới nếu tiếp tục thực hiện biện pháp quyết liệt như hiện nay.
Các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao và sẽ diễn biến phức tạp nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện biện pháp chống dịch mạnh mẽ.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 họp bàn về công tác phòng, chống dịch sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP. |
Tại Hà Nội, biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ đã được thực hiện quyết liệt, song nguy cơ vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn và đã ghi nhận các ca mắc tại chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất…
Theo các thành viên Ban Chỉ đạo, kinh nghiệm lớn nhất tại nhiều địa phương cho thấy trước hết phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh), đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ).
Các ý kiến cũng thống nhất giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”; đã thực hiện giãn cách xã hội phải bảo đảm đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”.
Để người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp thật cần thiết, cần có hệ thống phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm bảo đảm thông suốt, trong đó, những người thực hiện giao hàng được xét nghiệm định kỳ, tiêm vaccine, có dấu hiệu nhận diện, mã QR…
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp và kéo dài, nặng nề, nhất là đối với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương khác.
Theo Bộ trưởng Y tế, tầng điều trị thứ 2 đặt tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện có vai trò rất quan trọng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác điều trị, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh vai trò quan trọng của tầng điều trị thứ 2, đặt tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện.
Ông Long nhấn mạnh 3 yếu tố “cực kỳ quan trọng” mà tầng điều trị thứ 2 phải chuẩn bị là oxy y tế, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm. “Nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này sẽ giảm số ca chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn”, Bộ trưởng Y tế chia sẻ.
Vì thế, Bộ Y tế đã liên tục ban hành văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn cụ thể các địa phương “phải đảm bảo oxy cho điều trị ở tầng 2.
“Đây là tầng điều trị vô cùng quan trọng, do đó các địa phương phải đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thuộc tầng 2 để đảm bảo có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất khi cần. Đối với tầng 2, Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao (HFNC) trong điều trị, máy thở không xâm nhập… và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được”, Bộ trưởng Y tế cho hay.
Cùng với oxy y tế, ông lưu ý các cơ sở ở tầng điều trị thứ 2 phải luôn có thuốc kháng đông và kháng viêm để cho bệnh nhân sử dụng sớm, giảm mức độ nặng.
Nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường hoạt động của các Tổ Covid-19 cộng đồng, Bộ trưởng Y tế lưu ý cần tập trung bao vây, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu tử vong để đưa sớm trở về trạng thái “bình thường mới”.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn