Kinh nghiệm điều trị F0 chuyển nặng và hạn chế tử vong

0
85

Một bác sĩ đang điều trị Covid-19 tại TP.HCM cho biết việc hạn chế F0 nguy kịch và tử vong không chỉ dựa vào phòng tuyến cuối, mà phải tập trung từ gốc.

dieu tri benh nhan Covid-19 anh 1

Hơn 70 ngày kể từ bùng phát ổ dịch điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, TP.HCM đang trải qua giai đoạn lịch sử của đợt bùng phát dịch Covid-19 với hơn hơn 100.000 ca mắc.

Khi hệ thống y tế chịu áp lực lớn, từ chủ trương truy vết, xét nghiệm, thành phố xác định mục tiêu quan trọng là điều trị, ngăn chặn F0 chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong.

Kiểm soát F0 nguy cơ từ tầng dưới

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trong một tuần trở lại đây, đồ thị số ca nhiễm mới tại TP.HCM có xu hướng đi ngang. Theo quy luật lây truyền, đường cong này có thể đi xuống.

“Hạn chế lây nhiễm là điều cần tiếp tục làm nhưng đếm số ca mới tại thành phố không còn là vấn đề quan trọng. Mục tiêu hiện tại là bảo vệ nhóm nguy cơ, hạn chế F0 chuyển nặng và cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt”, bác sĩ Khanh nói.

Cần tránh tình trạng bệnh nhân nguy cơ rất cao, nguy kịch ở tầng thấp, còn người bệnh ít có nguy cơ diễn biến nặng được chuyển lên tầng cao

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chuyên gia này cho biết tháp 5 tầng điều trị Covid-19 của Sở Y tế TP.HCM là hợp lý. Tuy nhiên, việc phân loại và sàng lọc F0 để đưa đến các tầng cần điều chỉnh phù hợp hơn. Yêu cầu đặt ra đối với nhân viên y tế khám sàng lọc và điều chuyển F0 từ nhà đến các tầng rất quan trọng.

“Chúng ta cần phân loại nguy cơ ngay từ đầu để đưa họ đến bệnh viện phù hợp. Cần tránh tình trạng bệnh nhân nguy cơ rất cao, nguy kịch ở tầng thấp, còn người bệnh ít có nguy cơ diễn biến nặng được chuyển lên tầng cao”, bác sĩ Khanh nói.

Nói với Zing, một chuyên gia đang điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 5 (F0 nặng và nguy kịch) cho biết để hạn chế thấp nhất tỷ lệ F0 chuyển nặng và nguy kịch, việc quan trọng không chỉ ở tầng cuối mà phải tập trung vào điều trị những bệnh nhân tại tầng 2 và tầng 3.

dieu tri benh nhan Covid-19 anh 2

Một ca cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Việc phụ thuộc vào nguồn nhân lực và trang thiết bị của tầng 4 và tầng 5 rất khó. Bởi quá trình xây dựng một đơn vị hồi sức cấp cứu, trang thiết bị vật tư không dễ dàng, trong khi đó, bệnh nhân được chuyển đến tầng 4, tầng 5 đa số đã rất nặng, việc hồi sức mất nhiều thời gian và nhân lực. Tuy nhiên, nguồn lực nhân viên có kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu tại thành phố không nhiều, nhất là bác sĩ và điều dưỡng.

Chuyên gia này cho biết trong tình hình hiện nay, việc xây dựng các trung hồi sức Covid-19 của Bộ Y tế là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta cần có chiến lược phân tầng hiệu quả hơn, đặc biệt là công tác sàng lọc, phân loại, đánh giá người bệnh ngay từ tầng dưới.

“Tập trung theo dõi người có nguy cơ cao diễn biến nặng, phát hiện sớm và điều trị người có dấu hiệu chớm nặng. Như vậy, việc hạn chế tỷ lệ F0 chuyển nặng mới thực sự có hiệu quả. Phương pháp điều trị hiệu quả ngay từ tuyến dưới cũng là điều cần được đặt ra”, ông nói.

Cập nhật phác đồ, chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho tuyến dưới

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương, cho biết các chuyên gia điều trị đã thống nhất sử dụng sớm thuốc chống đông và kháng viêm steroid cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng.

Việc sử dụng các loại thuốc này đã có trong phác đồ của Bộ Y tế. TP.HCM là địa phương nên áp dụng nhất vì số ca nhiễm lớn và đang đúng giai đoạn bệnh chuyển nặng nhiều.

dieu tri benh nhan Covid-19 anh 3

Bên trong kho thuốc của bệnh viện điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

“Phác đồ Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ, các bệnh viện, nhất là tuyến dưới cần cập nhật hướng dẫn và thông tin mới, dùng thuốc theo chỉ định. Tuy nhiên, các dẫn điều trị cụ thể cần liên hệ với các bác sĩ với liều lượng theo cân nặng và loại trừ các chống chỉ định của thuốc. Người chưa mắc bệnh không nên mua dự phòng vì thuốc này sẵn có trên thị trường với nhiều tên gọi khác nhau và không biết được tác dụng phụ của thuốc”, Phó giáo sư Hiếu khuyến cáo.

Phác đồ Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ, các bệnh viện, nhất là tuyến dưới cần cập nhật hướng dẫn và thông tin mới, dùng thuốc theo chỉ định

PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ rẫy (TP.HCM), cho biết qua thực tiễn điều trị thời gian qua, phác đồ điều trị với thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống phát huy hiệu quả. Trường hợp F0 có chuyển biến nặng nhưng không liên hệ nhập viện cũng có diễn tiến khả quan hơn khi được bác sĩ chỉ định thuốc.

Theo bác sĩ Hùng, hiện tại, phác đồ này được áp dụng đã nhiều nơi tại TP.HCM. Bệnh viện đã trình Bộ Y tế và chia sẻ kinh nghiệm này đến một số cơ sở điều trị. Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh cần phải có nghiên cứu đầy đủ mới áp dụng chính thức, do đó, người dân tuyệt đối không tích trữ hoặc tự ý sử dụng thuốc này khi không có chỉ định của nhân viên y tế.

Nỗ lực xây dựng mạng lưới hồi sức

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM của Bộ Y tế, cho biết mục tiêu hàng đầu của thành phố hiện nay là giảm tối đa số ca F0 chuyển nặng, tử vong. Tuy nhiên, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thành phố thời gian quan gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù Bộ Y tế đã ra hướng dẫn F0 tự theo dõi sức khỏe và điều trị tại nhà, một số trường hợp F0 vẫn cần sự theo dõi và chăm sóc y tế. Điều này đặt ra gánh nặng lớn về trang thiết bị, cơ sở vật chất, oxy, khí nén từ thiết bị thở oxy mũi đến máy oxy dòng cao, đặc biệt là hệ thống máy thở, ECMO cũng có nhu cầu lớn.

dieu tri benh nhan Covid-19 anh 4

Toàn cảnh Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7). Ảnh: Chí Hùng.

Trước nhu cầu bức thiết này, Bộ Y tế đã lập tức huy động đội ngũ chuyên gia từ các bệnh viện hàng đầu hỗ trợ TP.HCM.

Hiện tại, các bệnh viện hồi sức với sự vận hành của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế có vai trò như Trung tâm Hồi sức Covid-19 Quốc gia. Các đơn vị này sẽ góp phần chia lửa để thu nhận, điều trị hiệu quả bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh các tuyến điều trị tầng đáy cần tăng cường năng lực điều trị, giảm tải áp lực cho tuyến trên.

Chia sẻ với Zing, bác sĩ Lương Văn Sinh, kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm cách ly F0 tại phường Sơn Kỳ, cho biết từ ngày 30/7, trung tâm này chính thức thu nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, bệnh nền đã được kiểm soát ổn định.

Theo bác sĩ Sinh, dù là tầng điều trị thấp nhất, khu cách ly F0 tại đây vẫn được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu cần thiết với hơn 40 máy SpO2. Phòng cấp cứu có sẵn 10 bình oxy, 5 máy tạo oxy và cơ số thuốc, vật tư cần thiết, máy chụp X-quang di động và cả hệ thống máy oxy dòng cao. Trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể đặt nội khí quản trước khi chuyển tuyến.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn