Những đoàn phượt vẫn đang lên đường, rủi ro về tai nạn vẫn luôn thường trực. Phượt thủ Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ Cốc tử) chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức một chuyến đi.
Lên kế hoạch và tiền trạm
Công việc đầu tiên leader (trưởng nhóm) cần phải làm là lên kế hoạch chi tiết cần tiền trạm về chuyến đi gồm: loại hình phượt phù hợp với ai, địa điểm khám phá, chỗ ăn – ngủ – nghỉ, phương tiện di chuyển, số lượng người tham gia. Sau đó leader sẽ thực hiện tiền trạm để đảm bảo các vấn đề trên được giải quyết đầy đủ, chính xác.
Tuyển thành viên
Tùy theo mức độ dễ khó của chuyến đi mà cần phải có quy định cho phù hợp. Một số lưu ý:
– Số lượng nam trong đoàn nên nhiều hơn nữ để xử lý sự cố, hay hỗ trợ dễ dàng hơn.
– Thành viên tham gia có sức khỏe tốt, không có tiền sử bệnh lý đặc biệt (vì ở những nơi hoang sơ vắng vẻ khi cần hỗ trợ y tế rất khó khăn), đủ tuổi thành niên.
– Có đầy đủ giấy tờ cá nhân cùng các giấy tờ khác liên quan như: giấy tờ xe, giấy phép lái xe,…
– Người cầm lái phải có nhiều kinh nghiệm lái xe đi phượt cả ngày lẫn đêm.
– Số lượng thành viên đông hay ít phù thuộc nhiều vào khả năng tổ chức của leader nhưng nên giới hạn số lượng thành viên của đoàn tối đa khoảng 20 người.
– Ít nhất có 3-4 thành viên tham gia phải biết rõ về cung đường.
– Mua bảo hiểm toàn bộ các thành viên trong đoàn.
Cách thức tổ chức đoàn
– Đoàn gồm trưởng nhóm (leader): Điều phố toàn bộ hoạt động của đoàn.
– Thủ quỹ: Quản lý mọi chi phí đảm bảo công khai, chính xác và hiệu quả.
– Dẫn đoàn và chốt đoàn: Có kinh nghiệm hiểu rõ về cung đường, khả năng xử lý tính huống tốt, tay lái cứng, tính cẩn thận.
– Cứ nhóm 5 – 8 người có một trưởng nhóm, chạy cuối mỗi nhóm và quản lý các thành viên trong nhóm.
– Mỗi thành viên đều có bảng lịch trình chi tiết hành trình các số liên lạc của trưởng đoàn, trưởng nhóm, điểm đến.
– Phân công công việc cho từng nhóm cụ thể: phụ trách ăn uống, chở vật dụng chung,…
Cách di chuyển trên đường
– Tuân thủ luật lệ giao thông.
– Trưởng nhóm là người chạy cuối hoặc kế cuối để quan sát toàn bộ đoàn.
– Mở đèn xe trong quá trình di chuyển dù ban ngày hay ban đêm.
– Phải có đai phản quang, bộ đàm để thuận tiện nhận diện và liên lạc khi cần thiết.
– Các xe nên dán số thứ tự ở đầu và sau xe để các xe khác tiện quan sát và liên lạc.
– Không được phép vượt mặt nhau, trong trường hợp bắt buộc phải báo hiệu cho xe sau, xe trước, trưởng đoàn, sau khi vượt xong phải về lại vị trí cũ.
– Ở tốc độ thấp xe chay hàng một ở làn đường cho phép. Ở tốc độ cao chạy so le theo hướng dẫn của dẫn đoàn.
– Không chụp ảnh selfie trong quá trình di chuyển.
– Tuân thủ và tôn trọng mọi quyết định của trưởng đoàn.
Ngủ nghỉ và ăn uống
– Nếu cắm trại phải khảo sát khu vực an toàn, tính toán việc vệ sinh cá nhân không ảnh hưởng môi trường.
– Đồ ăn, uống phải đảm bảo vệ sinh, nếu sử dụng nước, rau quả từ thiên nhiên phải hiểu rõ sử dụng được mới dùng, phải đun sôi nấu chính khi cần thiết.
– Đoàn phải có túi y tế với những loại cơ bản: Bông băng, thuốc đỏ, dầu gió, thuốc đau bụng, hạ sốt…
Những lưu ý khác
– Trang phục di chuyển trên đường: Có giáp bảo hộ tay chân, nón bảo hiểm, kính mắt, găng tay, mang giày không mang dép, đai phản quang. Dự phòng khác theo thời tiết: Áo mưa bộ, bao bọc balo chống thấm.
– Khi dừng đoàn phải đậu sát lề đường mở đèn tín hiệu. Đậu xe ở đường thẳng, bằng phẳng không đậu vị trí khuất, góc cua, đường xuống dốc, đường lên dốc.
– Phân công người coi đồ đạc khi dừng ở chỗ đông người qua lại.
– Cẩn thận khi giao tiếp với người lạ.
– Luôn giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác phá hoại cảnh quan.
– Luôn thân thiện với dân địa phương.
– Luôn có số điện thoại liên lạc của cơ quan chính quyền ở nơi đến để dung khi cần thiết.
– Không tách lẻ đi vào chỗ hoang vắng.
– Trình báo biên phòng, cơ quan chức năng, không tự ý xâm nhập vào vùng cấm, khu vực biên giới, mốc giới.
– Luôn cho người nhà, bạn bè biết rõ lịch trình, đội nhóm mình tham gia. Thường xuyên giữ liên lạc với gia đình.
Nguồn: News.zing.vn