Chinh phục “nóc nhà thế giới” không phải chuyện dễ dàng. Dù vậy, Khải Nguyễn đã tạm gác lại giấc mơ đó sau lưng để cứu lấy đồng đội của mình trong hành trình khám phá vừa qua.
Khải Nguyễn sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Hiện anh đang làm việc tại thung lũng Silicon, California (Mỹ). Mang trong mình khát vọng một lần đặt chân lên “nóc nhà thế giới”, Khải quyết tâm thực hiện hành trình dù biết có nhiều rủi ro phía trước.
Chia sẻ với Zing.vn, anh nói: “Tôi đã leo nhiều núi khắp thế giới nhưng Everest vẫn là một thử thách mà bất cứ ai cũng muốn một lần đặt chân đến. Tôi muốn thử thách bản thân mình. Chinh phục đỉnh núi cao 8.848 m là giấc mơ tôi ấp ủ suốt 10 năm nay nhưng bây giờ mới có dịp thực hiện”.
Khải Nguyễn trên hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới”. |
Dù đã lường trước được những điều không may có thể ập đến, cuối cùng Khải vẫn phải đối mặt với tình huống đau lòng khi nghe tin đồng đội mình bỏ mạng giữa băng đá giá lạnh.
Thậm chí, những hình ảnh hiếm hoi của anh trong cuộc hành trình chinh phục Everest cũng bị chôn vùi dưới lớp tuyết dày vì người ghi lại khoảnh khắc đã ra đi mãi mãi.
Chút hình ảnh ít ỏi và câu chuyện của Khải Nguyễn chia sẻ với Zing.vn là kỷ niệm vô giá còn sót lại…
Tắc nghẽn là điều có thể lường trước
Nawang Sherpa, người giúp đỡ đoàn leo núi lên đỉnh Everest, gọi Khải dậy vào 5h30. Ở độ cao 7.100 m, bầu trời còn tối đen nhưng Khải không tài nào ngủ thêm vì mặt nạ oxy làm anh khó chịu. Anh ở chung lều cùng Mahendra và Hintendra, hai anh em ruột đến từ Ấn Độ.
Họ đều là những người có sức khỏe phi thường. Trước kia, hai anh em Mahendra và Hintendra từng hoàn thành cuộc đua xe đạp 4.800 km trong 8 ngày 11 giờ vòng quanh đất Mỹ.
Trời bắt đầu sáng, Nawang mang cho mọi người ít bánh quy, trà nóng và kèm theo thông báo chuẩn bị tiếp tục hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới”.
Càng lên cao, điều kiện thời tiết càng khắc nghiệt. Oxy trong không khí trở nên loãng hơn khiến những người leo núi cảm thấy khó thở. Khó khăn lại chồng khó khăn khi đường lên núi bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Khải bắt đầu thở dốc, anh cần thay bình oxy ngay lập tức để tiếp tục cầm cự.
Khung cảnh hùng vĩ trên đường lên đỉnh Everest. |
Tiếp tục di chuyển lên trên, Khải và đoàn của anh đến nơi mà chỉ vài ngày trước, hai nhà leo núi đã vĩnh viễn bỏ mạng. Chuyện chết người khi leo Everest cũng chẳng phải điều gì hiếm gặp. Hàng trăm người đã bỏ mạng giữa băng tuyết lạnh cắt xương giữa lúc hành trình còn dang dở. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu oxy, cao huyết áp, phù phổi, càng lên cao lại càng phát sinh nhiều vấn đề…
“Dĩ nhiên tôi biết con đường lên Everest rất nguy hiểm và tình trạng tắc đường cũng được cảnh báo nhưng thật không ngờ mọi thứ lại tệ đến vậy”, Khải kể lại.
Không vội vã hay lo sợ, anh tự trấn an bản thân bằng cách nhìn ngắm cảnh đẹp hùng vĩ. Trong lòng Khải tự nhủ: “Ai cũng vậy thôi, đợi chút sẽ đến lượt mình”.
Khải đang leo qua Khumbu Icefall (khu vực được cho là nguy hiểm nhất khi leo Everest). |
Dừng lại đúng lúc
“Trông cậu rất khỏe đấy”, trưởng đoàn Mingma Dorchi tiến tới động viên Khải. Tuy nhiên, cơ thể anh lại nói điều ngược lại. Khải cảm thấy rõ ràng mình không ổn chút nào.
Lên cao hơn, hơi thở của Khải vẫn tạm giữ ở mức ổn định nhưng anh không thấy thèm ăn bất cứ thứ gì. “Tôi đã cố gắng ăn một cốc mì và đồ ăn vặt để lấy sức leo tiếp nhưng thật sự nuốt không tài nào trôi”, người đàn ông TP.HCM nói.
Khải cùng đồng đội của minh nạp năng lượng để tiếp tục hành trình. |
Đến tối, đôi chân của Khải bắt đầu đông cứng lại vì lạnh. Anh cảm thấy đau đớn, toàn thân như đứt lìa. Nawang và một người đồng đội khác nhìn vào mắt Khải đầy lo lắng: “Đỏ hết cả lên rồi, anh ổn không đấy?”.
Khải chia sẻ: “Nghe xong, tôi thực sự hoảng loạn. Mọi người xúm lại và hỏi han tình hình của tôi. Lúc ấy, tôi hỏi thẳng những người khác với tình hình sức khỏe này, liệu tôi còn lên được đỉnh và sống sót trở về không?”.
Không ai hiểu rõ cơ thể mình hơn chính bản thân. Khải biết rõ chút sức tàn của anh đang cạn dần và nếu đi xuống chắc chắn sẽ tốt hơn. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, anh quyết định quay về trại 4 (7.950 m).
Khải (bên trái) đang nhắn tin bằng thiết bị vệ tinh. |
“Đôi khi bạn buộc phải đưa ra quyết định vào thời khắc quan trọng. Chẳng ai hiểu rõ lúc nào mình cần nghỉ ngơi hơn chính bản thân. Everest chắc hẳn cũng sẽ không hài lòng với những người sức yếu nhưng vẫn cố sống cố chết leo lên đỉnh”, Khải chia sẻ.
Ngay cả khi suy nghĩ tích cực như vậy, Khải vẫn không vượt qua được nỗi thất vọng về bản thân. Tất cả những nỗ lực anh chắt chiu để chinh phục “nóc nhà thế giới” bỗng tan biến. Anh không thể tiếp tục lên đường vào đêm đó. Với kinh nghiệm dẫn không biết bao người chinh phục Everest, Nawang thực sự thấy lo cho sức khỏe của Khải và cố gắng giữ ấm tay, chân anh.
Bất ngờ thay, khi thức dậy vào sáng hôm sau, Khải cảm thấy như cơ thể mình được tiếp thêm năng lượng. Anh đã sẵn sàng tiếp tục con đường chinh phục Everest. Dù vậy, người tính đôi khi cũng không bằng trời tính, đến cuối cùng, Khải vẫn đành ngậm ngùi xuống núi, bỏ lại giấc mơ Everest dở dang.
Cơ hội đến bất ngờ
Khi ý chí đã buông xuôi thì tia hy vọng lại lóe lên trong đầu anh. Mingma, một đồng đội khác của Khải đã nghe câu chuyện của anh và muốn giúp sức. Họ còn nhiều oxy dự trữ và có thể giúp nếu Khải muốn tiếp tục hành trình.
Ngày 22-23/5, thời tiết đẹp, rất thuận cho việc leo núi. Khải không muốn chần chừ thêm một giây nào nữa. Anh lập tức cùng đồng đội chuẩn bị đồ dùng để trở lại “đường đua”.
Khải Nguyễn đã cầu nguyện cho cả đoàn leo núi được bình an. |
Thức giấc vào sáng hôm sau, Khải nghe tin sét đánh: Một đồng đội của anh đã chết. Nguyên nhân tử vong không được nói rõ khiến Khải càng thêm hoang mang. Anh hiểu mình không thể để cảm xúc đau buồn đánh gục ý chí chinh phục Everest lúc này. Cái chết của người bạn khiến Khải càng muốn đặt chân lên đỉnh “nóc nhà thế giới”. Anh muốn được chiến đấu cho cả phần của người đã khuất.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng để lên đường, Khải nghe thấy tiếng gọi của Mahendra từ trong lều vọng ra…
Tạm gác lại giấc mơ để cứu đồng đội
“Tình hình có vẻ rất xấu. Mắt Mahendra dường như đã không còn nhìn được. Anh ấy nhờ tôi kiểm tra xem có phải thiếu oxy là nguyên nhân dẫn đến việc mắt mờ không? Và rồi anh ấy bắt đầu khóc”, Khải kể lại giây phút người đồng đội cảm nhận cái chết đang cận kề.
Ngay khoảnh khắc ấy, Khải hiểu anh cần đưa ra quyết định: Đi tiếp và bỏ lại người đồng đội hay từ bỏ giấc mơ Everest khi cách đỉnh không còn xa.
“Tôi biết mình phải làm gì. Mạng người hay giấc mơ Everest ư? Câu trả lời thật sự đơn giản. Everest bao năm vẫn còn đó nhưng tính mạng người đàn ông này đang ở ranh giới giữa sinh và tử. Tôi không muốn mất thêm một người đồng đội nào nữa”, Khải chia sẻ với Zing.vn.
Tuyết trắng xóa phủ kín những căn lều của nhà leo núi. |
Khải đưa sạch lại tất cả những đồ dùng duy trì sự sống cho Mahendra. Tất cả tài sản còn lại của anh là một chiếc túi ngủ mỏng dính. Khai không thể ngủ được vì cái lạnh xâm lấn đến tận xương tủy.
Đêm cứ thế dài vô tận…
“Khi tôi kể lại câu chuyện, một số người nói rằng tôi là một anh hùng. Tôi khiêm tốn từ chối điều đó. Những người hùng thực sự là người đã ở bên và giúp đoàn chúng tôi vượt qua khó khăn.
Danh sách người bỏ mạng trên Everest mùa này có lẽ đã tăng lên nữa nếu không có những người hùng thầm lặng.
Núi vẫn còn đó và tôi sẽ quay lại”…
Nguồn: News.zing.vn