Lai Châu: Ngược núi dự hội Gầu tào

0
140

Thành thông lệ, ra giêng là dịp người Mông xã Dào San (huyện Phong Thổ) nô nức tổ chức Lễ hội Gầu tào nhằm cầu phúc, bình an, may mắn và tạo không khí vui xuân cho nhân dân.

Phần thi leo cột tại Lễ hội Gầu tào

Từ trung tâm thị tứ Mường So, chúng tôi vượt gần 30km đèo dốc của tỉnh lộ 132 lên Dào San vui hội Gầu tào. Đất trời sang xuân, nhưng trên độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển, Dào San vẫn giữ nguyên cái lạnh cố hữu, đặc trưng vùng cao. Cùng với đó, sương núi giăng mù khắp muôn nơi khiến không khí của Lễ hội thêm những nét riêng.

Anh Ma A Lủ – Phó Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết, với người Mông ở Dào San, Lễ hội Gầu tào không chỉ là hoạt động có ý nghĩa tâm linh, còn là dịp vui xuân bổ ích góp phần lưu truyền những nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc các xã vùng cao biên giới. Theo kế hoạch, Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày. Trước khi khai hội là phẫn lễ trang nghiêm, lễ vật là những sản vật trong lao động sản xuất, toàn bộ phần lễ diễn ra dưới cây nêu trên bãi đất trống; phần hội gồm thi văn nghệ dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị chu tất, chủ tế – người có uy tín trong cộng đồng đảm nhiệm điều khiển phần lễ (không quá kỳ bí nhưng có ý nghĩa tâm linh sâu sắc với người Mông). Trong bài cúng, chủ tế đại diện dân bản báo lên đấng siêu nhiên thành quả lao động sản xuất trong năm qua và ước muốn mùa vụ năm tới bội thu, chăn nuôi phát triển, thôn bản yên vui, nhà nhà đầm ấm, người người mạnh khoẻ. Ngay sau khi phần lễ kết thúc, chủ tế tuyên bố khai hội – phần sôi động được nhiều người mong đợi.

Chương trình giao lưu văn nghệ năm nay phần lớn là các tiết mục dân gian với làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Mông. Chính điều này cho thấy, Lễ hội Gầu tào là dịp tái hiện bức tranh muôn sắc của người Mông. Qua đó không chỉ góp phần duy trì, lưu truyền bản sắc văn hoá dân gian, còn giúp du khách tham dự Lễ hội tìm hiểu bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào nơi đây. Tại Lễ hội Gầu tào, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều nghệ nhân khèn bè, kèn lá và kèn môi của đồng bào Mông. Giữa mênh mang núi nừng sương giăng ấy, vẳng xa tiếng kèn môi, kèn lá, sáo Mông, khèn bè gợi không gian vùng cao đặc trưng.

Sôi động, kịch tính và thu hút đông đảo vận động viên tham gia chính là phần thi thể thao dân tộc: bắn nỏ, kéo co, đánh cầu lông gà, ném pao và leo cột. Đây là dịp bà con dân bản giao lưu, góp phần thặt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng. Nắng xuân chan hoà, gió xuân phơi phới, các chàng trai vùng cao đua nhau trổ tài nghệ, khoe sức mạnh, sự khéo léo khi tham gia thi đấu thể thao trong sự cổ vũ nồng nhiệt của cổ động viên. Những thiếu nữ Mông xúng xính áo váy vui ném pao mà má ửng hồng bởi nắng xuân, tiếng sáo ai gọi bạn, gửi gắm lời thương. Giữa bộn bề công việc, cuộc sống là những tổ hợp thanh âm của sự hối hả trong không gian ngập sắc xuân của Lễ hội khiến lòng như phơi phới, lắng đọng.

Vui hội Gầu tào, khi đã thấm mệt thì đã có quán thắng cố mà Ban Tổ chức mở ra mời gọi nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách và tái hiện một góc chợ phiên vùng cao. Quán đặt ngay khe núi, lồng lộng gió và khi mỗi người đã được thưởng thức nửa già bát rượu ngô thì cuộc vui thắng cố mới thực sự rôm rả. Dự hội Gầu tào bạn đừng quên cuộc vui thắng cố để cảm nhận thêm sự hào sảng của những người dân vùng cao.

Cuộc vui trong Lễ hội Gầu tào ở Dào San chỉ thực sự tan khi mặt trời đỏ ối sắp lặn sau dãy núi mờ xa. Mọi người cùng trở về, hành trang sau hội vui là những âm thanh rộn sắc xuân, những cuộc gặp ấm tình trong cái giá rét cuối xuân nơi vùng cao cùng lời chúc đầu xuân may mắn và hẹn gặp tại hội sau.

Bùi Chiến

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn