Lâm Đồng: Tăng cường cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch

0
227

Những năm gần đây, Lâm Ðồng đã không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch – ngành kinh tế động lực của tỉnh, nhằm thu hút các dự án cũng như thu hút lượng du khách đến ngày càng nhiều hơn.

 

Lâm Đồng thu hút rất nhiều hoạt động du lịch – thể thao hằng năm. (Trong ảnh: Các VĐV về đích trong cuộc thi chạy và bơi Dalat Sufferfest lần đầu tiên tổ chức tại Đà Lạt trong tháng 3/2018). Ảnh: V.Trọng

Ngành kinh tế động lực

Một thống kê của ngành chức năng Lâm Đồng cho biết, lượng du khách đến Lâm Đồng – Đà Lạt những năm gần đây mỗi năm đều tăng bình quân trên 10%.

Như trong năm 2018 vừa qua, Lâm Đồng đón trên 6,5 triệu lượt khách, tăng 10,3% so với năm 2017, trong đó lượng khách nước ngoài 485 nghìn lượt, tăng 21,3%. Tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.710 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 147 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 50 nghìn tỷ đồng, trong đó có 31 dự án đã hoàn thiện và đưa vào kinh doanh.

Toàn tỉnh hiện có 1.399 cơ sở lưu trú du lịch với gần 21 nghìn phòng, trong đó có 426 khách sạn từ 1-5 sao, bao gồm 30 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với trên 3 nghìn phòng. Tỉnh cũng có 35 khu du lịch, điểm du lịch, 3 sân golf 18 lỗ đang vận hành; trên 60 điểm tham quan miễn phí, khoảng 30 mô hình du lịch canh nông. Trong 67 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch có 24 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 10 đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm.

Cùng với những điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, Lâm Đồng hiện có 2 di sản thế giới được UNESCO công nhận gồm di sản tư liệu “Mộc bản triều Nguyễn” và di sản văn hóa phi vật thể “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang cũng đã được UNESCO công nhận.

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực, Lâm Đồng những năm gần đây đã không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông của tỉnh nhằm kết nối với các địa phương lân cận và với cả nước như các quốc lộ 20, 27, 28, 55, 27C… Sân bay Liên Khương đạt cấp 4D theo tiêu chuẩn ICAO với tần suất khai thác mỗi ngày từ 28 – 30 chuyến bay đến nhiều tỉnh, thành trong nước cũng như có các chuyến bay trực tiếp đến các quốc gia lân cận như Băngkok (Thái Lan), Vũ Hán (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch thông qua nhiều hình thức, tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước; đồng thời thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh. Hiện có khoảng 11 nghìn lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó có khoảng 77% đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch.

Tăng cường “một cửa”

Thực hiện Chương trình tổng thể về cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác CCHC, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong quá trình chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Trong CCHC, tỉnh luôn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, trong đó có lĩnh vực du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC; thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, niêm yết tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của mình trên trang thông tin điện tử và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận trong giao dịch hành chính công.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành đề án đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và quy chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống một cửa điện tử hiện đại và dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh cũng xây dựng và ban hành quy chế của cơ quan, đơn vị mình về thực hiện cơ chế một cửa liên thông, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đến nay đã có trang thông tin điện tử riêng nhằm phục vụ cho các hoạt động CCHC; đều thực hiện hệ thống một cửa điện tử cho hầu hết các TTHC của đơn vị nói chung và đối với lĩnh vực du lịch nói riêng, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin, quy định về các TTHC liên quan.

Đến nay, 100% TTHC về du lịch của tỉnh Lâm Đồng đều đã được triển khai áp dụng cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” và “một cửa điện tử” với 51 TTHC. Các sở, ngành cùng các địa phương trong tỉnh cũng xây dựng quy trình áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cho tổng cộng 30 TTHC trong lĩnh vực du lịch. Riêng tại Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho 4 TTHC và mức độ 4 cho 4 TTHC về du lịch.

Trong năm 2018, các sở, ngành và thành phố Đà Lạt đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 100% hồ sơ liên quan đến lĩnh vực du lịch. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng trong năm qua cũng đã giải quyết đúng và trước hạn cho 252 hồ sơ về du lịch.

Hiện, Lâm Đồng đang triển khai khá hiệu quả đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở lưu trú (https://quanlyluutru.lamdong.gov.vn). Đến nay, tỉnh đã cấp 1.835 tài khoản cho các cơ sở lưu trú du lịch để khai báo khách lưu trú qua mạng Internet.

Tại Đà Lạt, để hướng đến một đô thị thông minh, ngành du lịch tỉnh và thành phố bước đầu triển khai nhiều chương trình như xây dựng cổng thông tin điện tử (https://dalatcity.org), ứng dụng du lịch thông minh “dalatcity” sử dụng cho các thiết bị điện thoại thông minh “smart phone”; lập bản đồ thông minh; cung cấp miễn phí các điểm truy cập mạng không dây (wifi); xây dựng kho dữ liệu tập trung; hệ thống báo cáo ngành du lịch và hệ thống phân tích du lịch thông minh.

Theo Báo Lâm Đồng

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn