Làm gì để Phú Yên không thành ‘thiên đường rác’?

0
205

Thời gian gần đây dư luận không ít người trầm trồ với những thắng cảnh đẹp như tranh vẽ của Phú Yên. Tuy nhiên, liệu Phú Yên còn giữ được nét hoang sơ ấy?

Hiện nay, tới những danh thắng nổi tiếng vào bậc nhất ở Phú Yên như gành Đá Đĩa, mũi Đại Lãnh, vịnh Vũng Rô, nhà thờ đá Mằng Lăng…, bạn hiếm khi bắt gặp cảnh chen lấn xô đẩy.

Một người bạn của tôi ở đây từng than thở rằng Phú Yên thiệt thòi khi nằm kẹp giữa Nha Trang và Bình Định – hai tỉnh với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng. Dù có nhiều cảnh đẹp được tạo hóa ban tặng, bao năm nay Phú Yên vẫn cứ lặng lẽ.

Vậy nên khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở thành hiện tượng, những người con xứ Nẫu khấp khởi mừng vì quê mình lên phim đẹp quá, du lịch chắc chắn sẽ có những đột phá bởi với những tiềm năng sẵn có nó hoàn toàn xứng đáng. Nhưng còn đó một mối lo khác không hề nhỏ.

Lam gi de Phu Yen khong thanh 'thien duong rac'? hinh anh 1
Hãy để Phú Yên mãi bình yên trong thế giới “hoa vàng cỏ xanh”.

Người Phú Yên nói, họ rất lo sợ khi những thắng cảnh nổi tiếng trở nên đắt khách cũng là lúc nó sẽ không còn giữ được vẻ hoang sơ, bình yên như vốn có. Quá trình phát triển không tránh khỏi quy luật tất yếu đó. Tuy nhiên, tất cả bắt đầu từ ý thức của chính chúng ta.

Hình ảnh phản cảm nhất thường thấy ở hầu hết các điểm du lịch ở Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng là rác: túi nilon, chai đựng nước, đồ ăn còn dư… thậm chí là cả những hành động “đi bậy”. Rác xuất xả ngay cả bên cạnh những thùng đựng rác được đặt để ngay ngắn và có biển báo.

Chúng ta luôn ca ngợi Việt Nam có nhiều di tích, danh thắng đẹp… nhưng chính chúng ta lại đang khiến nó trở nên xấu xí, mất thẩm mỹ. Đó phải chăng là lý do nhiều khách du lịch quốc tế dù rất háo hức đến Việt Nam nhưng họ không muốn trở lại? Xả rác bừa bãi chỉ là một trong vô số hành động thiếu văn minh của chúng ta đối xử với tài nguyên “rừng vàng, biển bạc” mà tạo hóa ưu ái ban tặng.

Liên quan đến chuyện rác, khi thăm cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi khá bất ngờ khi ghé những buổi chợ sáng người dân nơi đây đều cầm túi được làm bằng báo hay bao tải. Người ta đựng dăm mớ rau, vài loại quả hay thậm chí con cá, miếng thịt trong những tờ báo được ghim thành túi nhiều cỡ. Nếu cần xách những vật nặng hơn, chiếc túi được may lại từ những bao tải lớn trở nên hữu dụng.

Người dân trên đảo do biết, túi nilon bị cấm hoàn toàn từ cách đây vài năm. Nhưng điều đặc biệt hơn với những người dân ở cù lao Chàm là điều đó đã trở thành một điều bình thường. Chúng ta vẫn bắt gặp rác ở hòn đảo này, nhưng ít nhất, nó vẫn đang được mỗi người dân nơi đây hạn chế ở mức tối đa.

Lam gi de Phu Yen khong thanh 'thien duong rac'? hinh anh 2
Người dân cù lao Chàm dùng túi làm từ báo để đựng đồ chứ không dùng túi nilon.

Trên đỉnh Bạch Mã ở Huế, thùng rác lúc nào cũng đầy. Khắp vườn quốc gia này, hiếm khi thấy rác được xả ra trên đường đi. Một điều thú vị là ngoài việc đặt những thùng rác ở khắp nơi, những lời nhắc nhở dành cho du khách cũng rất khéo léo. “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp của Bạch Mã xin vui lòng đem rác về nhà”; “Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp. Không để lại gì ngoài những dấu chân”; “Xin vui lòng cho tôi rác”…

Thậm chí không ít tấm biển được đặt ở nơi này cảnh báo du khách về tác hại của rác nếu chúng bị (được) xả ra bừa bãi. Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi thấy những thùng rác ở đây lúc nào cũng đầy và luôn được để rất sạch sẽ, gọn gàng. Trong những trường hợp như thế, nếu bạn xả rác trước mặt bạn bè hay những du khách đi cùng, vô tình bạn trở thành người “khác biệt”.

Lam gi de Phu Yen khong thanh 'thien duong rac'? hinh anh 3
Những tấm biển báo không xả rác trong Vườn quốc gia Bạch Mã.
Lam gi de Phu Yen khong thanh 'thien duong rac'? hinh anh 4
Rác ở Bạch Mã được gom và phân loại khoa học.

Tôi lại nhớ kỷ niệm khi leo Lang Biang (Lâm Đồng). Người dẫn đường của tôi là Chiel – một thanh niên địa phương. Ngoài  am hiểu kiến thức của vùng đất nhuốm màu huyền thoại này, Chiel còn đặc biệt gây ấn tượng bởi là người có ý thức bảo vệ môi trường.

Suốt chặng đường đi, Chiel luôn mang theo chiếc túi nilon rất lớn, lượm từng chiếc vỏ chai, túi đồ ăn thừa hay cả áo mưa… Chiel nói, anh thấy rất phản cảm trước việc không ít bạn trẻ đi du lịch đến đây vô tư đốt lửa trại, nấu đồ ăn và sau đó để lại một bãi chiến trường. Vì thế, những đoàn khách đi cùng anh, anh đều tận tình khuyên họ hãy mang tất cả phần rác ra khỏi rừng. Với một người dẫn đoàn tuyệt vời như thế, bạn có nỡ lòng xả rác bừa bãi?

Lam gi de Phu Yen khong thanh 'thien duong rac'? hinh anh 5
Chiel – hướng dẫn viên ở Lang Biang – cần mẫn lượm rác do du khách bỏ lại.

Cách đây không lâu, tôi đọc được những dòng chia sẻ của Kyo York khi anh cảm thán về việc Lý Sơn giờ trở thành “thiên đường rác”. Chúng ta vẫn thường tán thưởng một số quốc gia sạch, đẹp và không có rác nơi công cộng. Câu trả lời rất đơn giản, bởi tất cả đều bắt đầu từ ý thức.

Một hành động đẹp không thể cảm hóa cộng đồng trong một sớm một chiều, nhưng ít nhất nó sẽ có sức lan tỏa nếu từng thông điệp nhỏ được chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn