Làm thế nào để trở lại cuộc sống trước đại dịch?

0
36

Khi nào, làm thế nào để cuộc sống trước đại dịch quay trở lại là câu hỏi gây ra nhiều chia rẽ trong cộng đồng các nhà khoa học cũng như giới chính trị các quốc gia trên thế giới.

do bo phong toa covid-19 anh 1

Lúc này, trẻ em ở nhiều nơi đã bắt đầu quay trở lại trường học lần đầu tiên trong suốt 18 tháng. Nhưng ở nhiều quốc gia, biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến số ca mắc Covid-19 tăng cao chưa từng có.

Khắp thế giới, người dân các nước tự hỏi khi nào, và cần phải làm gì, để có thể quay trở lại với cuộc sống trước năm 2020, theo Washington Post.

Kịch bản cho cuộc sống trở lại bình thường

Nhiều kịch bản đã được đưa ra, cả lạc quan lẫn bi quan. Một số ý kiến cho rằng đại dịch sẽ kết thúc khi số ca tử vong giảm xuống mức mà con người chấp nhận được tương tự với cúm mùa hàng năm.

Một ý kiến khác cho rằng cuộc sống sẽ bình thường trở lại khi phần lớn trẻ nhỏ được tiêm chủng. Một số khác lại cho rằng đại dịch sẽ kết thúc khi người dân đã kiệt quệ bởi những biện pháp hạn chế trong cuộc sống thường ngày.

“Tôi thực sự nghĩ chúng ta đang ở giai đoạn dịch bệnh thoái trào. Số ca bệnh ở Mỹ sẽ giảm sâu vào cuối tháng 9 hoặc giữa tháng 10, chúng ta sẽ kiểm soát được tình hình. Virus khi đó sẽ không còn là mối lo ngại cho đại bộ phận công chúng”, Monica Gandhi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học California của Mỹ, cho biết.

Dự đoán lạc quan được giáo sư Gandhi đưa ra dựa trên thực tế rằng tất cả dịch bệnh đường hô hấp do virus gây ra đều kết thúc khi đạt được miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiên.

do bo phong toa covid-19 anh 2

Một quán ăn ở Singapore áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Dù virus tiếp tục biến đổi, có khả năng vượt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, chúng trả giá cho những đột biến ấy bởi độc tính ngày càng yếu hơn.

Giáo sư Gandhi nói bà tin rằng biến chủng Delta đã đạt tới đỉnh sức mạnh của virus ngay trong mùa hè này. Dù vậy, chuyên gia của Đại học California đồng thời thừa nhận bà cũng có thể mắc sai lầm.

Giáo sư Ezekiel Emanuel, chuyên gia chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania, cho biết tình thế hiện nay rất bấp bênh, và nhân loại thường không làm tốt ở những thời điểm như vậy.

“Rất khó để nói với người dân là tình hình hiện nay có thể kéo dài thêm 2-3 năm nữa. Nhưng tôi không nghĩ người ta có thể thoải mái với tình hình hiện tại, khi nhiều trẻ em phải nhập viện và hơn 1.000 người chết mỗi ngày. Đây không phải là cách trở lại trạng thái bình thường”, giáo sư Emanuel nói.

Cũng giống như bà Gandhi, giáo sư Emanuel thừa nhận ông cũng từng phạm sai lầm khi dự đoán nước Mỹ sẽ trở lại trạng thái bình thường vào tháng 11/2021.

Giờ đây, chuyên gia của Đại học Pennsylvania nhận định tình hình sẽ chỉ được cải thiện ít nhất vào tháng 11/2022, thậm chí lâu hơn bởi sự lan rộng của biến chủng Delta cũng như tâm lý chống vaccine ở một bộ phận người dân.

Dịch bệnh đã thoái trào?

Dù có những chia rẽ, tất cả giới chuyên gia có chung quan điểm đại dịch rồi sẽ kết thúc. Ngoại trừ đậu mùa đã bị xóa sổ nhờ sự can thiệp của con người, các đại dịch cuối cùng trở thành một căn bệnh đặc hữu mà con người phải chung sống.

Câu hỏi là khi nào, làm cách nào để nhân loại đến được với cột mốc chung sống ấy.

Một số chuyên gia y tế, dịch tễ học hàng đầu cho biết chúng ta đã đến cột mốc ấy, hay ít nhất là các nước phương Tây.

“Giai đoạn dịch bệnh khẩn cấp đã qua. Giờ đây, chúng ta cần xóa bỏ tâm lý coi Covid-19 là khẩn cấp. Chúng ta cần coi Covid-19 như một trong hàng trăm căn bệnh ảnh hưởng tới con người”, giáo sư Jay Bhattacharya, chuyên gia y tế Đại học Standford, nói.

Công cụ quan trọng nhất để trở lại cuộc sống bình thường là vaccine bởi giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong, bảo vệ người già và người có bệnh nền, giáo sư Bhattacharya cho biết.

“Chúng ta đã thành công, đối với tôi, đó là điểm kết của đại dịch bởi chúng ta không thể làm gì tốt hơn thế”, giáo sư Bhattacharya nói.

do bo phong toa covid-19 anh 3

Nhiều nước châu Âu đã mở cửa trở lại. Ảnh: Reuters.

Virus sẽ còn tiếp tục đột biến, gây ra những đợt bùng phát mới, nhưng ông Bhattacharya cho rằng con người không cần thiết phải hoảng sợ trước dữ liệu số ca mắc Covid-19 mới.

Giáo sư Gandhi cho rằng dù biến chủng Delta có thể đáng sợ và nguy hiểm, nó đã đẩy đại dịch lên tới đỉnh bởi giúp tạo ra miễn dịch cho số đông.

“Biến chủng Delta đến như một cơn bão, nhưng nó rời đi với rất nhiều người được miễn dịch”, giáo sư Gandhi nói.

Dù lây lan nhanh chóng và gây ra tác động tồi tệ cho một số người, biến chủng Delta mang tới một lợi ích ít được nhắc tới, nó khiến các biến chủng trong tương lai ít nguy hiểm hơn, giáo sư Gandhi nhận xét.

Covid-19 sẽ không sớm biến mất, nhưng khi số người miễn dịch tăng lên, virus sẽ bớt nguy hiểm hơn. Con người sẽ dần coi nó cũng giống như cảm lạnh hay cúm mùa.

“Chúng ta thế nào cũng sẽ hít phải virus trừ khi chỉ ngồi im trong phòng. Nhưng ít nhất ở Mỹ, dịch bệnh sẽ được kiểm soát”, chuyên gia của Đại học California nói.

Một vấn đề khác đáng quan ngại hiện nay là tâm lý sợ hãi dịch bệnh của nhiều người, điều này tạo ra rào cản tâm lý và chính trị ngăn cản khả năng quay trở lại cuộc sống bình thường.

Thăm dò dư luận tại Mỹ mới đây cho thấy nhận thức của cử tri đã thay đổi nhanh chóng từ lạc quan hồi mùa xuân sang bi quan do biến chủng Delta. Hồi tháng 4, hơn 61% người được hỏi tin rằng thời gian dịch bệnh tồi tệ nhất đã qua. Nhưng đến cuối tháng 8, con số này giảm sâu chỉ còn 37%.

“Tôi sống ở thành phố thiên tả nhất ở một trong những bang thiên tả nhất, tôi nhìn thấy nỗi sợ hãi sâu thẳm của người dân, khiến họ chấp nhận phong tỏa và đóng cửa trường học”, bà Gandhi nói, đồng thời cho rằng nỗi sợ hãi sẽ nhanh chóng biến mất khi số ca mắc Covid-19 đi xuống.

Cần tiêm chủng cho trẻ em

Không phải tất cả đều có cái nhìn lạc quan như giáo sư Gandhi.

Julie Swann, chuyên gia Đại học North Carolina từng cố vấn cho CDC Mỹ trong đại dịch H1N1, cho rằng chìa khóa quay trở lại trạng thái bình thường là tiêm chủng cho phần lớn trẻ em, điều sẽ khó trở thành hiện thực ít nhất cho tới năm sau, với điều kiện của nước Mỹ – đã xong mục tiêu tiêm chủng cho dân số trưởng thành – nhưng thậm chí lâu hơn nữa ở các quốc gia đang phát triển.

“Trẻ em lây nhiễm virus lẫn nhau, mang virus về gia đình. Bước đầu tiên hướng tới cuộc sống bình thường là tiêm chủng cho trẻ em, ít nhất là trẻ từ 5 tuổi trở lên. Ngay lúc này, không may là chúng ta có rất nhiều trẻ em nhiễm bệnh ở Florida”, bà Swann nói.

do bo phong toa covid-19 anh 4

Tổng tống Joe Biden đến thăm một trường học ở Virginia. Ảnh: AP.

Chuyên gia Đại học North Carolina cho biết có nhiều cách để trở lại cuộc sống bình thường, như chấp nhận để virus lây lan rộng nhằm sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng cái giá phải trả là rất nhiều người chết. Một cách khác là kéo dài phong tỏa cho đến khi dịch bệnh chấm dứt.

Tuy nhiên, bà Swann tin rằng lựa chọn tốt nhất là tiêm chủng quy mô lớn cho trẻ em, cùng với các quy định an toàn y tế như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tăng cường xét nghiệm.

Trong vòng 10 năm tới, virus corona “sẽ giống như cúm mùa, nó có thể gây ra tử vong, nhưng không giống với những gì chúng ta đang thấy”. Nhưng bà Swann cảnh báo trong thời gian ngắn trước mắt, hy vọng lớn nhất là các bệnh viện sẽ không còn quá tải và các đợt bùng phát chỉ xảy ra ở những nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.

“Chúng ta không cách nào kiểm soát mọi ca bệnh nhập cảnh vào đất nước. Nhưng nếu có thể tiêm chủng cho phần lớn trẻ em, sẽ đến lúc không còn cần đeo khẩu trang tại trường học, chúng ta có thể quay trở lại trạng thái bình thường, dù rằng ở mỗi nơi sẽ mỗi khác”, bà Swann nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn