Tác giả Cal Newport chỉ ra phương pháp giúp con người trong xã hội hiện đại thoát khỏi các phương tiện truyền thông để tập trung hoàn thành tốt công việc.
Nhiều người trong số chúng ta gặp phải tình trạng ngồi vào bàn học hoặc bàn làm việc, tự nhủ sẽ hoàn thành xong công việc trước một mốc thời gian cố định. Kết quả là đến khi vượt quá thời gian đó rất lâu, chúng ta vẫn mải miết với những kênh tin tức hay bảng tin Facebook.
Con người đang lướt mạng xã hội một cách vô thức và quan tâm đến tin tức trên đó cũng theo cách vô thức. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
Cal Newport, chuyên gia về khoa học máy tính tại Đại học Georgetown (Mỹ), hiểu được đây là chuyện thường xảy ra ở nhiều người, nên ông đã đưa ra bí quyết khắc phục tình trạng này trong cuốn sách Làm ra làm – Chơi ra chơi.
Sách Làm ra làm – Chơi ra chơi. Ảnh: Alpha Books. |
“Deep work” và “Shallow work”
Cuốn sách tập trung phân tích hai khái niệm đáng chú ý: “Deep work” (những việc đòi hỏi sự tập trung cao độ) và “Shallow work” (công việc mang tính lặp, không đòi hỏi nhiều suy nghĩ). Tác giả ví “Deep work” như “một anh chàng siêu nhân trong nền kinh tế ngày càng cạnh tranh” hiện nay.
Ông cho rằng để có thể phát triển khả năng tập trung vào một nhiệm vụ khó mà không bị phân tán tư tưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh, con người cần tạo ra bài huấn luyện não bộ, thay đổi thói quen làm việc “nông”.
Cal Newport đưa ra nhiều ví dụ và bằng chứng, lập luận khoa học cùng các chỉ dẫn thực tế để chứng minh nhận định của mình. Những quy tắc ông đưa ra bao gồm: Thoát khỏi truyền thông xã hội, tận dụng sự buồn chán và loại bỏ những điều hời hợt.
Trước khi đi sâu tìm hiểu khái niệm “Deep work”, tác giả nhấn mạnh rằng có nhiều người đã áp dụng cách làm việc này và thành công. Chẳng hạn, ông Barrack Obama luôn cố định buổi tối của mình ở văn phòng để đọc sách, viết các bài diễn thuyết, kiểm tra tài liệu và suy nghĩ. Ông hoàn thành mọi thứ vào đêm khuya, thời điểm mà ông nhận thấy mình có thể dành sự tập trung hoàn toàn cho công việc này.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung – người muốn tách mình khỏi thế giới nên đã xây dựng một ngôi nhà bằng đá ở Thụy Sĩ. Ông chọn đó là không gian để ngẫm nghĩ và viết lách. Điều này giúp ông cảm thấy thỏa mãn và thư thái.
Sử dụng mạng xã hội thường xuyên có thể mất tập trung trong công việc. Ảnh: Cafebiz. |
Tạm xa mạng xã hội
Nhằm tối ưu hóa khoảng thời gian “Deep work”, trước hết, cần phải cân nhắc không gian và thời gian làm việc, đồng thời đặt ra câu hỏi: Ta sẽ làm việc như thế nào? Bố trí thời gian nghỉ ra sao?
Theo tác giả, cách tốt nhất là nên đề ra những quy tắc cụ thể để hoàn thành công việc đúng thời hạn hay phương pháp Pomodoro – làm 25 phút lại nghỉ 5 phút.
Cal Newport cũng khẳng định việc hạn chế sử dụng mạng xã hội không có nghĩa là ngưng sử dụng Internet. Internet là công cụ hữu ích hỗ trợ công việc, nhất là trong thời đại công nghệ số, làm việc online như hiện nay. Song, nếu muốn phát triển thói quen “Deep work”, con người buộc phải đấu tranh để giảm tần suất truy cập mạng xã hội.
Với chiến lược này, có thể áp dụng hai cách sau: Thử ngưng truy cập mạng xã hội trong 30 ngày. Sau thời hạn đó, bạn hãy tự hỏi xem mình có tốt hơn so với lúc dùng mạng xã hội thường xuyên không? Điều này cũng giúp chúng ta quan sát được trong thời gian “offline”, những người bạn trên mạng xã hội có thực sự quan tâm tại sao bạn không “online” hay không.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn chỉ ra một số phương pháp cần áp dụng như lọc email, chọn tin nhắn cần ưu tiên phản hồi, phân chia thời gian biểu rõ ràng cho công việc thường ngày… Đó là những bí quyết giúp con người vừa đồng hành, vừa chiến thắng công nghệ, đồng thời làm việc hiệu quả hơn trong thời đại hiện nay.
Nguồn: News.zing.vn