Dù mức giá lên tới vài triệu đồng, trải nghiệm dùng bữa tại nhà hàng cao cấp sẽ để lại ấn tượng mạnh với thực khách trẻ nhờ không gian sang trọng, dịch vụ tỉ mỉ và món ăn hấp dẫn.
Xuất hiện lần đầu tại nước Pháp thế kỷ 17, fine dining là hình thức dùng bữa tại các nhà hàng cao cấp, đòi hỏi nhiều quy chuẩn khắt khe về không gian, dịch vụ, món ăn, cách thưởng thức.
Khi bước vào một nhà hàng theo phong cách này, khách hàng không chỉ trải nghiệm sự phục vụ chuẩn mực mà còn được tận hưởng bữa tiệc hấp dẫn mọi giác quan ở không gian xa hoa, sang trọng bậc nhất.
Trí Phú, quản lý một nhà hàng cao cấp trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM), chia sẻ với Zing mức giá cho bữa ăn chuẩn fine dining ở TP.HCM dao động trong khoảng 1.200.000-3.000.000 đồng.
“Dù giá cả khá cao, thực khách sẽ được đội ngũ nhân viên, đầu bếp phục vụ tận tình như một vị khách quan trọng suốt bữa ăn. Tôi nghĩ trải nghiệm ấy hoàn toàn xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra”, nam quản lý nói.
Quản lý Trí Phú cho biết mọi nhà hàng theo phong cách fine dining đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: không gian, dịch vụ, thực đơn và danh tiếng đội ngũ đầu bếp.
Về không gian, những địa điểm này thường chú trọng sự hài hòa về phong cách thiết kế, màu sắc chủ đạo, ánh sáng và nội thất nhằm đem lại ấn tượng thị giác cho khách hàng.
Do mỗi nhà hàng đều có dấu ấn thiết kế riêng, nam quản lý nhà hàng khuyên thực khách lần đầu trải nghiệm văn hóa fine dining nên tìm hiểu trước về nơi mình định tới nhằm chọn được không gian lý tưởng, phù hợp sở thích cá nhân.
Vốn yêu đồ Tây và thích phong cách cổ điển, tôi quyết định tới nhà hàng nơi Trí Phú quản lý. Ngay khi bước vào, tôi có chút choáng ngợp bởi khung cảnh sang trọng, cao cấp ở đây.
Nhà hàng này mang hơi hướm cổ điển xem lẫn hiện đại, với những chiếc đèn chùm pha lê rực rỡ, hàng ghế bành được xếp thẳng thớm bên cạnh dãy bàn đá dài.
Mọi chi tiết đều được chăm chút tỉ mỉ, bày trí đồng nhất nhằm tạo ấn tượng về sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của nhà hàng.
Khác với tưởng tượng của tôi, nhà hàng không quá đông đúc, dù đang là giờ ăn trưa. Trí Phú chia sẻ các nhà hàng fine dining thường có số khách hạn chế. Người tới trải nghiệm sẽ cảm thấy khá riêng tư, thoải mái dù dùng bữa trong không gian mở.
Nhờ vậy, mỗi bàn ăn sẽ có một nhân viên phục vụ chuyên trách, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu của thực khách xuyên suốt bữa ăn.
“Khách hàng có thể dùng một món tới 4-5 lần nhưng vẫn tiếp tục quay lại nhà hàng nếu họ cảm thấy được quan tâm, nuông chiều như một nhân vật quan trọng”, Trí Phú lý giải.
Ngoài tiêu chuẩn về không gian và dịch vụ, các nhà hàng fine dining còn phải tuân thủ quy chuẩn bố trí bàn ăn.
Trước mỗi lượt khách, quản lý Trí Phú và các nhân viên phục vụ đều chú ý tới việc sắp xếp dụng cụ ăn uống.
Theo đó, dao, dĩa và đĩa phải nằm thẳng hàng, cách mép khăn trải 1 cm, khoảng cách giữa các dụng cụ cũng tương tự. Ngoài ra, ly uống rượu sẽ đặt bên phải ly nước, chếch nhau 45 độ.
Sau khi sắp xếp, nhân viên phục vụ sẽ dùng thước đo để kiểm tra lại. Việc thống nhất khoảng cách giữa các vật dụng trên bàn ăn sẽ đem đến cảm giác cân bằng, đối xứng về mặt thị giác ở mọi góc độ.
Bên cạnh đó, khi trải nghiệm bữa ăn chuẩn fine dining, thực khách cần làm quen với nhiều bộ dụng cụ ăn uống dành cho các món ăn từ khai vị cho tới tráng miệng.
Theo quy chuẩn, các vật dụng này sẽ được xếp đầy đủ trên bàn ăn, theo thứ tự từ ngoài vào trong. Với lần đầu dùng bữa tại nhà hàng fine dining, tôi sợ rằng mình sẽ lúng túng, sử dụng nhầm dụng cụ khi ăn.
Tuy nhiên, nhằm tránh gây bối rối cho thực khách, một số nhà hàng sẽ chỉ xếp một bộ, liên tục thay đổi dụng cụ sau mỗi món.
Ví dụ, với món khai vị, các dụng cụ ăn uống cơ bản gồm dao, dĩa và dao phết bánh mì. Khi chuyển sang món chính, loại dao được sử dụng sẽ nhọn hơn, giúp thực khách dễ dàng cắt nhỏ thức ăn.
Chia sẻ với Zing, Trí Phú cho biết nhà hàng nơi anh làm việc sẽ phục vụ theo hình thức À la carte (gọi món) hoặc thực đơn đặc biệt gồm 3-4 món với khẩu phần vừa đủ, giúp thực khách không bị no nhanh, trải nghiệm được đa dạng món ăn.
Các món ăn sẽ được đưa lên theo thứ tự, dưới sự quan sát từ nhân viên phục vụ. Thời gian chờ lý tưởng giữa các món ăn là 6 phút và 3 phút với các loại đồ uống như cocktail, rượu…
Nhờ vậy, khách hàng vừa không phải đợi lâu, vừa có khoảng nghỉ để trò chuyện, nhâm nhi ly rượu trước khi thưởng thức món ăn kế tiếp.
Trong lúc chờ món khai vị, nhân viên phục vụ sẽ mời khách hàng dùng bánh mì cùng một vài loạt mứt, pate lạ miệng.
Người ăn chỉ cần dùng tay xé nhỏ một miếng, dùng con dao nhỏ, dẹt ở bên cạnh để phết nhân lên bánh mì và thưởng thức.
Ngoài ra, khi nói tới ẩm thực fine dining, ta không thể không nói tới rượu – yếu tố đóng vai trò nâng tầm hương vị món ăn. Quản lý Trí Phú cho biết mỗi món đều có thể kết hợp với một loại rượu cụ thể.
Tôi khá bối rối khi lựa chọn rượu vì không biết loại nào sẽ phù hợp với món nào. Khi ấy, nhân viên phục vụ sẽ là người tư vấn, hướng dẫn tận tình.
Ví dụ, rượu vang trắng – với hương vị chua nhẹ, thanh mát – phù hợp khi dùng cùng món nhẹ để làm sạch khoang miệng, giúp thực khách cảm nhận được hương vị món ăn trọn vẹn hơn. Hay rượu vang đỏ nồng nàn, đằm vị, thích hợp khi ăn cùng các món thịt đỏ như bò, cừu…
Tôi lựa chọn thực đơn gồm 4 món theo tư vấn từ nhân viên phục vụ, gồm có: salad burrata, gan ngỗng áp chảo, bò nướng ba loại và kết thúc bằng bánh tart yuzu.
Ẩm thực thật sự là một điểm sáng trong trải nghiệm fine dining của tôi. Mỗi món ăn đều được chăm chút từng chi tiết, sáng tạo trong cách thể hiện, khiến thực khách thỏa mãn về thị giác, khứu giác và vị giác.
Đặc biệt, rượu vang đỏ và vang trắng dùng kèm món nhẹ, món chính thực sự khiến hương vị món ăn được nâng lên tầm cao mới.
“Fine dining không chỉ có đồ ăn ngon, rượu hảo hạng mà còn cần kết hợp các yếu tố ấy, đem đến trải nghiệm ẩm thực khó quên cho thực khách”, Trí Phú nói.
Với mức giá vài triệu đồng, việc dùng bữa tại nhà hàng hạng sang hoàn toàn xứng đáng để trải nghiệm. Khách hàng không chỉ được thưởng thức dấu ấn ẩm thực cao cấp mà còn tận hưởng quy cách phục vụ chuẩn mực nhất.
Nam quản lý cho biết văn hóa fine dining vốn chú trọng sự sang trọng, xa xỉ, tuy nhiên không đến mức đem lại cảm giác khiên cưỡng, gò ép như nhiều người vẫn nghĩ.
Khách hàng tới dùng bữa chỉ cần mặc trang phục lịch sự, tinh tế, tránh mặc đồ quá suồng sã hay diêm dúa.
Mặt khác, nếu có bất kỳ yêu cầu, thắc mắc hay phản hồi, khách hàng hoàn toàn có thể phản hồi lại với nhân viên hoặc quản lý nhà hàng để được tư vấn, giúp trải nghiệm thêm trọn vẹn.
“Tôi nghĩ khoảnh khắc quan trọng nhất của trải nghiệm này là khi bước ra khỏi nhà hàng, thực khách sẽ thấy thỏa mãn, có những ký ức đẹp để quay lại lần sau”, Trí Phú trải lòng.
Nguồn: News.zing.vn