Lần hứng ‘mưa đá’ của hướng dẫn viên và đoàn khách Việt

0
99

Ấn Độ Sợ những cơn “mưa đá” rơi trúng đầu, anh Kỳ quyết định bỏ lại hành lý trên xe và dẫn đoàn khách đi bộ trên con đường làng tối om.

Hướng dẫn viên (HDV) Nguyễn Văn Kỳ bắt đầu làm việc tại công ty Vietravel cách đây 7 năm. Sự cố ngoài ý muốn trong lần đi tour hành hương ở Ấn Độ hồi đầu năm nay là một trong những điều khiến anh Kỳ không thể nào quên.

Nguyễn Quốc Kỳ có kinh nghiệm gần 10 năm dẫn outbound.

Nguyễn Văn Kỳ có kinh nghiệm gần 10 năm đưa khách ra nước ngoài.

Tôi may mắn khi có cơ hội tới Ấn Độ nhiều lần. Tứ động tâm – bốn thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ, là một trong những hành trình tôi thường xuyên dẫn khách đến. Nơi đây ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca. Hàng năm, Tứ động tâm thu hút hàng triệu lượt khách hành hương đến Ấn Độ.

Hôm đó, sau khi chiêm bái tại núi Linh Thứu, cả đoàn di chuyển về lại Bồ Đề Đạo Tràng để nghỉ đêm. Đoạn đường giữa hai điểm này dài khoảng 70 km, qua ba ngôi làng. Do hoang vắng, các bác tài ở Ấn Độ thường lái xe rất nhanh trên tuyến đường này.

Cả đoàn lên xe đều ngủ vì thấm mệt sau một ngày tham quan, trừ tôi. Đang di chuyển, bất thình lình, tôi nghe thấy tiếng va chạm mạnh ở phía đầu xe. Khách vẫn đang nghỉ, còn tôi hoảng loạn không biết tình hình tai nạn thế nào, người dưới đường bị thương ra sao. Trong tích tắc, tôi thấy xe tiếp tục di chuyển. Hướng dẫn viên địa phương nói gì đó với tài xế bằng tiếng Ấn Độ mà tôi không thể hiểu.

Tôi định hình chỗ xảy ra tai nạn là ngôi làng đầu tiên trên hành trình. 15 phút sau, xe đến ngôi làng thứ hai và bất ngờ chứng kiến cảnh người dân địa phương ở đó dùng gỗ để chắn ngang đường. Nhiều người già đứng giữa đường để chặn đầu xe, người trẻ thì ra sức cầm đá ném. Cảm giác sợ hãi, hoang mang bao trùm cả đoàn. Những viễn cảnh tồi tệ nhất bắt đầu xuất hiện.

Tôi lúc đó phải hét lớn: “Anh chị khum đầu hết xuống giùm em”, vì sợ kính vỡ, đá rơi trúng người thì sự việc sẽ càng tệ hơn. Vậy mà tài xế vẫn bất chấp đi tiếp. Xe băng qua con đường nhỏ hẹp, người dân theo quán tính dạt sang hai bên. “Cơn mưa đá” bớt dần rồi biến mất đến khi xe rời khỏi làng.

“Còn một ngôi làng nữa”, tôi thầm nghĩ trong đầu và hỏi HDV địa phương, liệu có phải người dân tức giận vì xe “trốn” khỏi vụ va chạm trước đó không? Người dân ở ngôi làng tiếp theo có phản ứng như vừa rồi nữa hay không. Nhưng sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt chàng trai đôi mươi cho tôi câu trả lời rằng, anh ta cũng không biết chuyện gì đang xảy ra.

Xe tiếp tục đưa chúng tôi đi qua những cánh đồng hoang vắng, tối om. 20 phút sau, xe đột ngột dừng lại. Tài xế và phụ xe nói gì đó với nhau rồi bước xuống. Trong phút chốc, cả hai biến mất trong bóng đêm. Trên xe lúc này chỉ còn tôi, HDV địa phương và 14 du khách. May mắn, các thành viên đều điềm tĩnh, đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tìm cách để thoát khỏi đây. Phía trước là ngôi làng thứ ba.

Trời càng về khuya càng nhiều gió. “Ở đây rất xa trung tâm, cảnh sát tới đây cũng phải mất hơn một giờ”, câu trả lời của HDV địa phương khiến tôi càng thêm lo lắng. Thay vì tiếp tục bàn luận, tôi xin phép mọi người lắng nghe và “theo” mình. Sau cuộc điện thoại về cho công ty ở Việt Nam, tôi để lại hành lý của cả đoàn trên xe. Chúng tôi mang theo vài túi xách nhỏ, đồ vật có giá trị và hộ chiếu.

Theo bản năng, chúng tôi đi bộ men theo con đường chính, trong vô định. Chốc lát lại có một chiếc xe ngang qua. Chúng tôi đi qua ngôi làng thứ ba. Người dân trong làng dường như không biết chuyện gì và vẫy tay chào chúng tôi, những người nước ngoài.

“Nhưng chúng ta không thể cứ đi mãi thế này được”, tôi nói với các thành viên và nhờ HDV địa phương bắt tuk tuk. Phụ nữ được lên xe đi trước cùng HDV địa phương. Tôi cùng hai nhà sư người nước ngoài, một bạn trẻ Việt Nam và một du khách ngoại quốc khác ở lại, tiếp tục đi bộ trong vô định.

Hy vọng loé lên khi chúng tôi bắt gặp một chiếc xe 7 chỗ có dán logo công ty đối tác tại Ấn Độ. Trên xe là một cô gái Thái Lan. Cô cũng đi tour hành hương đến Tứ động tâm và đang trên đường chở đồ đạc, quà từ thiện của du khách về lại điểm tập kết. Câu hỏi đầu tiên khi cửa xe vừa mở ra mà tôi nghe được là: “Các bạn có phải trên chiếc xe vừa gây tai nạn không?”.

Chúng tôi không ai nói lời nào. Vì giỏi tiếng Ấn Độ, cô gái giúp chúng tôi thuê một chiếc xe khác để đến cây xăng cách đó không xa, nơi tôi và HDV địa phương đã hẹn nhau. Khoảng một tiếng sau, chiếc xe 30 chỗ của đối tác tại Ấn Độ đến đón cả đoàn về lại khách sạn. HDV địa phương ở lại giải quyết cũng như lấy hành lý cho các thành viên.

Về đến khách sạn đã quá nửa đêm, chúng tôi không ai ăn gì mà lên phòng, dù việc đi bộ trước đó đã vắt kiệt sức của mọi người. Một nữ du khách trong đoàn lúc đó trách tôi vì sao hành lý chưa đến. Vì sự việc bất ngờ xảy ra, tôi thú nhận đây là lần đầu gặp phải tình cảnh như thế. “Chúng ta không biết người dân ở ngôi làng thứ ba sẽ làm gì”, tôi nói và nhờ vài người khách trấn an giúp cô dần lấy lại bình tĩnh.

Đối với HDV Quốc Kỳ, dù đã đến Ấn Độ nhiều nhưng đây vẫn là một quốc gia huyền bí và khiến anh không thể nào quên được. Trong ảnh, HDV chụp ảnh cùng đoàn khách trong lần đầu tiên đến Ấn Độ.

Đối với HDV Nguyễn Văn Kỳ, dù đã đến Ấn Độ nhiều nhưng đây vẫn là một quốc gia huyền bí và khiến anh không thể nào quên được. Trong ảnh, HDV chụp ảnh cùng đoàn khách trong lần đầu tiên đến Ấn Độ.

Đoạn đường hơn 70 km hôm đó như dài vô tận. Tôi học được bài học lớn không chỉ trong nghề mà còn trong cuộc sống. Thú thật, ngay lúc xe dừng lại ven đường, tôi đã có ý nghĩ muốn bỏ trốn. Tôi đã sợ hãi, lo lắng, nhưng biết mình phải lo cho khách trước và bắt buộc đưa ra quyết định.

Kết thúc hành trình 7 ngày, tôi nghĩ rằng mình sẽ không quay lại Ấn Độ thêm một lần nào nữa. Nhưng chắc vì cơ duyên, tôi vẫn trở lại vùng đất này nhiều lần sau đó.

Phong Vinh ghi

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn