Định kiến về giới khiến các “trai thẳng” ăn mặc đồ nữ tính, phong cách mềm mại thay vì đi theo hình ảnh mạnh mẽ, cứng rắn thường thấy vẫn vấp phải phản đối từ nhóm bảo thủ.
“Có rất nhiều niềm vui khi được chơi đùa với quần áo nên đừng cố giới hạn bản thân. Thỉnh thoảng khi vào các cửa hàng, tôi chỉ thấy mình nhìn chăm chú vào quần áo phụ nữ và nghĩ rằng chúng thật tuyệt vời”, nam ca sĩ Harry Styles (Anh) từng trả lời phỏng vấn về phong cách ăn mặc của bản thân.
Trước đó, anh từng nhiều lần nói bản thân yêu thích việc phá bỏ những định kiến về giới trong thời trang đến mức nào. Từ hình ảnh nam tính quen thuộc với khán giả trước giờ, Harry Styles dần thử nghiệm phong cách mới, với các trang phục nữ tính.
Nam ca sĩ là đại diện cho soft boy (tạm dịch: chàng trai dịu dàng), chỉ nhóm nam giới không theo truyền thống “chuẩn men”.
Ca sĩ Harry Styles (Anh) là một trong số các sao nam nổi tiếng thích mặc quần áo của phái nữ. Ảnh: Politico. |
Làn sóng nam giới dịu dàng
Thuật ngữ soft boy lần đầu xuất hiện vào những năm 2010, nói về những chàng trai theo phong cách dịu dàng, nhạy cảm và có phần ngây thơ. Các chàng trai này thoát khỏi và phá vỡ chuẩn mực nam tính được mặc định sẵn.
Soft boy không đơn giản miêu tả vẻ bên ngoài hay một trào lưu thời trang mà còn thể hiện tính cách, nội tâm bên trong như nhạy cảm, có trí thức, lời lẽ nói năng ngọt ngào.
Ngoài ra, họ thường có những sở thích sáng tạo và thiên hướng về nghệ thuật như nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca.
Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Internet, hình ảnh con trai đi theo phong cách dịu dàng ngày một xuất hiện nhiều hơn. Năm 2019 là thời điểm xu hướng này bùng nổ, phổ biến rộng rãi đối với gen Z trên các mạng xã hội như Instagram, Tumblr và nền tảng chia sẻ video TikTok.
Nhóm nhạc nam BTS nhiều lần xuất hiện với phong cách màu sắc. Ảnh: Billboard. |
Một yếu tố tác động vào xu hướng này phải kể đến nền văn hóa K-pop và mức độ phủ sóng toàn cầu của nó. Chuyện các nam thần tượng Hàn Quốc theo đuổi hình tượng dễ thương, màu sắc đã trở nên quen thuộc, với ví dụ là BTS – nhóm nhạc nam đang nổi tiếng toàn thế giới.
Một số sao nam nổi tiếng ở làng giải trí US-UK gắn với hình ảnh dịu dàng có thể kể đến như Harry Styles, Timothee Chalamet, Jaden Smith và rapper Drake.
Tranh cãi và cấm đoán
Sự rập khuôn cho tính nam trong xã hội như đàn ông phải mạnh mẽ đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ. Trong văn hóa đại chúng và các sản phẩm giải trí, nam giới cũng chủ yếu được khắc họa với hình tượng cứng rắn, bụi bặm hoặc nam tính.
Do đó, khi những chàng trai theo xu hướng mềm mại, nhẹ nhàng nổi trội lên, điều dễ hiểu là chúng vấp phải các phản ứng trái chiều. Các tranh cãi càng gay gắt hơn khi đàn ông chọn diện những trang phục vốn mặc định sẵn cho phái nữ, ví dụ như váy, giày cao gót.
Tháng 11 năm ngoái, Harry Styles trở thành gương mặt trang bìa của tạp chí thời trang danh tiếng Vogue. Cựu thành viên nhóm One Direction khoác lên mình một chiếc váy xếp ly dài lấp lánh và áo khoác tuxedo màu đen điệu đà.
Nam diễn viên Timothee Chalamet cũng đi theo hình tượng nam giới dịu dàng, nhẹ nhàng. |
Đây không phải lần đầu nam ca sĩ diện váy. Trước đó, ca sĩ 27 tuổi từng mặc một chiếc váy đen của thương hiệu Nhật Bản Commes Des Garçons và chụp ảnh cho trang bìa của Guardian Weekend.
Với thế hệ trẻ coi xu hướng phi giới tính là chuyện bình thường, Harry Styles đang đại diện cho họ. Trên thực tế, cách ăn mặc phi giới tính ngày càng phổ biến đối với giới trẻ – thế hệ đang được Vogue nhắm tới.
Tuy nhiên, với những người bảo thủ nổi tiếng, việc đàn ông mặc váy là điều không thể chấp nhận.
Nhà bình luận chính trị Candace Owens phản đối: “Hãy trả lại những chàng trai mạnh mẽ. Không xã hội nào có thể tồn tại nếu thiếu đàn ông nam tính”.
Theo Alexandra Sherlock, giảng viên thời trang tại Đại học RMIT, nam ca sĩ vốn không phải là sao nam đầu tiên mặc váy nhưng vì là một “trai thẳng” được phụ nữ yêu mến, anh càng dễ hứng chịu chỉ trích hơn.
Những câu chuyện xung quanh “nam giới ẻo lả” hay “đàn ông nữ tính” được đem ra bàn luận cùng thời điểm với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Trong khi phong trào nữ quyền đưa phụ nữ thoát khỏi vai trò giới hạn hẹp, giúp các cô gái có thể mặc quần tây, áo vest, thắt caravat và thể hiện góc nhìn mới về nữ tính, tiến sĩ Sherlock nói rằng đàn ông không có sự tự do đó.
“Theo thời gian, chúng ta thấy rằng nam giới phải tuân theo những quan niệm khá hạn chế về ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông thực thụ”.
Tại Trung Quốc, sự cấm đoán với nam giới có phong cách nữ tính thậm chí còn lên mức cực đoan. Đầu tháng 9, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ra văn bản không cho các nghệ sĩ nam có hình tượng “tiểu thịt tươi” xuất hiện trên truyền hình.
Theo Sina, hiện tại trên màn ảnh nhiều vai diễn nam khó phân biệt với nữ giới vì đánh son đỏ, da trắng, thân hình gầy gò, mềm mại. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các bộ phim đam mỹ (tình yêu đồng tính nam) tạo nên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nam tính xảy đến với thế hệ sau.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc từng cảnh báo nam thanh niên nước này đang có xu hướng “nữ tính” trên mức bình thường và thúc giục các trường học khuyến khích các môn thể thao vận động như bóng đá nhằm “trau dồi nam tính cho học sinh”.
Nguồn: News.zing.vn