Người lao động Trung Quốc đang chia sẻ dữ liệu về giờ làm việc của họ trên nền tảng trực tuyến. Nỗ lực này gợi nhớ về chiến dịch năm 2019 chống lại các công ty công nghệ xứ tỷ dân.
Một nhóm nhân viên khu vực tư nhân ở Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch Worker Lives Matter để thu thập thông tin về số giờ làm việc với mục đích phản đối văn hóa làm việc quá sức ở đất nước này.
Theo Bloomberg, chiến dịch trực tuyến đang yêu cầu người lao động trong các ngành khác nhau như công nghệ và tài chính chia sẻ thời gian họ bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, cũng như số ngày đi làm mỗi tuần.
Tính đến ngày 14/10, có hơn 4.000 người nhập dữ liệu, bao gồm nhân viên từ những gã khổng lồ công nghệ như Tencent, Alibaba và ByteDance.
Văn hóa làm việc “996” khét tiếng của Trung Quốc bị phản đối mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ảnh: Gilles Sabrie/Bloomberg. |
Văn hóa làm việc quá sức ở Trung Quốc (được gọi là “996” vì nhân viên thường làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) được các tỷ phú công nghệ từ Jack Ma của Alibaba đến Richard Liu, người sáng lập JD.com, tôn vinh từ lâu.
Tuy nhiên, văn hóa độc hại này được giám sát kỹ lưỡng trong năm nay, thúc đẩy bởi những cái chết liên quan đến làm việc quá sức và sự phàn nàn ngày càng gia tăng trên mạng xã hội.
Với việc Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi đất nước nỗ lực hướng tới “thịnh vượng chung”, các nhà chức trách đã tăng cường cảnh báo người sử dụng lao động hạn chế làm thêm giờ bất hợp lý và các hành vi vi phạm khác.
“Công nhân chúng tôi cũng cần phải sống!”, một người cung cấp dữ liệu cho chiến dịch Worker Lives Matter bày tỏ.
Chiến dịch này lặp lại nỗ lực trước đó của các nhân viên công nghệ nhằm phản đối thời gian làm việc kéo dài. Năm 2019, một nhóm lập trình viên Trung Quốc đã lên nền tảng GitHub để tố các công ty khởi nghiệp ngược đãi nhân viên.
Để đối phó với áp lực ngày càng tăng của dư luận, các công ty Internet bao gồm ByteDance và Kuaishou Technology đã thực hiện các bước ban đầu nhằm giảm bớt giờ làm việc. Đầu năm nay, hai gã khổng lồ video ngắn đã hủy bỏ hệ thống luân phiên, nơi nhân viên chỉ được nghỉ một ngày/tuần sau mỗi 2 tuần.
Nguồn: News.zing.vn