Tuy là một khu lăng mộ đã được công nhận Di tích quốc gia và có tính đặc thù cao về kiến trúc nhưng hiện nay, quần thể di tích này đang bị hư hại nhiều và gần như trở thành một phế tích.
Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải, còn gọi là ấp Thái Hà (nay nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng năm 1893 bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 – 1933). Ông là một đại thần dưới triều Vua Thành Thái thời nhà Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam.
Khu lăng mộ là một quần thể di tích gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ… với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Năm 1962, di tích này đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích quốc gia, nhưng do thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng nên suốt thời gian dài, di tích gần như bị lãng quên, cộng với việc bị người dân chiếm dụng khiến quần thể di tích đã hư hại nhiều.
Lăng Hoàng Cao Khải được xây toàn bộ bằng đá cẩm thạch trắng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8m, cao 6m, bây giờ đã bị biến thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của Công an phường Trung Liệt, ngoài ra khuôn viên bị biến thành bãi đỗ xe, cất đồ bán hàng của chợ cóc.
Phía trước lăng từng có hai hàng lính chầu bằng đá, mỗi hàng gồm 4 người bồng gươm, cao 1,3m, hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền ximăng trùm lên, các phần tai tượng, cánh tay cũng bị sứt mẻ.
Không còn ai ở đây, nên toàn bộ khu vực lăng mộ bị bỏ hoang, hai lăng mộ đá khổng lồ của ông Khải và ông Phu cũng không có người trông nom, hương khói.
Phía sau ngôi mộ của ông Hoàng Cao Khải là mộ của con trai ông, tức Hoàng Trọng Phu. Ông Phu từng du học bên Pháp, có bằng kỹ sư, sau về Việt Nam, được nhà Nguyễn giao cho chức Tổng đốc Hà Đông thay cha.
Những nét hoa văn được chạm trổ trên các cây cột sứt mẻ, biến màu theo thời gian.
Nghệ thuật điêu khắc rồng hết sức tinh xảo.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, khu lăng mộ này có kiến trúc độc đáo, hiếm gặp ở Việt Nam.
Nhiều gia đình “nhảy dù” sống bên trong lăng Hoàng Cao Khải.
Dù phường Trung Liệt cũng vài lần ra quân dỡ bỏ lấn chiếm, dẹp hàng rong quanh khu di tích, song chỉ một thời gian sau, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn.
Không thể có được một bức hình toàn cảnh lăng vì mọi hướng đều bị che khuất bởi những ngôi nhà chen chúc nhau. Sau khi “nhảy dù” vào trong lăng này thì tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày đều diễn ra bên quan tài đá trong lăng mộ.
Nguồn: 24H.COM.VN