Lắng nghe xuân về trên thung lũng Sanchung

0
173

Những bông mai đầu tiên đã nở trên thung lũng Sanchung (Hàn Quốc). Khi tuyết vẫn phủ trắng xóa khắp nơi, sứ giả báo hiệu một mùa xuân về đã xuất hiện với hương thơm tinh khiết và thanh nhã.

Từ thời xa xưa, các vị hiền nhân vẫn coi hoa mai là biểu tượng cho phẩm tiết của người hàn sĩ, dù trong cảnh bần hàn vẫn luôn giữ vững bản chất trong sáng. Hơn nữa, hoa mai luôn nở trước các loài hoa khác, nên còn là biểu tượng cho hình ảnh người quân tử khao khát xóa sạch những bất công bất nghĩa trong xã hội, đem lại một cuộc sống thái bình sung túc cho muôn dân.

Hoa mai tại Sanchung

Hoa mai tại thung lũng Sanchung. (KBS)

Những nho sĩ thời Chosun xưa, những người luôn tôn thờ lễ nghĩa và cốt cách con người, đã dành tình cảm yêu mến trọn vẹn cho loài hoa mai. Trong số những nho sĩ này có một nhà nho lỗi lạc tên gọi là Lý Hoàng. Có một câu chuyện xưa để lại rằng, trước khi từ giã cõi trần, lời trăng trối cuối cùng ông để lại cho thế nhân là lời dặn dò: “Hãy tưới nước cho cây mai của tôi”. Chỉ một lời trăng trối ấy cũng đủ để thấy tình yêu lớn của cuộc đời ông đã dành trọn cả cho hoa mai.

Làng Unni thuộc xã Dansung, tỉnh Sanchung có rặng Chilisan dang rộng cánh tay, ôm gọn và chở che những ngôi ấp trong vòng tay ấm áp của mình. Chùa Dansok nằm giữa bầu không khí ấm cúng bao bọc của ngôi làng.

Ngôi chùa cổ Dansok nổi tiếng từ thời Shilla này đã được các vị cố tăng kế thừa qua ngày tháng. Trong cuộc chiến chống Nhật nổ ra năm Đinh Dậu 1597, ngôi chùa này đã bị lửa thiêu trụi. Giờ đây chỉ còn tháp đá Đông Tây 3 tầng và hai chiếc cột cờ bằng đá đã được lưu vào danh sách bảo vật số 72 và 73 của Hàn Quốc ghi lại dấu tích quá khứ của ngôi đền này.

Đứng tại vị trí hai chiếc cột đá biểu tượng của chùa, phong cảnh ngôi làng hiện lên như một bức tranh trên nền xanh của ngọn núi Dansok, phía xa thấp thoáng hình ảnh ngọn tháp ba tầng, và phía sau nữa là cây mai có tuổi thọ 630 năm. Cảnh đẹp đang chào đón du khách tới đây. Nhìn từ chùa Dansok, những nụ hoa rơi xuống từ đỉnh núi, tạo nên một phong cảnh hết sức ngoạn mục, khiến người xem phút chốc như siêu thoát khỏi cuộc sống nơi trần thế.

Cây mai “Chính đại” trong sân chùa được một vị quan có tên Kang Hoe Baek trồng khi ông học tại đây từ thời niên thiếu, dưới triều đại Goryeo. Sau này ông đã được phong tước quan với danh hiệu “Chính Đại Văn Học”. Chính vì thế mà người ta cũng gọi cây mai này theo tước vị của ông. Cây “Chính đại” lớn lên, già nua rồi mục ruỗng, bên những cành cây mục lại mọc lên những cành nhỏ và đọt non. Hoa mai này không phải là mai đỏ, cũng không phải là mai trắng mà có màu phớt hồng. Dù cho thời gian trôi đi, như đã hẹn từ trước, cứ vào tháng ba mỗi năm, cây mai lại ra hoa. Hương thơm dịu dàng mà tao nhã lại quyến luyến bước chân của du khách.

Rời ngôi chùa Dansok, hương mai vẫn như lẩn quất đâu đây. Lần theo con đường quốc lộ, dạo bộ một quãng ngắn, hiện ra trước mắt ta là bờ suối hình bán nguyệt ôm lấy ngôi làng. Đi hết chiều dài con suối, ngôi làng hiện ra với hàng chục mái nhà ngói nằm chen nhau san sát.

Hoa mai tại Sanchung

Hoa mai nở rộ đón mùa xuân. (KBS)

Những bức tường đá đơn sơ nằm kề sát vai nhau. Nổi bật trên những bức tường đá màu vàng là những gốc mai đang trổ hoa sặc sỡ. Nơi đây chính là ngôi làng Namsa. Làng Namsa này đã có lịch sử 700 năm. Dòng họ Hà Chinyang là dòng họ đầu tiên cư trú tại đây. Sau đó dòng họ Lý Sungju ở đây trong suốt 400 năm và lập thành thôn bản. Ngọn núi phía sau đây có tên gọi là núi Nigu. Sau đó còn có một con sông tên là Sasu. Có nơi còn gọi là Tả Thanh Long, Ngũ Bạch Hổ. Người ta còn gọi đây là Gyo Gu Hyung, có nghĩa là nơi gặp nhau của rồng trống và và rồng mái. Ngọn núi phía trước kia là rồng trống. Ngọn núi phía sau là Igusan được gọi là đầu của rồng mái. Sự hoà hợp của rồng trống và rồng mái như che chở cho ngôi làng.

Làng Namsa là quê hương của học vấn, cái nôi sản sinh của nhiều bậc hiền sĩ. Chính việc người ta lấy tên gọi Nigusan và Sasu – nơi sinh của Khổng Tử để đặt cho các địa danh nơi đây cũng đủ thấy mảnh đất nơi này vốn nổi tiếng là địa danh coi trọng học vấn. Trải qua lịch sử 700 năm, bốn chục ngôi nhà ngói của ngôi làng vẫn bảo tồn nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính của các ngôi nhà truyền thống thời Chosun. Ngôi nhà cổ của dòng học Lý được xây từ thế kỷ 18, ngôi nhà của dòng họ Choi được xây từ năm 1920, vẫn mang vẻ đẹp nho nhã của gia thất một gia đình phú nông. Những ngôi nhà tưởng chừng như đã không còn nữa dưới sự tàn phá của thời gian, nay lại như từ huyền thoại trở về, đậm đà vẻ đẹp cổ kính. 

Trong ngôi nhà cổ của dòng họ Hà có cây mai đằng trước do chính vị quan Won Chung Gong thời Goryeo tự tay trồng. Vì cây mai này đã có từ rất lâu đời rồi nên thân chính của cây đã bị mục ruỗng hết, cành cây lại mọc lên những cây mai khác. Những nụ mai ướt mưa xuân càng điểm tô nét nên thơ cho phong cảnh nơi đây.

Bước ra khỏi cổng ngôi nhà, những con đường gạch đá trải khắp ngôi làng mang dáng vẻ hết sức phong phú. Lần theo những con đường dài khúc khuỷu dẫn ta đi khắp ngôi làng, ta bỗng lắng nghe được hương thơm của một loài hoa quen thuộc. Trong chính cái âm thanh thâm trầm đó có hương thơm trong trẻo của hoa mai. Nếu hoa mai nở vào mùa hè, liệu có nhiều người yêu mến nó như vậy không?

Hoa mai chọn thời điểm mùa đông tuyết rơi để trổ hoa. Những cành mai bền bỉ chống chọi với cái lạnh buốt để khát khao được tỏa hương. Chính vì vậy, hương thơm của hoa mai mang cốt cách hết sức khác biệt. Hương hoa mai có đôi chút bị loãng đi trong không khí mùa xuân. Vì vậy, chút hương còn lại quý báu đó khiến người ta chỉ cần ngửi thấy hương thơm là tìm ra được hoa mai. Hương hoa mai thật đặc biệt, vừa ngào ngạt, vừa đằm thắm mà tao nhã.

(Theo KBS Vietnamese)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn