ĐH Kinh tế TP.HCM ra mắt 3 trường thành viên và giới thiệu bộ máy lãnh đạo nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập.
Sáng 27/10, ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập và đánh dấu mốc mới với việc ra mắt 3 trường thành viên.
Trường Kinh doanh UEH đào tạo nhân lực, nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao tri thức mới trong lĩnh vực Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, Kế toán – Kiểm toán, Du lịch, Khách sạn, Thể thao và Dịch vụ.
Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH đào tạo nhân lực, nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao tri thức mới trong lĩnh vực Kinh tế và hành vi, Tài chính công, Quản lý nhà nước, Pháp luật, Môi trường.
Trường Công nghệ và thiết kế UEH đào tạo nhân lực, nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao tri thức mới trong lĩnh vực Toán, Thống kê, Hệ thống thông tin kinh tế, Khoa học dữ liệu, Công nghệ, Máy tính, Đổi mới sáng tạo, Kiến trúc, Quy hoạch, Thiết kế.
ĐH Kinh tế TP.HCM ra mắt 3 trường thành viên và giới thiệu lãnh đạo các trường. Ảnh: UEH. |
Trong giai đoạn lâm thời mới thành lập, ĐH Kinh tế TP.HCM phân công GS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng nhà trường kiêm phụ trách trường Kinh doanh và trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước.
PGS.TS Bùi Thanh Tráng, Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing của ĐH Kinh tế TP.HCM, giữ chức hiệu phó trường Kinh doanh.
Đối với trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, TS Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý Nhà nước, Viện trưởng Viện Chính sách công của ĐH Kinh tế TP.HCM, đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng. TS Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng.
TS Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, được phân công điều hành trường Công nghệ và Thiết kế. PGS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Kinh tế TP.HCM, đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng trường Công nghệ và Thiết kế.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, hy vọng ĐH Kinh tế TP.HCM tiếp tục có những đóng góp ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả trong các lĩnh vực có thế mạnh về Kinh tế, Quản lý, Kinh doanh, Luật, giúp cho thành phố có những chính sách đột phá trong quá trình phát triển thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực.
Ông Phan Văn Mãi đặt ra vấn đề văn hóa của kinh tế đối với ĐH Kinh tế TP.HCM. Ảnh: UEH. |
Ông Mãi cho rằng chiến lược tái cấu trúc, thành lập 3 trường thành viên là dấu mốc lớn của ĐH Kinh tế TP.HCM. Thành công của chiến lược này tác động đến sự phát triển của nhà trường, ảnh hưởng đến nền giáo dục đại học của cả nước.
“Câu hỏi lớn nhất là làm gì để thế hệ tương lai nắm chắc những kỹ năng mới, thành công trong xã hội. Làm gì để TP.HCM đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phía Nam và cả nước. Làm thế nào để sinh viên không chỉ thành đạt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và hạnh phúc trong cuộc sống?”, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề.
Chủ tịch thành phố mong muốn nhà trường chú ý đến phương diện văn hóa của kinh tế, làm sao để giá trị kinh tế song hành với giá trị văn hóa. Đất nước vừa giàu mạnh về kinh tế vừa phong phú, đẹp đẽ về giá trị tinh thần như nghĩa đồng bào, lòng nhân ái, trách nhiệm phục vụ cộng đồng.
Nguồn: News.zing.vn