Lào Cai khai thác tuyến, điểm du lịch mới

0
Lào Cai khai thác tuyến, điểm du lịch mới

Được đánh giá là một trong những điểm du lịch danh tiếng của miền Bắc với thắng cảnh đẹp cùng nền văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc thiểu số khiến doanh thu du lịch Lào Cai không ngừng tăng qua các năm.

Theo số liệu thống kê, 8 tháng năm 2012, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt 717.610 lượt khách, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khách quốc tế đạt 262.532 lượt, khách nội địa tăng 5,1%, tổng doanh thu tăng 43,3%.
 

Để thu hút du khách hơn nữa, đặc biệt là lượng khách quốc tế thì cần khai thác tốt tiềm năng từ những tuyến, điểm du lịch mới.

Từ năm 2008 đến nay, Lào Cai đã phát triển 17 điểm du lịch và 12 tuyến du lịch cộng đồng tại huyện Sa Pa và Bắc Hà. Trong đó có 4 tuyến du lịch được khai thác vĩnh viễn và 8 tuyến thử nghiệm trong khoảng 2 – 3 năm. Các tuyến du lịch thử nghiệm được đánh giá là có sức hấp dẫn với du khách nước ngoài như tuyến Sa Pa – Bản Xèo – Mường Hum – Ý Tý – A Lù – A Mú Sung – Trịnh Tường – thành phố Lào Cai; tuyến thành phố Lào Cai – Bắc Hà – Cán Cấu – Si Ma Cai – Cốc Mế – sông Chảy – Cốc Ly.
 

Sau huyện Sa Pa, Bắc Hà, tuyến du lịch khám phá vòng cung Bát Xát với các địa danh mới được du khách ưa thích với hình thức “du lịch bụi”. Là huyện vùng cao tập trung chủ yếu 5 dân tộc sinh sống: Mông, Dao, Giáy, Kinh, Hà Nhì, huyện Bát Xát có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Tại đây có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, như cầu Thiên Sinh (Ý Tý), địa danh Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt; du lịch rừng già Dền Sáng, Ý Tý; hang động Mường Vi và nhiều làng nghề truyền thống. Năm 2011, UBND tỉnh đã công nhận một số tuyến, điểm du lịch thử nghiệm tại Bát Xát. Huyện Bát Xát xác định phát triển kinh tế du lịch là quan trọng, được đưa vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các xã. Các chương trình lồng ghép với phát triển du lịch lần lượt được triển khai. Một số lễ hội truyền thống của người dân bản địa được huyện tổ chức quảng bá rộng rãi, tạo sản phẩm du lịch độc đáo. Nhằm cải tạo cảnh quan thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch, UBND huyện Bát Xát có kế hoạch trồng hơn 1.000 cây gạo dọc tuyến đường ven sông Hồng thuộc các xã Trịnh Tường, A Mú Sung và 3.000 cây đào tại xã Ý Tý.

Huyện Si Ma Cai cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bởi khí hậu mát và nơi đây rất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách nước ngoài luôn bị hấp dẫn với tour du lịch đến Si Ma Cai với chợ phiên Cán Cấu rực rỡ sắc màu; ngắm nhìn dãy núi Quan Thần Sán có độ cao 2.800m, không kém nóc nhà Đông Dương là mấy. Nét hoang sơ của Si Ma Cai và việc khai thác các tuyến, điểm mới đang mở ra cho “vùng đất đá xám” này cơ hội phát triển mạnh trong tương lai. Hiện các tuyến, điểm du lịch mới đã được công nhận hoặc đang trong thời gian thử nghiệm đều dưới hình thức du lịch cộng đồng, homestay (là loại hình du lịch mà du khách được ở và sinh hoạt chung nhà với người dân bản xứ như thành viên trong gia đình).

Theo ông Lê Văn Tiến, phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai), đánh thức tiềm năng những tuyến, điểm du lịch mới là rất cần thiết nhằm giảm tải cho các thắng cảnh du lịch quen thuộc và tạo ra sức hấp dẫn mới cho du lịch Lào Cai. Để thực hiện tốt chủ trương này, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân địa phương về kinh tế du lịch, tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng, nhất là cơ sở lưu trú homestay.

Trong đề án phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015, đến năm 2015, tỉnh sẽ phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch ước khoảng 8.500 người, mức chi tiêu bình quân của du khách ước khoảng 650.000 đồng/ngày.

Khai thác hiệu quả tuyến, điểm du lịch mới là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Lào Cai đạt mục tiêu này.


 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn