Nhờ phát triển du lịch, trong những năm gần đây, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đổi thay, kinh tế của người dân phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Mô hình homestay của anh Vàng Seo Chô ở xã Bản Phố
Nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà chừng 3 km, xã Bản Phố với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, đặc sản rượu ngô, mận Tam hoa… trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách. Nhiều năm nay, người dân trong xã đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, duy trì các làng nghề nấu rượu truyền thống, nghề rèn lưỡi cày, dệt thổ cẩm và làm nông nghiệp phục vụ du lịch, nhiều hộ trên địa bàn xã đã có nguồn thu nhập ổn định.
Tốt nghiệp trung cấp du lịch năm 2011, làm nhiều ngành nghề không hiệu quả, đến năm 2017, sau khi học thêm ngoại ngữ, anh Vàng Seo Chô, ở thôn Phéc Bủng 2, xã Bản Phố đã gom vốn và vay thêm bạn bè để đầu tư gần 1 tỷ đồng làm Chô homestay (2 phòng đơn, 4 phòng đôi, 1 phòng tập thể) đón khách du lịch. Chô homestay được thiết kế trên khuôn viên rộng, có lầu vọng cảnh, non bộ… bên cạnh 1 ha mận Tam hoa đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Cùng với đó, homestay còn có khu nhà hàng, khu ẩm thực với thực đơn phong phú, gồm những món ăn kiểu châu Âu, châu Á và các món ăn truyền thống bản địa như gà nướng, khâu nhục, thắng cố, thịt lợn “cắp nách”… để du khách lựa chọn, trải nghiệm.
Anh Vàng Seo Chô cho biết: Khách đến lưu trú đa phần là người nước ngoài. Nhờ phong cảnh đẹp, thân thiện nên ngày nào homestay cũng có khách đặt phòng, nhiều hôm kín phòng, tôi phải hướng dẫn khách sang homestay khác. Nhờ cung cấp dịch vụ du lịch mà cuộc sống gia đình tôi không còn khó khăn như trước. Tôi muốn ngày càng có đông du khách tới thăm những vườn mận, bản làng, để họ hiểu thêm về văn hóa người Mông và giúp người dân có thêm thu nhập từ du lịch.
Đánh giá về tác động của du lịch, ông Giàng Seo Dế, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phố cho biết, nhờ du lịch mà đời sống của nhiều gia đình trong xã ngày càng được cải thiện. Người dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách. Xã Bản Phố xác định du lịch là hướng đi bền vững góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nên luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Xã Tả Phìn (huyện Sa Pa) cũng là một trong nhiều địa phương điển hình có sự đổi thay nhờ phát triển du lịch. Theo đánh giá của UBND xã, những năm qua, du lịch, dịch vụ trên địa bàn có bước phát triển nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân. Hạ tầng du lịch, dịch vụ của xã từng bước được đầu tư, nâng cấp và cải thiện, các mô hình du lịch hình thành và phát triển mạnh. Xã có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 27 cơ sở homestay, 18 cơ sở kinh doanh ẩm thực, 38 hộ bán lẻ hàng hóa, 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc. Nhờ du lịch, nhiều hộ ở Tả Phìn đã thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Lý Láo Ú, ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn là một trong hàng chục hộ thoát nghèo thành công nhờ làm du lịch. Anh Ú sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh chị em. Nhận thấy du lịch là “mảnh đất màu mỡ”, anh tự mày mò học tiếng Anh để trở thành hướng dẫn viên du lịch. Nghề hướng dẫn viên mang lại cho anh mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Năm 2018, anh mạnh dạn vay tiền đầu tư thêm mô hình homestay, nhờ đó, cuộc sống gia đình dần ổn định. Năm 2018, gia đình anh Ú đã thoát nghèo. Anh Ú tâm sự: Tôi có được cơ ngơi như hôm nay đều nhờ làm du lịch. Hy vọng homestay của tôi ngày càng đông khách để gia đình tôi có thêm thu nhập, vươn lên làm giàu.
Ông Đỗ Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn khẳng định: Du lịch đã và đang đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Xã Tả Phìn hiện có khoảng 70 hộ, tương đương 10% số hộ của xã, tham gia làm du lịch, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Du lịch mang lại thu nhập khá cho một số hộ, nhiều hộ đã thoát nghèo, xây được nhà ở khang trang.
Ngoài xã Bản Phố và Tả Phìn, nhiều xã khác trong tỉnh như Tả Van, Lao Chải, Sử Pán (huyện Sa Pa); Y Tý (huyện Bát Xát); Thải Giàng Phố, Tà Chải, Na Hối (huyện Bắc Hà)… cũng đang đổi thay nhờ phát triển du lịch. Theo thống kê của ngành du lịch, trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng du khách đến Lào Cai đạt hơn 2 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 8.475 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 300 cơ sở homestay. Các huyện phát triển mạnh du lịch cộng đồng là Sa Pa, Bát Xát và Bắc Hà.
Tại các địa phương phát triển mạnh du lịch cộng đồng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, kinh tế – xã hội phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, cần hơn nữa những dự án, chương trình đầu tư để ngành du lịch phát triển bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn