‘Last Night in Soho’ – hình ảnh đẹp nhưng kịch bản yếu

0
56

“Last Night in Soho” là tác phẩm mới của đạo diễn tên tuổi Edgar Wright với sự tham gia của minh tinh trẻ Anya Taylor-Joy.

*Bài viết tiết lộ nội dung phim

Edgar Wright, đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim hài như Shaun of the Dead, Hot Fuzz… với phong cách làm phim riêng vừa ra mắt bộ phim kinh dị tâm lý đầu tiên – Last Night in Soho. Tác phẩm có dàn diễn viên tài năng như Anya Taylor-Joy, Thomasin McKenzie, Matt Smith vừa công chiếu tại rạp và nhận được sự chú ý của giới chuyên môn lẫn khán giả.

Nhà văn nổi tiếng ở thể loại tiểu thuyết kinh dị tâm lý Stephen King cũng khen ngợi bộ phim trên tài khoản Twitter của ông.

Anya Taylor-Joy,  Last Night in Soho,  Edgar Wright,  phim kinh di anh 1

Thomasin McKenzie và Anya Taylor-Joy là hai ngôi sao chính của phim. Ảnh: IMDB.

Hình ảnh đẹp, âm nhạc bắt tai

Phim mở đầu bằng câu chuyện cô gái trẻ Eloise (Thomasin McKenzie đóng) chuyển tới ngôi trường thời trang mơ ước ở London. Tuy nhiên, do tính cách khác biệt, Eloise sớm bị bạn bè bắt nạt và buộc phải chuyển ra ngoài thuê nhà. Eloise tìm thấy một căn hộ như ý ở khu Soho, hợp với sở thích cổ điển của mình và nhanh chóng dọn vào.

Tại đây cô thường mơ tới Sandi/Alexandra (Anya Taylor-Joy), một cô gái trẻ trạc tuổi, là ca sĩ triển vọng sống ở thập niên 1960. Eloise tìm thấy sự đồng cảm với Sandie khi họ cùng chung mục đích tìm cơ hội thành đạt ở London đầy cạm bẫy.

Mỗi đêm trong giấc mơ, Eloise trở lại quá khứ và chứng kiến cuộc sống của Sandie và những đau khổ mà Sandie phải trải qua để được làm ca sĩ nổi tiếng, đặc biệt là những đêm tình với nhiều đàn ông và bị tay quản lý Jack (Matt Smith) điều khiển.

Anya Taylor-Joy,  Last Night in Soho,  Edgar Wright,  phim kinh di anh 2

Đạo diễn Edgar và các diễn viên trên phim trường. Ảnh: IMDB.

Điểm sáng đầu tiên của phim là phần âm nhạc. Edgar Wright trình diễn thế mạnh trong việc sử dụng âm nhạc kết hợp với dựng phim để thúc đẩy câu chuyện.

Anh tiếp tục sử dụng âm nhạc để mở đầu phim, giới thiệu nhân vật. Vị đạo diễn người Anh chọn âm nhạc trong những phân đoạn đánh dấu chuyển biến câu chuyện và nói lên tâm tư nhân vật. Nhà làm phim Baby Driver muốn làm nổi bật không khí của quá khứ bằng chính âm nhạc, đem lại cảm giác hư ảo giấc mơ.

Edgar từng chia sẻ bố mẹ anh có một bộ sưu tập đĩa nhạc thập niên 1960 và niềm đam mê với âm nhạc xưa là do anh được thừa kế từ họ. Edgar cũng bàn bạc với Quentin Tarantino – đạo diễn nổi tiếng với sở trường âm nhạc, khi chọn ca khúc lên phim. Quentin cũng chính là người gợi ý cho anh đặt tiêu đề phim theo ca khúc Last Night in Soho.

Phần hình ảnh được chăm chút nhờ vào sự kết hợp ăn ý giữa thiết kế bối cảnh, phục trang, đi kèm âm nhạc để thể hiện không khí đêm nhạc ở London những năm 1960. Khung cảnh London được tái hiện hào nhoáng trong các hộp đêm, quán nhạc và đầy cạm bẫy, nguy hiểm trên đường phố.

Đạo diễn cũng sử dụng gam màu đỏ để báo hiệu sự nguy hiểm, đây vốn là kỹ thuật quen thuộc được sử dụng trong phim kinh dị.

Hai nhân vật chính Eloise và Sandie nổi bật trong những thiết kế cổ điển. Riêng nhân vật ca sĩ Sandie được chăm chút trong những bộ váy đặc biệt, kiểu tóc búi lửng vàng mang đậm vóc dáng của Brigitte Bardot. Để chuẩn bị cho vai diễn, Anya Taylor-Joy đã tăng vài kg, hợp phong cách gợi cảm ở thập niên 1960.

Khác với những tác phẩm trước, trong bộ phim tâm lý rùng rợn đầu tiên, Edgar Wright không sử dụng những cú cắt nhanh và lia máy để chuyển cảnh. Thay vào đó, nhà làm phim đem lại những màn chuyển cảnh nhịp nhàng giữa 2 nhân vật Eloise và Sandie bằng công nghệ của camera lẫn hỗ trợ từ CGI.

Phim đẹp nhưng kịch bản yếu

Ngoài sự tham gia diễn xuất của nữ hoàng phim kinh dị mới Anya Taylor-Joy, Last Night in Soho nhận được sự quan tâm từ giới yêu phim nhờ tên tuổi đạo diễn Edgar Wright. Nhiều người tò mò bởi đây là bộ phim kinh dị tâm lý đầu tiên của anh.

Anya Taylor-Joy,  Last Night in Soho,  Edgar Wright,  phim kinh di anh 3
Last Night in Soho lộ ra nhiều sơ hở về mặt kịch bản. Ảnh: IMDB.

Phần hình ảnh và âm nhạc tốt, diễn xuất của dàn cast tròn vai, nhưng Last Night in Soho lộ ra nhiều điểm yếu về mặt kịch bản.

Phần đầu của phim có nhịp điệu nhanh gọn nhưng bắt đầu dàn trải ở giữa phim, cao trào cũng không đủ mạnh so với phần dàn dựng trước đó. Câu chuyện khá yếu, một vài phân đoạn thừa thãi và nhiều tình tiết lặp lại không cần thiết.

Nhiều hành động của nhân vật chính Eloise diễn ra khá mơ hồ, không có mục đích cụ thể cho câu chuyện chung. Phim dành nhiều thời lượng để đẩy cảm xúc cho Eloise sẽ là thách thức cho khán giả thiếu kiên nhẫn. Không ít người xem thắc mắc khi Eloise phải chạy quá nhiều mà không có mục đích cụ thể.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển nhân vật diễn ra khá đột ngột. Ở phân đoạn Eloise đến trình báo cảnh sát, chi tiết này được cho là sự chuyển tông phim đột ngột từ rùng rợn sang hài hước, đặc biệt ở cuối phim khi nhân vật bỗng dưng thay đổi quyết định lớn.

Ngoài ra, dàn nhân vật phụ có tính cách một chiều, mờ nhạt. Ví dụ người bạn trai của Eloise dễ dàng tin vào câu chuyện gặp ma của cô mà không chút nghi ngờ.

Nhiều nhà phê phim nhận xét cũng giống tiểu thuyết của Stephen King, câu chuyện trong Last Night in Soho được cài cắm, xây dựng tốt nhưng đến cuối phim lại xử lý yếu kém, khó thỏa mãn người xem.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn