Báo cáo mới của Lầu Năm Góc cho biết việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc nhằm mục tiêu vượt qua bất cứ rào cản nào trong nỗ lực đoạt lại Đài Loan vào năm 2027.
Báo cáo được công bố hôm 3/11 của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với dự đoán và dần thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Theo đó, Trung Quốc có khả năng có 700 đầu đạn hạt nhân có thể chuyển giao vào năm 2027 và đạt 1.000 đầu đạn vào năm 2030, AFP đưa tin.
Kho vũ khí này lớn gấp 2,5 lần so với những gì Lầu Năm Góc dự đoán cách đây một năm. Một năm trước, báo cáo của Lầu Năm Góc về Trung Quốc cho biết nước này có khoảng 200 đầu đạn có thể chuyển giao và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Trung Quốc “đang đầu tư và mở rộng số lượng các cơ sở phân phối hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết”, theo đánh giá được đưa ra trong báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội về các diễn biến quân sự Trung Quốc.
Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo DF-41 trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước ở Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Giống Mỹ và Nga, Trung Quốc đang xây dựng “bộ ba hạt nhân”, gồm tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân và máy bay chiến lược có khả năng mang bom, tên lửa hạt nhân.
Báo cáo cho biết Trung Quốc có thể không tấn công vô cớ nhằm vào nước có vũ khí hạt nhân – chủ yếu là Mỹ – nhưng muốn ngăn chặn các cuộc tấn công từ những nước khác bằng cách duy trì khả năng đe dọa trả đũa.
Dù vậy, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết việc Trung Quốc tăng tốc trang bị vũ khí hạt nhân “rất đáng lo ngại” đối với nước này.
Điều này làm gia tăng lo ngại về một cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.
Báo cáo mới của Mỹ cho biết việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc nhằm mục tiêu vượt qua bất cứ rào cản nào trong nỗ lực đoạt lại Đài Loan vào năm 2027, bằng sức ép hoặc vũ lực.
Theo đó, đến năm 2027, Trung Quốc đặt mục tiêu có “khả năng chống lại quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và buộc lãnh đạo Đài Loan phải ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện của Bắc Kinh”.
Báo cáo cũng đặt câu hỏi về mục đích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong việc nghiên cứu sinh học các chất có khả năng sử dụng cho cả y tế và quân sự, làm dấy lên lo ngại về việc tuân thủ hiệp ước vũ khí hóa học và sinh học toàn cầu.
Nguồn: News.zing.vn