Lễ hội chọi bò Xuân ở Cao Bằng

0
199

Ở Cao Bằng, cứ mỗi dịp xuân về bà con các dân tộc vùng cao lại náo nức về trẩy hội thi bò chọi ở các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm và Thông Nông. Đối với đồng bào dân tộc Mông, chọi bò là nét văn hóa truyền thống và là ngày hội trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện sự cần cù lao động, sáng tạo trong một năm làm việc vất vả.

Theo quan niệm, con bò gắn bó với người Mông sống trên núi, rừng rậm có nhiều thú dữ. Để bảo vệ cho mình và gia chủ, con bò thường xuyên đấu đọ sức với thú dữ… hình thành bản năng vào trận nếu có đối thủ đe dọa. Vì vậy, người Mông quý bò, chọn gỗ chắc, xẻ ván bưng làm chuồng bò sạch, đẹp và chăm sóc cẩn thận. Việc chọn bò, huấn luyện bò được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau.

Hội thi chọi bò được tổ chức trong niềm mong đợi của người dân và sự háo hức của những người chăn nuôi bò tại vùng đất có nhiều “vua bò” nhất tỉnh.

Hội thi là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của những người chăn nuôi bò, đồng thời là “đấu trường” với những trận đấu kịch tính, hấp dẫn của những chú bò u đực. Sau một vòng tham quan, chiêm ngưỡng những chú bò đẹp, thân hình có sự hài hòa giữa các phần đầu và cổ, thân và vai… đông đảo khán giả tập trung chủ yếu tại đấu trường dành cho chọi bò. Những con bò được chủ bò dẫn vào sàn đấu trong tiếng reo hò vang dậy của hàng nghìn khán giả. Có trận đấu diễn ra vẻn vẹn chưa đến 1 phút bởi sự dũng mãnh, nhanh nhẹn và mạnh mẽ của những con bò đã được huấn luyện, nhưng cũng có nhiều trận đấu diễn ra nảy lửa kéo dài 10 – 15 phút với nhiều miếng chọi hấp dẫn… tất cả đều tạo nên không khí vô cùng sôi động.

Là một người đã giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi chọi bò trước, ông Đào Duy Thắng, xóm Lũng Rản, xã Mã Ba (Hà Quảng) cho biết: Để có một chú bò chọi tốt, việc đầu tiên người chăm sóc, huấn luyện quan tâm là đôi mắt và cặp sừng. Một con bò chọi đẹp, giỏi phải là con bò được sống trong môi trường tự nhiên sạch sẽ. Đối với những con bò non nên chọn những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có khung xương to, vững chắc, lông, da bóng mượt. Trong quá trình chăn nuôi, phải làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại và luôn chủ động về nguồn thức ăn.

Theo ông Ngô Văn Dé, xóm Lũng Hoài, xã Hạ Thôn (Hà Quảng), là người có bò đoạt giải nhất trong Hội thi bò chọi năm 2017, Hội thi chọi bò là dịp để trao đổi kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, tạo sức bật cho phong trào sản xuất chăn nuôi. 

Cũng như Lễ hội chọi bò ở huyện Hà Quảng, Hội chọi bò huyện Bảo Lâm được tổ chức vào ngày 18 – 20 tháng Giêng, còn Hội chọi bò ở huyện Thông Nông tổ chức vào ngày 26 tháng Giêng hằng năm. Người Mông có sở thích, đam mê, nhà nào có bò to khỏe thì tự tìm nhau, dắt bò đi chọi vào khi nông nhàn và Tết tháng Giêng. Trước kỳ thi đấu, cho bò nghỉ dưỡng sức 1 – 2 tháng, ăn ngô hạt. Bò chọi được thi đấu nhiều sẽ rất tinh khôn, biết lượng sức mình trước đối thủ. Vào trận đấu, bò chọi khôn sẽ nhử, vờn cho đối phương ra sức tấn công trước, đến khi mệt thì nó tấn công quyết liệt để hạ “đo ván”. Đồng thời bò chọi thi đấu biết nghe tín hiệu của chủ…

Nét độc đáo tại Lễ hội chọi bò các huyện là những chú bò chọi sau khi kết thúc lễ hội sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo cày bừa, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau trổ tài. Đây cũng là dịp để các chủ bò thể hiện khả năng của mình trong quá trình chăn nuôi và huấn luyện bò chọi. Một số con bò đoạt giải được nhiều người tìm mua với giá 70 – 80 triệu đồng/con; hoặc đến xin giống để nhân đàn.

Thực tế tại các địa phương, việc phát triển đàn và bán ra thị trường mang lại thu nhập cao. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thành phong trào, hội thi chọi bò Xuân góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi bò… Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp đã tập trung các nguồn vốn, vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ voi… để thúc đẩy chăn nuôi trong đồng  bào. Năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 115.000 con bò, tăng 2,69% so với năm 2016… Từ chăn nuôi bò, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

Hội chọi bò xuân của các địa phương đã trở thành ngày hội truyền thống nhằm tôn vinh những hộ nông dân chăn nuôi giỏi và là dịp để người chăn nuôi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nuôi bò, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo tại địa phương. 

Minh Tuyền

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn