Dân làng mổ trâu lấy da làm trống từ sáng sớm, tối đến sau phần lễ khi trống bị đánh vỡ cũng là lúc những đôi trai gái được tự do kéo nhau vào rừng hẹn hò, tình tự.
Ngày 16 tháng Giêng hàng năm đồng bào dân tộc Ma Coong từ 18 bản làng sống ở vùng biên giới Việt – Lào kéo về xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình để tham gia lễ hội đập trống. Đây là lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi người dồi dào sức khỏe và cũng là cơ hội cho các bạn trẻ hẹn hò do các bản làng nằm cách xa, người dân phải đi bộ một quãng đường dài mới gặp được nhau.
Video: Thanh niên đánh trống trong lễ đập trống Ma Coong. Nguồn: Chau A Nguyen.
Bà con dân bản từ sáng sớm sẽ chọn ra một con trâu hoặc bò khỏe để mổ lấy da làm mặt trống. Phần lễ được tổ chức tại một bãi sân trống, có cây cổ thụ để mọi người dựng nhà tranh nhỏ treo chiếc trống mới lên. Mâm cúng Giàng gồm rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, thân cây đoác, một ít lúa gạo… Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như vậy. Người nhà của các già bản chịu trách nhiệm chuẩn bị mâm cỗ cúng Giàng.
Sau vài lượt cúng khấn, già làng phát lệnh và đêm hội đập trống bắt đầu. Dân bản và khách tham dự cũng ùa vào cùng cố tranh nhau đập trống. Dụng cụ đánh trống là những sợi mây tươi, người này đánh nát roi mây thì tới người khác. Đây còn gọi là đêm “thả cửa” vì khi mặt trống vỡ, các đôi trai gái được tự do kéo vào rừng hẹn hò, tình tự bên nhau, có những đôi thành vợ, thành chồng cũng từ đây.
Người dân bản đánh trống theo nhịp rất hay với những roi mây, thường tới khuya trống mới vỡ. Tuy nhiên, vài năm gần đây người dân, du khách vùng khác tham gia và sử dụng các loại cây gỗ to làm trống nhanh vỡ hơn, buộc những người quản lý phải ngăn chặn để giữ gìn bản sắc vốn có của lễ hội.
Nguồn: Vnexpress.net