Lên Bắc Kạn, thăm đồn chiến thắng Phủ Thông

0
Lên Bắc Kạn, thăm đồn chiến thắng Phủ Thông

Thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là thung lũng nhỏ nằm dưới chân núi Phja Bjoóc nhưng chứa trong mình là cả kho tàng lịch sử hùng tráng một thời chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Gần 80 năm trôi qua, trận công đồn Phủ Thông là dấu ấn không thể phai mờ với chứng tích còn đó – Khu di tích lịch sử Đồn Phủ Thông.


Đường về Phủ Thông giờ đây như tấm lụa thênh thang và đẹp đẽ. Xe cộ tấp nập nối những chuyến hàng ngược xuôi. Chúng tôi từng đôi lần đi qua đây và ấn tượng bởi những đồng ruộng, ao cá, vườn rau xanh ngát, hoa trái theo mùa, vẻ đẹp ấm no ấy là sự hiện thân của một vùng đất đai trù phú. Chỉ chưa đầy ba mươi phút chạy xe từ TP Bắc Kạn theo Quốc lộ 3 hướng Cao Bằng, rẽ vào đường 128 từ Phủ Thông đi Chợ Rã, chúng tôi đã đến Khu di tích lịch sử Đồn Phủ Thông. Toàn bộ khu vực này là núi đất, có độ cao từ 300m đến 400m, xen kẽ giữa đồi núi và ruộng nước. Đồn được xây dựng trên mỏm đồi nhô ra của núi Nà Cót, cách ngã ba Phủ Thông – Bắc Kạn – Chợ Rã khoảng 300m.

Tiết trời se sắt quyện vào không gian trầm mặc, linh thiêng của khu di tích gợi cho chúng tôi chút hoài cổ, niềm tự hào dâng lên, lại bồi hồi nhớ về câu thơ: “Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa thu đã hết rồi” trong bài “Khâu áo” của nhà thơ Nông Quốc Chấn, bởi lẽ bài thơ được viết trong bối cảnh lịch sử của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ngay dưới chân núi Phja Bjoóc. Dãy núi này hùng vĩ và phong phú về lâm thổ sản, khoáng sản cũng như vị trí địa lý có vai trò quan trọng với phong trào cách mạng nước ta. Núi Phja Bjoóc còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho tên gọi là núi Cứu Quốc. 

Du khách tham quan và dâng hương tại Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông. Ảnh: Ngân Hương 

Rảo bước nơi khu di tích, sự đồng vọng thiêng liêng từ đất đai, cổ thụ cất lên trong ánh nắng sớm, bầu trời như càng thêm trong, những tán cây càng thêm xanh hơn giữa khung cảnh của phố núi yên bình. Bao quanh khu di tích là những cây tếch cao lớn được trồng cách đây hơn nửa thế kỷ, vượt qua khắc nghiệt nắng mưa rồi phương trưởng, vạm vỡ với tầng tán lá xòe rộng lừng lững, kiên cường. Ngay bên cạnh khu di tích là nghĩa trang Phủ Thông, nơi hàng trăm ngôi mộ anh hùng liệt sĩ nằm lặng lẽ dưới tán cây, những người đã để lại máu xương, cho đất lành cây xanh, cho bình yên chim hót…

Chúng tôi gặp cựu chiến binh Đào Xuân Hậu, là người địa phương được giao trọng trách trông coi khu di tích. Ở tuổi 70, ông có vóc dáng nhanh nhẹn và sự thông tuệ, đầy tâm huyết. Ông Hậu ngoài việc bảo vệ, làm sạch cảnh quan khu di tích, vẫn thường say sưa kể lại chân thực, chính xác mỗi khi có ai đó hỏi về trận công đồn Phủ Thông. Ông Hậu cho hay: “Trước khi Đồn Phủ Thông được công nhận là di tích lịch sử, tại nền đất này là trường học cấp 1, 2 của thị trấn Phủ Thông”. 

Đồn Phủ Thông hình chữ nhật, dài 100m, rộng 50m, cổng chính ở phía Nam. Tường bao quanh đồn được đắp bằng đất nện, dày 1m, cao 2m, trong và ngoài tường có ghép gỗ và cọc tre già, có nhiều lỗ châu mai bắn ra từ các phía; 4 góc đồn có 4 lô cốt xây bằng gạch đá. Ngoài tường bao quanh đồn có 3 lớp hàng rào tre nứa, mỗi lớp cách nhau 3-4m, lớp trong cùng cách tường 10m, riêng phía Nam có một hàng rào dây thép gai. Trong đồn có nhà chỉ huy, nhà kho, đài quan sát, hầm bí mật, lỗ châu mai, cột cờ ở các hướng xung quanh.

Chúng tôi theo chỉ dẫn của ông Hậu chứng kiến những dấu tích còn sót lại. Với sự biến động không ngừng của thời gian, giờ đây khu di tích chỉ còn nền và một vài đoạn chân tường. Lịch sử ghi lại rằng, tại đây, quân ta đã 3 lần tập kích tấn công đồn Phủ Thông, đây là trận công đồn đầu tiên cấp tiểu đoàn khẳng định bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời là cuộc tập dượt, rút kinh nghiệm để sau này đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954. Trận tập kích lần thứ ba là trận đánh có quy mô lớn nhất do Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam chỉ đạo. Trận đánh diễn ra tối 25-7-1948 của Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 308 do đồng chí Vũ Yên chỉ huy, phối hợp với Tiểu đoàn 55 và Đại đội Ba Bể thực hiện bằng hỏa lực mạnh, tiêu diệt và làm bị thương 3/4 quân số địch, phá hủy hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn. Về phía ta, 109 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Trận đánh này đã tạo sức ép khiến cho quân địch phải rời khỏi thị xã Bắc Kạn. Trận đánh được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, Tiểu đoàn 11 được mang tên Tiểu đoàn Phủ Thông.

Sau này, đánh giá ý nghĩa của trận ngày 25-7-1948, trong thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đại biểu cựu chiến binh Tiểu đoàn Phủ Thông ngày 27-7-1998, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Phủ Thông, có đoạn viết: “Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin, kinh nghiệm và có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến lên trên con đường đánh công kiên, đặc biệt là trong Chiến dịch giải phóng Biên giới và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nói chung trong 30 năm kháng chiến”.

Chúng tôi đến Phủ Thông đúng lúc có đoàn công tác của Quận ủy Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đến dâng hương và tham quan Khu di tích lịch sử Đồn Phủ Thông. Đại tá, cựu chiến binh Hoàng Minh Phương (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết đây là lần thứ hai ông đến thăm Bắc Kạn. Ông Phương bày tỏ: “Chúng tôi đến đây để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi rất xúc động khi được về thăm vùng đất Phủ Thông anh hùng, từng chịu nhiều gian khổ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Là người lính, tôi rất vinh dự và tự hào phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước”.

Tháng 8-2023, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án phục dựng, tôn tạo một số hạng mục Khu di tích lịch sử Đồn Phủ Thông từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Quốc phòng với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2023 đến 2025, quy hoạch mặt bằng tổng thể Khu di tích lịch sử đồn Phủ Thông, phục dựng một số hạng mục thể hiện kết quả sau trận công đồn, đường lên khu di tích, sưu tầm tư liệu, dấu tích liên quan đến trận đánh, dựng phim 3D có độ dài 15 phút phục vụ khách tham quan…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nông Lường Hào, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Phủ Thông cho biết: “Trận đánh công đồn Phủ Thông thể hiện sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của quân và dân ta. Đảng bộ và nhân dân thị trấn Phủ Thông hôm nay tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Phủ Thông anh hùng, ngày càng giàu đẹp, sớm là đô thị văn minh”.

Có dịp về thị trấn Phủ Thông vào dịp đầu xuân, du khách sẽ được tham dự Hội xuân Phủ Thông tổ chức ngày 20 tháng Giêng để cùng hòa vào không khí nô nức của dòng người đi hội và chiêm ngưỡng vẻ đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Tày nơi đây. Phần lễ của Hội xuân Phủ Thông được diễn ra trong không khí trang nghiêm với nghi lễ dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Phủ Thông kết hợp nghi lễ cầu mùa của bà con nhân dân trong vùng. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những sản vật đặc trưng của địa phương cùng nhiều tiết mục biểu diễn dân ca, trò chơi dân gian truyền thống như tung còn, kéo co, đi cà kheo đầy hấp dẫn, vui nhộn.

Đối với chúng tôi, trở về Phủ Thông còn là dịp để ôn lại lịch sử và thêm trân quý hơn giá trị hòa bình, để những ca từ trong bản hành khúc đầu tiên của Quân đội ta “Bên suối noọng cười nghiêng soi bóng nước/ Bên bếp bập bùng tiếng xa quay ru/ Khắp nơi vang câu ca, khắp nơi chan hòa nụ cười/ Đón ta trong ánh nắng rực ánh sao…” (“Chiến thắng Phủ Thông” của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên) ngân vang mãi với niềm tự hào bất tận.

Hương Ly

Nguồn: Dulichvn.org.vn