Có lẽ bạn không nhận ra, nhưng tương đương với dim sum của Trung Quốc, Việt Nam cũng có loạt bánh “bữa lỡ” đa dạng sau đây.
Dim sum, hay điểm tâm có chữ Hán là 點心, nghĩa đen là “lót dạ”. Về định nghĩa, điểm tâm dùng để chỉ một loại hình ẩm thực Trung Hoa bao gồm các món ăn nhẹ hợp lại với nhau, thường được ăn vào buổi sáng hoặc ăn cùng với trà vào buổi trưa muộn, buổi chiều. Những món này thường có một lớp da mỏng làm từ bột gạo bọc bên ngoài, bên trong là nhân thịt, rau củ các loại. Mặt khác, chính vì để lót dạ, ăn nhẹ nên ta thường quen thuộc với hình ảnh những món điểm tâm có kích cỡ nhỏ, thường chỉ có 3 – 4 viên trong một xửng. Các món dim sum có thể lên đến hơn 100 chủng loại, trong đó phổ biến nhất có lẽ là há cảo và xíu mại.
Dim sum – loạt những món ăn lót dạ của người Hoa.
Tương tự với loại hình ẩm thực này của Trung Quốc, ở Việt Nam cũng có một loạt những món bánh dùng để ăn lót dạ, ăn nhẹ với đa dạng chủng loại và thường đi kèm với nhau. Đó là những món bánh ăn “lỡ” của người Huế. Tuy không thể so về phương diện “đồ sộ” của nước bạn, nhưng bánh Huế vẫn có những chỗ “không thua kém”.
Bữa “lỡ” của người Huế, theo như định nghĩa thì là bữa ăn “lỡ làng”, “lưng chừng” giữa hai bữa ăn chính, thường là bữa sáng và bữa trưa, hoặc bữa trưa cùng bữa tối. Đây là bữa ăn với mục đích bổ sung năng lượng cho người lao động nhiều, giúp người ta có thể lực để làm việc tốt hơn trong quãng thời gian còn lại. Đôi khi, người Huế cũng chỉ “ăn lấy hương lấy hoa”, cốt để thưởng thức chứ không để ăn no. Người Huế thực ra có thể ăn nhiều món khác nhau vào bữa lỡ, nhưng phổ biến nhất thì có loạt bánh Huế với kích cỡ nhỏ, mảnh và thường phải ăn 2 – 3 cái mới thấy vị.
Những món bánh Huế ăn trong bữa lỡ cũng không thua kém trên nhiều phương diện!
Một số món bánh ăn lỡ thường thấy và quen thuộc với mọi người là bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít ram…
Sở dĩ so sánh loạt bánh này với loạt món dim sum của người Hoa cũng vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là cả hai loại hình đều có những điểm tương đồng nhất định: mục đích của hai loạt thức ăn tương tự nhau (lót dạ), cả hai đều đi thành một nhóm (ở Trung Quốc gọi chung là dim sum, ở Việt Nam thường gọi chung là bánh Huế), được đánh giá cao và có nét đặc trưng, được phân biệt như một “họ” các món riêng. Thứ hai là trong khi dim sum được đánh giá cao như một đặc trưng ẩm thực, có lẽ các món bánh Huế của Việt Nam cũng nên được chúng ta tích cực quảng bá với bạn bè quốc tế về độ tinh tế, hấp dẫn và tỉ mỉ chẳng thua kém của chúng.
Loạt bánh “nhỏ mà có võ”.
Các món bánh bữa lỡ của người Huế đa dạng và đầy sáng tạo. Thoạt trông có vẻ nhỏ nhắn, nhưng công cuộc chế biến cũng cần sự nhẫn nại và tinh tế không khác những món ăn cầu kì. Không nói đâu xa, chỉ từ chiếc bánh nậm. Bánh nậm mỏng tang, mỗi chiếc bánh chắc chỉ được một muỗng cà phê bột bé tí, nhưng chiếc nào cũng được chăm chút làm, trải dẹt ra rồi cẩn thận gói riêng lại bằng lá. Mỗi chiếc bánh đúng một miếng ăn, cho ngay vào miệng chứ không cần phải cắn. Làm một trăm chiếc bánh bé xíu như vậy là một trăm lần trải bột, một trăm lần gói lá. Xét trên mặt thực tế thì ăn nhoáng là xong, nhưng đối với người Huế có thói quen ăn để thưởng thức thì mỗi chiếc bánh là một trải nghiệm quý giá về vị giác.
Bánh nậm – món bánh ăn “chả bõ dính răng” có cách làm tỉ mỉ.
Mặt khác, những chiếc bánh này cũng không hẳn là lúc nào cũng mang cái mác “giản dị”, “mộc mạc”. Chúng linh hoạt và có thể khoác lên mình nhiều nhân dạng khác nhau để phục vụ cho nhiều tầng lớp khác nhau. Cho dù là sang hay hèn thì ai ai cũng ăn bữa lỡ, vậy nên cùng một loại bánh có thể sinh ra nhiều phiên bản. Ví dụ như bánh nậm khi bước chân vào gia đình quyền quý lại được biến tấu thành bánh lá chả tôm, với món chả tôm tươi được chế biến công phu bằng cách quết nhuyễn, nêm nếm gia vị rồi hấp chín.
Ngoài ra, ta còn có bánh bèo mặn làm từ bột gạo tẻ ăn cùng nước mắm, bánh bột lộc trong suốt, dai dai có chú tôm đỏ au hấp dẫn bên trong, còn cả bánh ít ram pha trộn giữa cái mềm dẻo và giòn ruộm, hoặc, món bánh đúc chấm mắm nêm, chẳng có nhân gì nhưng vẫn được người ta ưa chuộng vô cùng.
Bánh bột lọc trong suốt với nhân tôm đỏ au hấp dẫn.
Sự linh hoạt biến chuyển giữa bình dị và xa hoa có lẽ là điểm hấp dẫn của loạt bánh này. Gọi tên chung chắc hẳn cũng không có nhiều loại, nhưng đến khi thực sự đến Huế, thực sự dung nhập vào nếp sống ở đây mới thấy nhiều biến tấu mới lạ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Cuối cùng, có một điểm ở các loại bánh ăn bữa lỡ tại Huế khiến chúng hấp dẫn vô cùng ấy chính là: hình thức. Phải công nhận một điều là những chiếc bánh Huế luôn rất bắt mắt. Chúng có thể không có tạo hình túi tiền như há cảo, không có hoạ tiết trên vỏ bánh, nhưng xinh xẻo ở hình dáng đa dạng. Nó có thể có hình tròn, cũng có thể dẹt. Ngoài ra, các loại bánh luôn phải có sự hài hoà từ đủ các màu: trắng mịn từ bột, xanh mướt của hành, của lá chuối, vàng ươm của phần bột rán hoặc tỏi phi, và đỏ au của đậu, của tôm… Nhất là khi những chiếc bánh ấy được xếp lên mâm cùng nhau, phải công nhận là chúng trông vô cùng bắt mắt và “ăn ảnh” hết ý!
Sự hài hoà màu sắc của các món bánh Huế.
Nguồn: KENH14.VN