Lời cảm ơn ghi trên giấy ăn của F0 72 tuổi gửi bác sĩ chữa trị

0
Lời cảm ơn ghi trên giấy ăn của F0 72 tuổi gửi bác sĩ chữa trị

Trước khi xuất viện, bệnh nhân 72 tuổi đã viết những dòng thơ cảm ơn các bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) trên tấm giấy ăn.

“Chân thành cảm tạ bác sĩ ơi!

Rất mực chăm lo với mọi người

Cứu sống nạn nhân cơn đại dịch

Với lòng nhân ái, mãi trong tôi”.

Những dòng thơ là lời cảm tạ của nhà thơ Chu Kỳ (tên thật Đặng Tấn Công, sinh năm 1949, quận Tân Bình, TP.HCM) gửi đến bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trước lúc xuất viện, sau 2 tuần được điều trị Covid-19.

dieu tri Covid-19 anh 1

Lá thư viết trên tờ giấy ăn của bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19 gửi tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Vì trong viện không có giấy, người đàn ông 72 tuổi chỉ có thể ghi những lời từ tận đáy lòng lên tờ giấy ăn.

Bác sĩ Hoàng Văn Triều (chuyên khoa điều trị Covid-19), người tiếp nhận và điều trị cho người đàn ông 72 tuổi, xúc động và vui mừng khi được đồng nghiệp gửi ảnh chụp lá thư.

“Tôi còn nhớ khi vào viện, bác ấy trong tình trạng suy hô hấp, phải thở bình oxy. Những ngày đầu, bác khó thở, các nhân viên y tế điều trị và chăm sóc tích cực.

Vì bệnh nhân nhiễm Covid-19 không có người nhà đi theo chăm sóc, nên y tá, hộ lý giúp bác ăn uống, vệ sinh. Sau khi sức khỏe cải thiện tích cực và có kết quả xét nghiệm âm tính, bác được xuất viện vào ngày 20/8″, bác sĩ Triều nói với Zing.

Chăm người bệnh như người nhà

Từ cuối tháng 7, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Nguyễn Tri Phương được thành lập, hoạt động trên cơ sở trưng dụng một phần hạ tầng sẵn có của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Nơi này có chức năng, nhiệm vụ thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân Covid-19.

Số ca nhiễm tăng cao tại thành phố, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, có khi tiếp nhận 150% số bệnh nhân so với chỉ tiêu.

Bác sĩ Triều và các đồng nghiệp chia ca trực, mỗi nhóm ở nội trú từ 2 tuần đến 1 tháng, sau đó đổi ca với nhóm khác để về nhà.

“Số bệnh nhân nặng tại đây chủ yếu là người lớn tuổi, thường không thể tự ăn uống. Thấy họ phải ở một mình, các chị chăm từng chút như người thân. Nhiều người chán ăn nên y tá phải đút từng thìa, có khi phải ép người bệnh, kiên trì thuyết phục thì họ mới chịu ăn”.

Với bệnh nhân trở nặng, phải thở máy, những việc vệ sinh cá nhân như thay tã, vệ sinh, xoay trở người đều do nhân viên y tế lo liệu. Số lượng bệnh nhân quá đông trong khi nhân viên y tế có hạn, sau mỗi ca trực ai cũng rã rời chân tay. Nhưng mọi người vẫn luôn cổ vũ, động viên nhau vì người bệnh.

Sau thời gian căng mình chống dịch, hạnh phúc lớn nhất của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện là được nhìn thấy bệnh nhân dần khỏe mạnh và xuất viện về nhà.

Áp lực tâm lý

Bác sĩ Triều nói rằng anh và các đồng nghiệp đang công tác tại khu vực được mệnh danh là nơi “siêu cách ly”, bởi vậy áp lực tâm lý là điều không tránh khỏi.

Các bác sĩ liên tục chứng kiến những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 đột ngột trở nặng.

“Có lần một bệnh nhân trẻ tuổi, đang trong tình trạng tốt, nhưng vừa tháo bình oxy ra để đi vệ sinh, đi ra đột ngột bị suy hô hấp, tím tái. Bởi vậy, mức chăm sóc, theo dõi phải cao và tích cực hơn.

Tôi tự thấy mình là hạng ‘thứ dữ’ rồi nhưng khi vào điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng thấy áp lực lớn về tâm lý. Chứng kiến bệnh nhân mình điều mấy hôm trước còn cười nói vui vẻ, bỗng nhiên trở nặng, tử vong khiến bản thân bác sĩ ám ảnh”.

Bác sĩ thường sẽ ở nội trú tại bệnh viện trong 2 tuần đến 1 tháng, sau đó đổi lịch với nhóm khác, được về nhà nghỉ ngơi khoảng 2 tuần để lấy lại sức khỏe và tinh thần.

“Làm việc mệt thì chúng tôi chịu được vì đã quen với cực nhọc rồi. Nhưng quá nhiều tình huống xảy ra khiến cảm xúc của bác sĩ bị quá tải, đó mới là khó khăn lớn. Nhân viên y tế làm việc liên tục trong viện quá lâu, họ rất dễ bị quá tải về tâm lý”.

Chiến đấu để về với gia đình

Đã lập gia đình nhưng chưa có con nhỏ, bác sĩ Triều và vợ đều xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Làm việc ở hai bệnh viện khác nhau nên chỉ những lần trùng hợp được về nhà cùng thời điểm, hai người mới gặp nhau.

Đồng nghiệp của anh có những người đã 3-4 tháng chưa về nhà vì sợ lây nhiễm cho gia đình, con cái hay ba mẹ lớn tuổi.

“Có anh bác sĩ đi chống dịch đã hơn 3 tháng. Ngày thôi nôi con nhỏ một tuổi, rồi đến sinh nhật bé lớn 4 tuổi đều phải chúc mừng qua điện thoại. Mỗi lần con hỏi ‘Ba ơi sao ba không về, sao ba đi lâu thế’, anh ấy lại rơi nước mắt.

Nhiều người đã lâu chưa được về nhà, không được gặp con. Họ chỉ có thể gọi điện nói chuyện và kết thúc là những cái vẫy tay chào qua video call. Đôi mắt thoáng đượm buồn nhưng họ cố kìm nén, rồi tiếp tục chuẩn bị vào ca làm mới”.

Với lịch làm việc kín đặc, các bác sĩ chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi sau giờ ăn cơm, mỗi người chọn một góc và tranh thủ gọi điện về cho gia đình. Xác định bản thân có thể gặp nguy hiểm, bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, song họ vẫn trấn an người thân yên tâm.

“Dịch bệnh là thế, đâu cũng tang thương. Ai mà chẳng sợ, ai mà không muốn bên gia đình. Nhưng những nhân viên y tế vẫn luôn gạt đi những mong muốn của bản thân để đến với người bệnh, hi sinh lợi ích cá nhân để ra chiến trường. Vì họ biết rằng, hơn lúc nào hết, người bệnh rất cần mình – những chiến sĩ khoác áo blouse trắng”.

Nguồn: News.zing.vn