Với các phi công, những chuyến bay sơ tán công dân nước ngoài từ sân bay Kabul là hành trình đặc biệt chưa từng thấy.
Từ ngày 15/8, Taliban tiến vào thủ đô Kabul và giành toàn quyền kiểm soát. Đây cũng là lúc nhiều nước phương Tây vội vàng sơ tán công dân khỏi Afghanistan bằng máy bay quân sự, theo AFP.
Quá trình tiếp cận sân bay có nhiều rủi ro. Tình hình dưới mặt đất hỗn loạn nhưng vẫn đòi hỏi thời gian chính xác. Các hành khách đều kiệt sức và căng thẳng. Đó là trải nghiệm của các phi công trên những chuyến bay giải cứu vài ngày qua.
Nhiệm vụ khó khăn
Khi điểm đến là thủ đô Kabul của Afghanistan, phi công thường gặp khó khăn do sân bay được đặt ở địa hình cao, có núi đồi bao quanh và lưu lượng máy bay dày đặc. Họ thường trông cậy vào hệ thống tránh va chạm (TCAS) để phòng tránh sự cố khẩn cấp.
Quân đội Mỹ đã triển khai khoảng 5.800 binh lính đến hỗ trợ công cuộc giải cứu công dân. Chỉ huy Stephen, cơ trưởng trên một chiếc máy bay vận tải quân sự A400M cho biết binh lính Mỹ “vừa kiểm soát không lưu, kiểm soát mặt đất, vừa kiểm soát tháp liên lạc và tìm cách kết nối với máy bay”.
“Khi vận hành một chiếc máy bay như thế này, chúng tôi cần nhiều sự hỗ trợ từ hệ thống dưới mặt đất. Nhưng cuối cùng, chúng tôi phải tự hạ cánh bằng mắt thường”, ông Stephen chia sẻ với với AFP từ căn cứ 104 của Pháp tại Al-Dhafra thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Sân bay Kabul hỗn loạn trong những ngày qua. Ảnh: AFP. |
“Nhưng hệ thống của họ thực sự giúp chúng tôi rất nhiều. Họ xác định bối cảnh bên ngoài và chúng tôi lường trước được các mối nguy”, ông Stephen nói thêm.
Để đề phòng hỏa lực tên lửa, chiếc máy bay A400M đã thả mồi nhử hồng ngoại giúp đánh lừa đường đạn. Sau đó, chiếc máy bay phải hạ cánh thật nhanh trên đường băng để “phòng tránh rủi ro”, ông Stephen cho biết.
Theo vị cơ trưởng, lưu lượng hàng không tại sân bay Kabul rất tấp nập và “vận hành như một bản nhạc”. “Máy bay của nhiều quốc gia muốn hạ cánh. Nếu tổ chức không chặt chẽ, các chuyến bay sẽ bị gián đoạn”, ông nói.
Trong những ngày qua, các phi công phải tuyệt đối tuân thủ lịch trình. Sau khi hạ cánh, họ chỉ được lưu lại sân bay Kabul đúng nửa tiếng rồi phải lập tức cất cánh.
Quyết định quan trọng
Khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8, hàng chục nghìn người đã đổ xô đến sân bay để tìm đường thoát thân.
Sáng hôm đó, phi công Maqsoud Barajni của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) đã hạ cánh một chuyến bay thương mại xuống sân bay Kabul. Ông cảm thấy mọi việc vẫn diễn ra như bình thường.
Khi đang chờ đợi trên đường băng để bay chuyến tiếp theo, ông bắt đầu nhận thấy sự hoảng loạn ở bên ngoài sân bay. “Nhiều người đổ xô vào sân bay và tôi nghe thấy tiếng súng”, ông Barajni kể lại.
Sân bay Kabul hỗn loạn trong những ngày qua. Ảnh: AFP. |
Ông Barjani chuẩn bị cho máy bay cất cánh thì kiểm soát viên không lưu thông báo mọi chuyến bay thương mại đều bị đình chỉ. Ông Barjani hiểu rằng mình không được phép cất cánh. Sau đó, ông đã thực hiện quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.
“Tôi nói chuyện với cơ phó và chúng tôi nhất trí sẽ cất cánh ngay cả khi không được phép. Đây không phải là một tình huống bình thường”, ông Barjani kể lại.
“Sau khoảng một giờ đồng hồ quan sát tình hình, cuối cùng tôi đã cất cánh. Tầm nhìn tốt giúp tôi tránh được các máy bay quân sự. Tôi gặp một số chiếc máy bay Chinook, trực thăng Gunship và một số máy bay chở hàng”.
“Nếu do dự thêm vài phút, chúng tôi không thể thực hiện được điều này. Đó là chuyến bay thương mại cuối cùng trong ngày 15/8”, ông Barjani cho biết.
Không lâu trước đó, ông Uzair Khan, một phi công khác từ PIA, cũng cất cánh và rời sân bay Kabul. Ông Khan nhớ lại mình phải giữ bình tĩnh để làm việc, trong khi toàn bộ hành khách đều hoảng loạn.
“Hầu hết hành khách đều thuộc nội các của Tổng thống Ashraf Ghani, hoặc làm việc trong chính phủ. Họ đang rời đất nước cùng gia đình. Họ thúc giục chúng tôi cất cánh càng sớm càng tốt”, ông Khan kể.
“Tôi không thể liên lạc với nhân viên mặt đất và phải tự xử lý những phần kiểm tra kỹ thuật. Tôi được bảo rằng hãy tự xoay xở”, ông Khan cho biết.
Các hành khách trên chuyến bay của ông Khan “sẵn sàng rời khỏi Afghanistan với bất cứ giá nào”. Khi máy bay hạ cánh ở Islamabad, toàn bộ hành khách mới thở phào nhẹ nhõm.
Máy bay quá tải
Trong những ngày tiếp theo, sự hỗn loạn vẫn diễn ra ở sân bay quốc tế Kabul.
Không quân Hoàng gia Anh đã công bố một bức ảnh, cho thấy hàng trăm người ngồi khoanh chân trên sàn của một chiếc máy bay C-17. Khoang máy bay khi ấy chỉ có những chiếc dây căng ngang cho hành khánh bám vào.
Một chiếc máy bay C-17 của Mỹ được thiết kế để chở 400 hành khách ngồi trên mặt sàn. Nhưng trong những ngày qua, một chiếc máy C-17 bay phải vận chuyển tới 829 người, tức hơn gấp đôi số lượng cho phép.
Hàng trăm người chen chúc trên máy bay quân sự. Ảnh: AP. |
Đại tá người Pháp Yannick Desbois, chỉ huy căn cứ 104, cho biết ông đã “phải giữ lý trí, phân tích tình trạng của máy bay để tiếp nhận số lượng hành khách tối đa”.
Một chiếc máy bay A400M của Pháp thường có 110 chỗ ngồi. “Nhưng ở đây, chúng tôi vận chuyển tới 235 hành khách. Mọi người phải ngồi trên mặt sàn, nhưng ở trong điều kiện an toàn”, ông Desbois nói. Theo ông Desbois, yếu tố quan trọng nhất là trọng lượng của máy bay.
Khi máy bay đã cất cánh, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. “Mọi người đều mệt mỏi nhưng áp lực giảm bớt. Họ ngủ còn chúng tôi làm công việc của mình”, chỉ huy Stephen cho biết.
Nguồn: News.zing.vn