Dù bắt được một trong những khoảnh khắc kinh điển của vụ khủng bố 11/9, nhiếp ảnh gia Richard Drew cho biết thoạt đầu ông không thực sự chú ý đến tấm hình mình chụp được.
Sau hơn 5 thập kỷ hoạt động trong ngành nhiếp ảnh, Richard Drew học được một quy tắc cơ bản: “Bạn có thể đến sớm 2 giờ đồng hồ nhưng không được phép trễ 60 giây. Nói cách khác, bạn không thể chụp lại một sự việc khi bản thân không ở đó lúc nó xảy ra”.
Ông Drew làm việc cho hãng thông tấn Associated Press (AP) từ năm 1970. Ông ghi lại nhiều khoảnh khắc quan trọng như lúc Frank Sinatra đi cùng Jackie Onassis hay thời điểm võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali tung cú đấm hạ đo ván đối thủ.
Nhưng vào ngày 11/9/2001, khi ông Drew ghi lại một trong những tấm hình nổi tiếng nhất sự nghiệp – bức ảnh “người đàn ông rơi” – ông lại không có mặt tại Trung tâm Thương mại Thế giới vào lúc hai máy bay lần lượt lao vào hai tòa tháp.
Chụp theo phản xạ
Buổi sáng hôm ấy, ông Drew đang nhận nhiệm vụ tại một buổi trình diễn thời trang ở Manhattan thì nhận được cuộc gọi từ văn phòng: “Một chiếc máy bay lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới”.
Ông lập tức lao lên tàu điện ngầm và hòa vào dòng người đông đúc ở cực nam của Manhattan.
“Tôi bắt đầu chụp ảnh ngay khi bước ra khỏi tàu điện ngầm”, ông Drew kể lại trong buổi phỏng vấn trên CBS News. “Tất cả đều theo phản xạ. Tôi cứ thế mà làm. Đó là công việc của tôi mà”.
Nhiếp ảnh gia Richard Drew (sinh năm 1946) từng thắng giải Pulitzer vào năm 1993. Ảnh: Youtube. |
Ông Drew theo công việc nhiếp ảnh từ năm 19 tuổi. Lớn lên ở thành phố Temple thuộc vùng ngoại ô Los Angeles, ông Drew đã mua một bộ đàm và nghe thông báo từ phía cảnh sát khi có sự kiện xảy ra.
“Tôi có thể đi theo một vụ tai nạn xe hơi, một đám cháy hay gì đó tương tự”, ông kể lại. “Công việc của tôi là ghi lại lịch sử và tôi ghi lại lịch sử mỗi ngày”.
“Khi chụp lại bức ảnh ‘người đàn ông rơi’, ông có nghĩ bản thân đã thực hiện một việc khác thường không?”, phóng viên CBS hỏi ông Drew.
“Tôi không chụp bức ảnh đó”, nhiếp ảnh gia 74 tuổi đáp. “Máy ảnh đã chụp hình người đàn ông rơi. Khi những người này ngã xuống, tôi đặt tay lên cò máy ảnh và giơ máy lên. Tôi chụp ảnh và di máy theo quỹ đạo rơi của họ”.
“Tôi có khoảng 8-9 khung hình ghi lại cảnh người đàn ông này rơi xuống. Máy ảnh chỉ tình cờ bắt được thời điểm cơ thể ông ấy hoàn toàn thẳng đứng”, ông Drew nói. “Tôi không thực sự chú ý đến bức ảnh đó cho đến khi trở lại văn phòng và xem lại các bức ảnh trên máy tính”.
Bức ảnh “người đàn ông rơi” chụp lại khoảnh khắc một người rơi tự do từ tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9/2001. Ảnh: AP. |
Danh tính của “người đàn ông rơi” vẫn chưa được xác định. Theo ước tính không chính thức của New York Times, ít nhất 200 người đã thiệt mạng khi ngã hoặc nhảy xuống từ tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9.
Các nhà báo cho rằng danh tính của “người đàn ông rơi” có thể là Jonathan Eric Briley hoặc Norberto Hernandez. Tên của hai người này được khắc gần nhau trên lan can của Đài tưởng niệm 11/9, theo CBS News.
“Công việc của tôi là ghi lại lịch sử”
Khi được hỏi bản thân có cảm thấy sợ hãi khi chụp hình tại Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 9/11/2001 hay không, ông Drew đáp: “Không hẳn. Chiếc máy ảnh đóng vai trò bộ lọc đối với tôi. Tôi không nhận ra tòa tháp đầu tiên đã sụp đổ vì khi ấy tôi đang nhìn qua ống ngắm. Tôi chỉ nhìn thấy một phần của sự việc diễn ra lúc đó”.
Bức ảnh “người đàn ông rơi” của ông Drew xuất hiện trên một số tờ báo vào ngày hôm sau. Bức ảnh thu hút sự chú ý của nhiều độc giả. Danh ca Elton John kiên quyết mua bằng được tấm hình.
Trên thực tế, nhiếp ảnh giả Richard Drew đã chụp được nhiều khung hình khác nhau trong quá trình người đàn ông rơi từ tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới. Ảnh: AP. |
Hai mươi năm sau vụ tấn công 11/9, bức hình “người đàn ông rơi” có lẽ là một trong số những tấm ảnh lột tả rõ nét sự kinh hoàng của ngày hôm đó.
“Giờ đây, khi nhìn vào những bức ảnh ông chụp vào ngày hôm ấy (9/11/2001), ông nghĩ gì?”, phóng viên CBS hỏi ông Drew. Nhiếp ảnh gia 74 tuổi đáp: “Tôi nghĩ tôi vẫn sẽ làm những gì tôi đã làm. Tôi sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì. Như tôi đã nói, công việc của tôi là ghi lại lịch sử”.
“Bức ảnh tồn tại với mục đích trình cho người xem những gì đã diễn ra vào thời điểm đó, thời điểm họ không có mặt ở đó để chứng kiến”, ông Drew cho biết. “Tôi sở hữu đặc ân khi có thể thực hiện điều đó”.
“Độc giả có thể đưa ra kết luận của riêng họ về ‘người đàn ông rơi’”, ông Drew nói.
Nguồn: News.zing.vn