Lớp học của bệnh nhi ung thư tại TP.HCM vẫn ‘sáng đèn’ giữa dịch

0
Lớp học của bệnh nhi ung thư tại TP.HCM vẫn ‘sáng đèn’ giữa dịch

Dù dịch bệnh, cô Phấn vẫn dạy học cho các bệnh nhi ung thư bằng phương pháp trực tuyến. Với cô, đây là cách để yêu thương mười mấy năm qua của mình không đứt gãy.

Khi dịch bệnh căng thẳng tại TP.HCM, lớp học của cô Đinh Thị Kim Phấn dành cho những bệnh nhi ung thư tưởng chừng không thể tiếp tục hoạt động.

Thế nhưng càng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cô Phấn càng không muốn bỏ mặc học trò của mình. Hơn 3 tháng TP.HCM giãn cách xã hội, đó cũng là thời gian cô mở lớp học online, trao gửi sự quan tâm, động viên đến bệnh nhi qua màn hình điện thoại.

lop hoc cho benh nhi ung thu anh 1

Từ năm 2009, cô Phấn đứng lớp dạy học cho bệnh nhi ung thư.

Yêu thương không đứt gãy

Chia sẻ với Zing, cô Phấn cho biết trước giai đoạn dịch bệnh, lớp của cô được tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Học trò của cô là những bệnh nhi đang điều trị tại đây, sĩ số duy trì từ 20 đến 30 em/buổi học.

“20 đến 30 em, nhưng các em không thể học cố định. Có em ngày hôm nay đi học nhưng hôm sau phải nghỉ để về quê điều trị. Có những em khác lại mãi mãi ra đi vì bệnh nặng. Cứ vài em nghỉ, vài em khác lại xin vào lớp. Dù vậy, tôi không quên một em nào”, cô Phấn tâm sự.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, những học trò của cô Phấn chuyển về bệnh viện tuyến dưới hoặc phải ở nhà, được bác sĩ hỗ trợ điều trị từ xa. Cô Phấn cũng như những giáo viên khác trong giai đoạn này, làm quen cách dạy học online.

Nhờ sự hỗ trợ từ các bạn tình nguyện viên thân quen của mình, cô Phấn nhanh chóng thành thạo các ứng dụng điện tử. Lớp học online của cô giờ đây chỉ có hơn 10 học trò, hầu hết đã gắn bó với cô từ lâu. Nghe tiếng cô giáo qua chiếc điện thoại, tụi trẻ reo lên đầy thích thú.

lop hoc cho benh nhi ung thu anh 2

Cô Phấn tổ chức tặng quà cho các bệnh nhi ngày Quốc tế Thiếu nhi 2021.

Cô Phấn cho biết đối với mình, phương pháp online không mấy hiệu quả trong việc giảng dạy, thế nhưng lại giúp ích rất nhiều để cô động viên những bệnh nhi và cả phụ huynh khi phải rời viện về nhà.

Sự chia sẻ từ cô đã khiến những gia đình có con mắc bệnh nặng bình tâm hơn, giảm nhiều áp lực.

“Ba mẹ có con ung thư, lại gặp giai đoạn dịch bệnh thế này khó khăn lắm. Tôi rất hiểu điều đó nên duy trì lớp học online. Có lẽ kiến thức truyền đạt cho các em không nhiều nhưng cái tôi có thể truyền đi là sự động viên.

Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi sao 12 năm nay mình có thể bền bỉ như thế. Trong lúc dịch bệnh thế này, gia đình tôi cũng phải đối mặt nhiều lo lắng. Nhưng tôi không muốn để yêu thương mười mấy năm của mình bị đứt gãy. Còn có thể giúp đỡ gia đình các bệnh nhi ngày nào, tôi sẽ làm ngày đó”, cô Phấn nói.

Nhà lưu trú

Trong số những học trò của cô Phấn, một số em bệnh nặng, nhà ở tỉnh xa nhưng phải nhập viện liên tục. Lúc này, ba mẹ các em buộc phải thuê nhà trọ bám trụ lại TP.HCM, làm tất cả để con được chữa bệnh.

Có lẽ họ là những người khốn khó nhất bởi vừa cùng con chiến đấu với ung thư, vừa phải chật vật sinh tồn trong đại dịch. May mắn thay, những gia đình như vậy được ở miễn phí tại một nơi mang tên Nhà lưu trú.

lop hoc cho benh nhi ung thu anh 3

Bệnh nhi tham gia lớp học online của cô Phấn.

Nhà lưu trú thuộc sở hữu của một số mạnh thường quân, bàn giao cho một phụ huynh chịu trách nhiệm quản lý.

Khi biết gia đình bệnh nhi khó khăn, cô Phấn gợi ý họ đến đây ở tạm, tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.

Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, Nhà lưu trú càng là nơi hỗ trợ rất nhiều cho những bệnh nhi và ba mẹ. Tại đây, họ được các bạn tình nguyện viên hỗ trợ thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.

“Hiện tại, có 17 người bao gồm cả bệnh nhi và phụ huynh đang ở lại Nhà lưu trú. Những học trò học lớp online của tôi chủ yếu là các em ở đây.

Các em bệnh nặng, bố mẹ lại rất khó khăn, thời điểm dịch bệnh thế này giúp đỡ được cho họ chỗ ở an toàn như vậy tôi yên tâm lắm”, cô nói.

Cô Phấn cũng chia sẻ thêm rằng hoạt động thiện nguyện mười mấy năm qua của cô luôn có sự đồng hành của các bạn tình nguyện viên trẻ tuổi. Các bạn giúp cô tổ chức lớp học, các hoạt động tặng quà, giúp đỡ bệnh nhi và hỗ trợ tại Nhà lưu trú.

Chính các bạn là động lực lớn để cô Phấn mạnh mẽ duy trì các hoạt động thiện nguyện của mình.

“Hôm nay, một bạn tình nguyện viên gọi điện cho tôi nói ‘cô ơi, bên nhà mọi người đang cần gia vị, nước giặt…, để con đi mua rồi mang sang nhé’.

Tôi nghe vậy vui lắm. Tôi làm việc cũng vì các bạn, muốn làm cầu nối cho tấm lòng hướng thiện của các bạn. Sau này tôi sức yếu, tôi rất vui khi có các bạn là thế hệ tiếp nối giúp đỡ những bệnh nhi hiểm nghèo và những người yếu thế trong xã hội”, cô bày tỏ.

Bệnh nhi ung thư qua đời vì Covid-19

Trong đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát, cô Phấn đã phải chia tay không ít học trò của mình. Do bệnh nặng, các em không thể qua khỏi dù cho gia đình gắng sức chạy chữa.

Trong số đó, có một bệnh nhi qua đời do nhiễm Covid-19.

Suốt 12 năm gắn bó với bệnh nhi ung thư, rất nhiều lần phải tiễn biệt các em nhỏ, thế nhưng hoàn cảnh của bệnh nhi này đã khiến cô Phấn rất tiếc thương và xót xa.

“Con chỉ mới 7 tuổi, quê ở Đắk Lắk. Con mắc ung thư máu, những ngày nằm viện thường ghé qua lớp của tôi học chữ cùng các bạn. Nhớ khi tôi vào viện thăm, con chạy nhảy tung tăng, hét ầm lên báo tin với các bạn ‘cô Phấn vào kìa’.

Tôi thương con vừa bị ung thư trở nặng, vừa dương tính nCoV. Tro cốt con vẫn còn lưu lại nơi này, vài ngày nữa ba con khỏi Covid-19 mới có thể đến đưa con về với quê hương. Tôi mong con yên nghỉ nơi con sinh ra, quanh con sẽ có ông bà, ba mẹ và làng xóm”, cô Phấn nghẹn ngào.

lop hoc cho benh nhi ung thu anh 4

Một lá thư của học trò lớp cô Phấn trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu.

Trước đó, lớp học thiện nguyện của cô Phấn được bắt đầu từ tháng 9/2009. Cô dạy các bệnh nhi ung thư vào mỗi buổi chiều thứ sáu và cuối tuần.

Ban đầu, cô chỉ dạy chữ cho các em lớp 1. Sau đó, thấy nhiều học trò lớp lớn cũng đến xin học, cô mở thêm các buổi dạy từ lớp 2 đến lớp 9.

Cô Phấn mời đồng nghiệp hoặc các bạn sinh viên đến cùng mình giảng dạy. Trước giai đoạn dịch bệnh, lớp học của cô có đến 8 giáo viên dạy chính đều đã ở tuổi nghỉ hưu và khoảng 40 tình nguyện viên.

Lớp học của cô Phấn cũng có bảng đen, phấn trắng. Điều khác biệt là những học trò của cô cứ đến lớp hôm nay, nhưng những ngày sau đã có thể phải nói lời tạm biệt.

“Tôi vẫn giữ lại hàng trăm cuốn vở của từng học trò trong lớp như cách để nhớ về các em. Có em qua đời, tôi tìm về tận nhà thăm viếng, gửi lại cho gia đình các cuốn vở. Tôi thấy như được chia sẻ nỗi đau với họ”, cô Phấn tâm sự.

Cô Phấn đã 65 tuổi nhưng sức khoẻ vẫn dẻo dai. Cô mong chờ ngày thành phố không còn dịch bệnh để học trò của cô lại được khám chữa bệnh chu đáo và đến lớp học tình thương gặp gỡ thầy cô, bạn vè trong tiếng cười.

Nguồn: News.zing.vn