Lúa miền Tây đã có ‘luồng xanh’

0
42

Lúa hè thu ở miền Tây đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng tiêu thụ gặp khó, buộc chính quyền các tỉnh phải tạo “luồng xanh” giúp nông dân tháo gỡ khó khăn.

Sáng 10/8, anh Trần Linh Dũng ở phường 3, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) thấy lúa chín vàng trên cánh đồng phía sau Bến xe khách tỉnh Sóc Trăng. Thầy giáo trồng gần 5 ha lúa giống OM 5451 này tỏ ra lo lắng khi 2 thương nhân gắn kết được gần 10 năm đã từ chối thu mua.

“Họ nói dịch Covid-19 còn phức tạp nên không dám đi mua lúa, sợ có gì cả nhà bị cách ly thì khổ. Thương nhân mua lúa nói nhà của họ có trẻ em, người già nên chờ hết dịch mới mua lúa trở lại. Nhân công của những tư thương này nhà ở huyện nên cũng không lên được TP Sóc Trăng để cân lúa do đang giãn cách theo Chỉ thị 16”, anh Dũng nói.

Giá lúa giảm mạnh

Chiều cùng ngày, anh Dũng báo tin vui khi liên hệ được nhà máy có lò sấy lúa. Doanh nghiệp này đồng ý mua lúa của anh Dũng với giá 5.000 đồng/kg nhưng người bán phải tự chở đến nhà máy.

“Lúa OM 5451 giá 5.000 đồng/kg là thấp hơn cùng kỳ năm trước 500 đồng/kg. Nếu thuê xe chở đến nhà máy thì tôi mất thêm 100 đồng cho mỗi kg lúa nhưng phải chịu vì chỉ có chỗ này mua. Máy cắt lúa liên hệ mấy ngày mới được vì nhân công ai cũng sợ dịch bệnh”, anh Dũng chia sẻ.

Luong xanh cho lua he thu anh 1

Doanh nghiệp đồng ý mua lúa nhưng chủ ruộng phải tự thuê máy gặt và chở hàng đến nhà máy. Ảnh: Việt Tường.

Lúa giảm giá không chỉ một vài ngày nay mà từ khi khu vực phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng do việc thu hoạch, mua bán và vận chuyển gặp khó khăn.

Nói với Zing, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, cho biết vụ hè thu này địa phương có khoảng 230.000 ha đất trồng lúa. Trước khi các tỉnh phía Nam áp dụng Chỉ thị 16, An Giang thu hoạch lúa hè thu được 52%. Lúc này, giao thông thuận lợi, trời nắng, nông dân bán lúa được giá cao.

Sau ngày 19/7, nhiều tư thương tạm ngưng thu mua lúa do thực hiện giãn cách, xe tải không qua được chốt khi chưa đăng ký kịp luồng xanh. Vài địa phương ở An Giang phát hiện tài công và tài xế chở nông sản dương tính với nCoV nên việc tiêu thụ lúa tại tỉnh này gặp khó khăn.

“Tuần trước giá lúa giảm xuống mức thấp nhất là 4.100-4.200 đồng/kg nên tỉnh đã họp, xây dựng phương án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa nên giá tăng trở lại. Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, từ tài công, tài xế cho đến người mua lúa, cắt lúa và bốc vác đều thực hiện xét nghiệm test nhanh”, ông Thư nói.

Theo ông Thư, trong 48% diện tích lúa hè thu còn lại của tỉnh An Giang ước tổng năng suất khoảng 530.000 tấn. Sau quá trình liên kết tiêu thụ để tạo “luồng xanh” cho nông sản của tỉnh, Tập đoàn Lộc Trời lên phương án mua 240.000 tấn, Angimex 300.000 tấn… nên khả năng thừa lúa hè thu tại An Giang sẽ không xảy ra.

“Cò lúa” hoạt động trở lại

Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), cho biết nông dân địa phương này đang thu hoạch lúa hè thu chín vụ trên cánh đồng rộng gần 18.600 ha. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tùy theo giống lúa, giá mặt hàng nông sản này giảm 200-400 đồng/kg.

“Trước đây nếu lúa giá 5.600 đồng thì hiện nay còn 5.200 đồng/kg. Do cách ly nên việc thu hoạch và tiêu thụ lúa khó khăn. Xe tải và ghe vào Ngã Năm có nhiều chốt chặn. Doanh nghiệp mua lúa phải đăng ký vùng hoạt động, test nhanh tài xế, tài công và khuyến khích họ sử dụng lao động địa phương”, ông Phong nói.

Luong xanh cho lua he thu anh 2

Lúa hè thu năm 2021 giảm từ 200-500 đồng/kg so với năm 2020. Ảnh: Việt Tường.

Theo người đứng đầu chính quyền thị xã vùng sông nước, máy gặt tại Ngã Năm có khoảng 120 chiếc, đủ phục vụ cho trên 80% diện tích lúa hè thu. Nếu nơi nào thu hoạch không kịp sẽ được chính quyền xã, phường giám sát để điều phối phương tiệt cắt lúa kịp thời cho nông dân.

Nếu như những năm trước Ngã Năm tìm cách loại “cò lúa” ra khỏi chuỗi tiêu thụ nông sản thì vụ mùa này địa phương khuyến khích nông dân gắn kết với những người trung gian. Trong phương án tiêu thụ lúa của Ngã Năm, ngoài các tổ thu mua còn có “cò” được UBND xã, phường giám sát.

“Năm nay bỏ mấy ông ‘cò’ là chết liền. Vụ hè thu này, người bán lúa và người mua lúa đều phải thông qua cò. Lực lượng này làm trung gian kết nối tư thương đến mua lúa của nông dân”, ông Phong chia sẻ.

Sau khi các tổ thu mua lúa gom lại một sân bãi, “cò lúa” kết nối thương nhân đưa xe tải đến bãi để chở lúa về Tiền Giang, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp. Khi đưa lúa lên xe, tài xế ngồi trong cabin và rời đi ngay khi đầy hàng.

Tại huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng, chính quyền địa phương làm ngược với cách của Ngã Năm. Đó là “cò lúa” được loại dần ra khỏi chuỗi tiêu thụ nông sản, thay vào đó là cán bộ ấp, xã làm nhiệm vụ tìm doanh nghiệp thu mua lúa truyền thống để giúp nông dân.

“Chúng tôi cố gắng phát huy vai trò của chính quyền địa phương. Giao cho ấp tìm các doanh nghiệp, kết nối với người mua truyền thống để giảm ‘cò’. Địa phương còn tuyên truyền, vận động nông dân liên kết sản xuất để không phải qua ‘cò”, tạo chuỗi sản xuất theo xu hướng mới”, ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú khẳng định.

Tại Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết do địa phương tạo điều kiện cho thương nhân nên nông dân thu hoạch lúa hè thu đến đâu đều được doanh nghiệp thu mua đến đó. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá lúa giảm 200-500 đồng/kg, tùy theo giống.

“Xe tải trong tỉnh có luồng xanh đi thu mua lúa dễ dàng. Khi lực lượng trong tỉnh thu gom lúa đến một chỗ nào đó, doanh nghiệp ngoài tỉnh cho phương tiện vào chở đi nhưng tài xế không được xuống xe. Nông dân Hậu Giang tiêu thụ lúa tại chỗ khoảng 20%, còn lại bán về Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp”, ông Hùng cho biết.

Luong xanh cho lua he thu anh 3

Lao động theo máy cắt lúa khó di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác vì đang giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Tường.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã, ngoài việc kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh vào Sóc Trăng tiêu thụ lúa, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương thành lập tổ, đội thu mua lúa để giám sát chặt chẽ và chủ động điều tiết máy cắt lúa. Ngành nông nghiệp Sóc Trăng còn tạo nhóm tháo gỡ khó khăn trên mạng xã hội để tạo “luồng xanh” cho nông dân.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, cho rằng việc tiêu thụ lúa gặp khó khăn do nhiều tỉnh đang áp dùng Chỉ thị 16. Khi các tỉnh chung tay tạo luồng xanh cho các phương tiên vận chuyển đi lại dễ dàng, lúa nông dân sản xuất ra sẽ được tiêu thụ hết.

“Nhu cầu tiêu thụ lúa đang có nhưng thiếu đội ngũ cắt lúa vì giãn cách nên đi lại khó khăn. Ghe hàng sáo đi mua lúa cũng khó vào các sông”, ông Kiên đánh giá.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn