Sau khi đánh bắt hải sản, những tấm lưới rách hoặc bị vứt bỏ trôi nổi trên biển. Nó không đơn thuần là rác mà còn đang âm thầm giết chết các sinh vật biển.
Theo Olive Ridley Project, lưới ma là thuật ngữ chỉ những lưới đánh cá bị bỏ lại hoặc mất trên biển hoặc bến cảng. Chúng là một phần của những ngư cụ bị ngư dân bỏ lại ngoài biển, bao gồm lưới, dây, bẫy, chậu… Ảnh: MedPharmes. |
Đôi khi, thời tiết xấu khiến ngư dân bị mất ngư cụ trong quá trình ra khơi. Tuy nhiên, đây cũng có thể là chủ đích của họ khi bỏ lại những ngư cụ đã không còn cần thiết. Việc này tiện hơn so với việc đem chúng trở lại bờ rồi vứt. Ảnh: iStock. |
Dưới bề mặt nước, các loài sinh vật không dễ để phát hiện ra chúng. Nó di chuyển nhẹ nhàng như đang nhảy múa dưới nước rồi bất ngờ tiến gần, khiến các sinh vật mắc kẹt. Đó có thể là cá mập, cá heo, rùa biển, động vật giáp xác… Ngoài ra, những chiếc lưới ma còn kẹt trên các rạn san hô khiến hệ sinh thái dưới nước bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: NDRC. |
Những con vật có thể bị mắc kẹt trong lưới nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Do đó, khi được tìm thấy, chúng thường đã rất yếu hoặc phải chịu tổn thương nặng nề trên cơ thể. Nhiều con vật cũng chết đói, kiệt sức do không thể thoát khỏi tấm lưới. Ảnh: World Sea Turtle. |
Vướng phải lưới ma không phải mối nguy duy nhất của các sinh vật biển. Khi ăn phải những thứ như móc, dây, lưới, chúng sẽ bị thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, nhiễm độc và chết từ từ. Ảnh: NY Daily News. |
Lưới ma hay các ngư cụ ma cũng góp phần không nhỏ trong cuộc khủng hoảng nhựa đại dương. Hầu hết lưới hiện đại làm từ nylon hoặc hợp chất nhựa có thể tồn tại hàng thế kỷ. Cách đây 50, 60 năm, lưới thường được làm từ sợi gai dầu hoặc bông nên có thể phân hủy sinh học. Ảnh: Westernd61. |
Nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports năm 2018 cho thấy lưới ma chiếm ít nhất 46% “bãi rác lớn” ở Thái Bình Dương. Những ngư cụ này không biến mất mà chỉ trở thành những mảnh nhỏ hơn theo thời gian. Ảnh: Greelane. |
Các ngư cụ ma có thể được phát hiện ở bất kỳ vùng nước nào. Các dòng hải lưu khiến ngư cụ ma trôi xa khỏi vị trí ban đầu, vượt qua nhiều biên giới. Do đó, rất khó để đánh giá chính xác tác động của chúng tới môi trường. Ảnh: The Guardian. |
Hiện nay, nhiều tổ chức đã được thành lập để giải quyết một phần vấn đề này. Các thợ lặn thường được thuê để dọn dẹp rác, giải cứu những con vật bị kẹt trong ngư cụ ma. Ảnh: World Wildlife. |
Nguồn: News.zing.vn